Có những thời điểm, Xavi tạo ra cảm giác ông đã giúp Barca hồi sinh thực sự, đặc biệt sau chiến thắng vang dội trước Real tại Bernabeu. Tuy nhiên, càng về cuối mùa giải, đội bóng xứ Catalunya càng đuối sức và khiến người ta cảm giác họ không quá khác biệt với thời Ronald Koeman, đặc biệt khi các “bom tấn” mùa Đông không còn tỏa sáng.
Kể từ khi Xavi đồng ý trở lại Camp Nou, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ với Barca. Các tân binh mùa Đông của họ, từ miễn phí như Aubameyang cho đến đắt giá như Ferran Torres lần lượt thay nhau tỏa sáng. Tại Bernabeu ngày 21/3, họ thậm chí đóng vai chính dù lần đầu được tham dự một trận Siêu kinh điển. Aubameyang lập cú đúp bàn thắng, kiến tạo 1 bàn khác. Torres cũng ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn giúp Barca vùi dập Real tới 4 bàn không gỡ.
Sau Real, Barca tiếp tục đánh bại Sevilla và Levante, qua đó leo lên vị trí nhì bảng La Liga. Trong một thoáng mơ mộng, không ít cule tin rằng Barca có thể san lấp khoảng cách 12 điểm với Los Blancos để giành ngôi vô địch. Ít ai nhận thấy dấu hiệu bất thường của đội bóng xứ Catalan trong các chiến thắng này: các tân binh dần mờ nhạt, và những cầu thủ do Ronald Koeman đưa về mới là người hùng.
Trước Sevilla, Pedri ghi bàn duy nhất. Pedri là một trong những cầu thủ trẻ hưởng lợi nhất từ chính sách dùng người của Koeman. Tiền vệ này đã trở thành trụ cột của Barca từ khi 17 tuổi. Đến trận thắng Levante 3-2, Luuk de Jong là người ghi bàn quyết định cho Barca ở phút 90+2.
Sự dịch chuyển này là một phần nguyên nhân khiến Barca bế tắc khi gặp đối thủ có chất lượng và tinh thần mạnh mẽ. Trận thua 2-3 trước Frankfurt ngay tại Camp Nou vì thế không sốc như người ta tưởng. Thực tế, đó là khởi đầu cho 3 trận thua sân nhà liên tiếp của Barca-Xavi. Sau Frankfurt, họ thua Cadiz và Rayo Vallecano cùng với tỷ số 0-1.
Barca dưới thời HLV Xavi (phải) đang ngày càng tỏ ra đuối sức
Khi các tân binh và HLV Xavi mải mê với những lời tung hô, thì “tàn dư” của Koeman lại là người kéo Barca tiến lên. Họ không thể giúp Barca thắng ngược sau khi bị Frankfurt dẫn trước 3-0, nhưng họ chính là những người chặn đứng khủng hoảng của đội bóng. Trước Mallorca, Depay ghi bàn giúp Barca chặn đứng mạch toàn thua trên sân nhà. Đó cũng là trận đầu tiên tiền đạo người Hà Lan đá trọn vẹn 90 phút từ ngày 4/12 năm ngoái.
Vị thế và tài năng của Xavi vẫn được công nhận rộng rãi bất chấp các màn trình diễn đáng quên của Barca vừa qua. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự sa sút của các tân binh mùa Đông, các cule có lý do để lo ngại. Aubameyang chỉ ghi 2 bàn trong 8 trận gần đây. Tiền đạo người Gabon tịt ngòi trong cả 2 trận đấu với Frankfurt.
Torres thậm chí tệ hơn. Tiền đạo có giá 65 triệu euro “tịt ngòi” 555 phút liên tiếp. Trong suốt quãng thời gian này, anh chỉ có 1 pha kiến tạo thành bàn. Con số đó là quá ít so với chính Torres. Kể từ khi ra mắt Barca ở Siêu Cúp Tây Ban Nha, cựu cầu thủ Valencia và Man City đã có tổng cộng 7 bàn thắng và 6 pha kiến tạo. Đó là con số tương đương những gì Depay làm được ở lượt đi.
Ronald Koeman càng có thêm cơ sở để trách móc sự thiên vị của ban lãnh đạo Barca. Họ đẩy Messi ra đi nhưng không cho ông ngân sách đủ lớn để tìm người thay thế như cách đã làm với Xavi. Với số tiền mua Torres, Barca đủ khả năng giữ Messi ở lại, và đương nhiên số phận của Koeman đã khác.
Tỷ lệ thắng, một vấn đề của Xavi?
Tính cả trận đấu với Mallorca, tỷ lệ thắng của Barca dưới thời Xavi chỉ đạt 55,9%, vẫn kém người tiền nhiệm Ronald Koeman (58,21%). Koeman có phần nhỉnh hơn một phần nhờ sở hữu Lionel Messi trong một mùa giải, điều mà Xavi không có. Tuy nhiên, thống kê này cũng khiến nhiều cule phải lo lắng bởi Xavi luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ cấp lãnh đạo.
0 - Torres đã có 6 trận liên tiếp không có pha dứt điểm trúng đích nào. Tiền đạo 22 tuổi này cũng lười dứt điểm, hoặc đánh mất cảm quan không gian để đánh hơi cơ hội. Anh chỉ có 6 lần sút bóng trong 5 trận gần đây.