Sau khi lời đề nghị tăng lương đầy tính thiện chí của Milan bị người đại diện Mino Raiola làm ngơ, các CĐV Milan đã rất bức xúc với thủ môn Gianluigi Donnarumma. Họ tiếp tục gọi anh là “Dollarumma”, ám chỉ anh là kẻ tham tiền, và yêu cầu anh đổi người đại diện nếu muốn gắn bó lâu dài với đội bóng.
Theo Gazzetta dello Sport, Milan đã đưa ra lời đề nghị ký hợp đồng mới với Donnarumma với mức lương 8 triệu euro/năm. Đây đúng bằng mức lương thủ thành này đòi hỏi, biến anh thành người nhận lương cao nhất CLB, hơn cả Zlatan Ibrahimovic và nhiều hơn 2 triệu euro/năm so với hợp đồng cũ.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, người đại diện Mino Raiola vẫn không trả lời trước lời đề nghị này. Điều đó khiến các CĐV Milan tức giận.
Chưa rõ nguyên nhân thật sự khiến Riola tảng lờ đề nghị của Milan, nhưng có vài khả năng sau đây. Hoặc, tay cò này không hài lòng với điều khoản nào đó trong hợp đồng, liên quan đến hoa hồng mà ông nhận được. Hoặc, ông cố tình kéo dài các cuộc đàm phán để gây sức ép cho Milan, đồng thời, nghe ngóng những lời đề nghị mới, để nâng chế độ đãi ngộ cho khách hàng của mình.
Dù thế nào, nó cũng xoay quanh tiền bạc. Đó là nghề của Raiola. Có thể, Donnarumma không chủ đích trì hoãn chuyện này, nhưng các CĐV sẽ không thông cảm. Cần nhấn mạnh: mức lương 8 triệu euro/năm là đã vượt khung lương Milan, một nỗ lực rất lớn của BLĐ đại diện bởi GĐKT Paolo Maldini trong việc giữ chân Donnarumma.
Donnarumma và người đại diện làm ngơ trước lời đề nghị tăng lương của Milan
Đến Ibrahimovic cũng chỉ nhận 7 triệu euro/năm, ký hợp đồng theo từng năm. Dưới họ, Ante Rebic và Alessio Romagnoli chỉ nhận 3,5 triệu euro/năm. Tiền vệ số 1 của đội mùa này, Franck Kessi, cũng chỉ được đề nghị ký hợp đồng mới với mức lương 3 triệu euro/năm mà thôi.
Câu chuyện đang giống những gì diễn ra năm 2017. Lúc đó, Donnarumma và Raiola cũng dùng thái độ khó chịu này để đòi tăng lương. Trong trận U21 Italia - U21 Đan Mạch tại giải U21 châu Âu năm đó, các CĐV Milan phía sau cầu môn đã ném những tờ tiền dollar giả xuống sân để thể hiện sự khinh rẻ với thủ thành của họ, người mà họ cho là đã tham tiền, coi rẻ công lao của đội bóng đã đào tạo nên anh, và cho anh cơ hội bước ra ánh sáng.
Milan không ngồi yên trước phản ứng của đối tác. Họ đã liên hệ với các phương án dự phòng, gồm thủ thành Mike Maignan (Lille), Juan Musso (Udinese), và Pierluigi Gollini (Atalanta), trong đó, người đầu tiên do chính Ibra giới thiệu. Chi phí chuyển nhượng tối đa của các thủ môn này là 30 triệu euro và mức lương tối đa cho họ là 3 triệu euro/năm. Xét tổng giá trị hợp đồng, có thể phương án mua người mới còn đắt đỏ hơn việc trả 8 triệu euro/năm cho Donnarumma, nhưng nó cũng là việc phải tính đến, trước khi Raiola tiếp tục giở quẻ.
Mối quan hệ giữa Milan với tay cò mang hai quốc tịch Hà Lan - Italia đã trở nên căng thẳng sau thời Phó Chủ tịch Adriano Galliani. Galliani là người thuyết phục Raiola đưa Ibrahimovic về Milan năm 2010. Tuy nhiên, sau vụ lùm xùm Donnarumma năm 2017, quan hệ giữa Milan với Raiola không còn tốt như vậy. Năm 2019, Raiola thú nhận rằng sở dĩ giở quẻ trong vụ đàm phán năm 2017, là bởi y muốn đưa Donnarumma chạy trốn khỏi Milan. Raiola không tin tân Chủ tịch Li Yonghong và thực tế sau đó chứng minh ông đã... đúng.
Raiola ngày càng trở nên quá xảo quyệt và gian manh, so với một Milan cần sự ổn định để tái thiết và cũng không ở giai đoạn dư dả. Do đó, bất cứ vấn đề gì liên quan đến Raiola đều trở thành cái gai trong mắt các CĐV Milan. Nếu không thể chịu đựng thêm nữa, và nếu chính bản thân Donnarumma muốn một thử thách mới, việc chia tay là tất yếu.
Milan không muốn cài điều khoản phá hợp đồng giá rẻ
Một bất đồng giữa Raiola với phía Milan nằm ở phí giải phóng hợp đồng của Donnarumma. Theo báo chí Ý, Raiola muốn mức này chỉ quanh quẩn khoảng 40 triệu euro, quá rẻ so với thủ môn từng được chính tay cò này hét giá 100 triệu. Milan không đời nào chấp nhận chuyện này vì nó quá mạo hiểm.
205 - Sau gần 6 mùa giải cống hiến cho đội 1 Milan, Donnarumma đã bắt 205 trận cho CLB ở Serie A. Anh là cầu thủ trẻ nhất lịch sử đội bóng cán mốc này.