Bóng sẽ lăn trên các thảm cỏ ở Qatar, bắt đầu với trận khai mạc giữa chủ nhà Qatar và Ecuador lúc 23h00 tối nay, chính thức đánh dấu sự kiện thể thao lớn nhất trong lịch sử 92 năm của khu vực Trung Đông. Một kỳ World Cup kỳ lạ, vô cùng tốn kém và một tháng sắp tới những ẩn số chờ sẽ được giải mã, bởi chính những diễn viên tạo nên sân khấu này.
Lần đầu tiên trong lịch sử, FIFA tổ chức một giải đấu cấp toàn cầu vào cuối năm để tránh đi cái nóng như thiêu đốt ở Qatar. Trên thực tế, việc bóng lăn vào thời điểm này không khiến cái nóng tại đây biến mất. Nhiệt độ chỉ đơn thuần là “giảm đi ít nhiều” với ngưỡng từ 31 tới 34 độ C – vẫn là quá cao so với tiêu chuẩn bóng đá đỉnh cao, đặc biệt trong bối cảnh các cầu thủ từ châu Âu không quen với khí hậu khô.
Cũng chính vì lý do này, nước chủ nhà Qatar phải sinh ra các công trình nhân tạo nhằm chống lại “mẹ thiên nhiên”. Nếu như tại World Cup 2018, Nga chỉ tốn 11 tỷ USD, tức là thấp hơn cả kỳ World Cup tốn kém nhất trước đó (Brazil 2014, 15 tỷ USD), Qatar đã chi gần… 300 tỷ USD kể từ thời điểm nhận quyền đăng cai World Cup 12 năm trước.
Ngoại trừ sân Khalifa được xây dựng từ năm 1976, toàn bộ 7 SVĐ còn lại phục vụ World Cup 2022 đều được xây mới trong 3 năm qua, với hệ thống điều hoà gắn liền với mái vòm tự động, giúp nhiệt độ trong sân có thể giảm được tối đa 7 độ C.
Năm 2017, chính phủ Qatar dự kiến sẽ xây mới thêm số lượng khách sạn, căn hộ dịch vụ để đảm bảo cung cấp chỗ ở 1,1 triệu du khách tới Qatar theo dõi World Cup nhưng tới thời điểm này, cổng Hayya (cổng thông tin du lịch và nhập cảnh Qatar trong giai đoạn World Cup) đã ghi nhận 3 triệu lượt người đổ về Qatar trong 3 tuần qua. Để đảm bảo công tác phân luồng và giao thông, chính quyền Qatar đã xây mới toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm ở phía Bắc Doha. Hãy nhớ rằng, dân số bản địa của Qatar ở Doha chỉ là… 350.000 người.
Tất nhiên với Qatar, 300 tỷ USD chưa phải là giới hạn tận cùng mà họ có thể chạm tới. Nhiên liệu hoá thạch đã biến Qatar thành quốc gia “siêu giàu có” tính theo đầu người. Chia sẻ một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với quốc gia láng giềng bên cạnh Vịnh Ba Tư là Iran, đặt trong bối cảnh giá dầu tăng cao, Qatar dự báo sẽ tạo ra thặng dư 13% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2022.
Tờ Bloomberg đưa tin với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, quốc gia này đã bắt tay triển khai dự án trị giá 50 tỷ USD để mở rộng công suất khai thác, xuất khẩu khí đốt tự nhiên thêm 60% vào cuối thập niên này. Qatar, một lần nữa, tiếp tục chứng minh với thế giới họ thừa năng lực tài chính để tổ chức kỳ World Cup độc nhất vô nhị này.
Nhưng năng lực tài chính có song hành với năng lực dưới sân hay không, lại là chủ đề tách bạch. Thực tế, bóng đá Qatar chỉ thật sự bắt tay vào xây dựng một ĐTQG đúng nghĩa sau khi giành tấm vé độc đắc tổ chức World Cup. Trước năm 2007, Qatar sử dụng rất nhiều cầu thủ nhập tịch từ Nam Mỹ, tiêu biểu là tiền đạo Sebastian Soria (gốc Uruguay), người từng ghi bàn vào lưới ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2007 trên SVĐ Mỹ Đình. Tuy nhiên, hướng đi này không bền vững không phải vì Qatar không đủ tiền (họ thừa tiền là đằng khác) mà bởi các cầu thủ trẻ, giỏi từ Nam Mỹ không tới Qatar ở đỉnh cao sự nghiệp. Vì thế, con đường duy nhất là xây dựng học viện.
Công nghệ Barcelona được Qatar mua lại, với thoả thuận hợp tác toàn diện cùng lò La Masia trứ danh của Barca. Học viện Aspire ra đời với mục tiêu sinh ra các cầu thủ cho World Cup 2022 và lúc này, 14/26 cái tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Qatar tại World Cup trưởng thành từ Aspire.
Trong khi đó, Felix Sanchez – HLV trưởng của Qatar cũng là người của La Masia gửi sang, với kinh nghiệm 10 năm huấn luyện các lứa trẻ của Barca. Sanchez chính là kỹ sư trưởng của toàn bộ chương trình “Vì giấc mơ World Cup”, khi lần lượt nắm quyền các đội U19, U23 rồi ĐTQG Qatar. Chắc ít ai quên, Sanchez là HLV bại trận trước U23 Việt Nam tại bán kết U23 châu Á 2018, nhưng lúc này có tới 8 cầu thủ xuất hiện tại giải đấu ở Trung Quốc năm đó tham dự World Cup 2022.
Kỳ vọng và áp lực tại World Cup lớn tới nỗi cả hệ thống bóng đá quốc nội ở Qatar đã tạm dừng từ cuối tháng 5 (giải VĐQG dừng ở vòng 7) để ĐTQG nước này đi tập huấn ở châu Âu suốt 6 tháng, kinh qua Áo, Tây Ban Nha, Đức trước khi quay lại Doha vào tháng 3 tuần trước. Hoàng gia Qatar, cũng là đơn vị tổ chức World Cup, đặt mục tiêu rõ ràng: Phải vượt qua vòng bảng!
Với tất cả thành tố đó, trận mở màn World Cup đêm nay tuy chỉ là cuộc đối đầu giữa một nền bóng đá non trẻ (Qatar) và một nền bóng đá khiêm nhường tít Nam Mỹ xa xôi (Ecuador), đấy vẫn sẽ là cuộc đối đầu vô cùng hấp dẫn, hứa hẹn mở ra một tháng lễ hội ngập tràn không khí bóng đá đỉnh cao.
Nghi án dàn xếp ngày khai mạc
Amjad Taha, chuyên gia về các vấn đề chiến lược chính trị - giám đốc khu vực Anh của trung tâm nghiên cứu Trung Đông, tiết lộ trên Twitter cá nhân Qatar được cho là đã mua chuộc, dàn xếp tỉ số trong ngày khai mạc.
Cụ thể: nước chủ nhà đã hối lộ 8 cầu thủ của Ecuador với tổng số tiền vào khoảng 7,4 triệu USD, 8 cầu thủ này có nhiệm vụ giúp Qatar thắng với tỷ số 1-0 và bàn thắng duy nhất phải được ghi trong hiệp 2.
Đây không phải nghi ngờ duy nhất nhắm vào tính minh bạch của Qatar. Trước đó, hàng loạt tài khoản Tiktok cho rằng Qatar đã thuê hàng trăm CĐV giả để đi diễu hành dưới đường phố, “ra vẻ” ủng hộ các ĐT dự World Cup 2022 như Anh, Brazil, Argentina, khi phát hiện những người này có nhân dạng giống với lao động nhập cư châu Á.
Chưa hết, các nguồn tin của Thời báo Vùng Vịnh tiết lộ Qatar đã kiểm soát không gian mạng bằng cách thuê tin tặc tấn công, đánh sập các tài khoản MXH đăng tải nội dung tiêu cực về World Cup 2022. |