Chỉ trong vòng 9 năm trở lại đây, Arsenal bán đi năm cầu thủ mang băng thủ quân. Đây thực sự là một thống kê thú vị về thói quen chuyển nhượng của Arsenal - phải chẳng yếu tố này khiến đội hình của họ luôn bắp bênh và trắng tay một thời gian dài?
Nhắc đến cầu thủ mang băng đội trưởng là nhắc đến vị trí cực kỳ quan trọng khi ra sân của một đội bóng. Anh ấy có thể không phải là người ghi bàn nhiều nhất nhưng phải là người có tiếng nói cao nhất và nhận được sự tôn trọng bậc nhất từ các đồng đội, thậm chí là từ các cầu thủ của đối phương. Nếu để ý thì người được giao trọng trách này sẽ gắn bó với đội bóng ấy một cách bền chặt, không phải cứ ai hỏi mua cũng bán như tình hình ở Arsenal.
Thomas Vermaelen vừa gia nhập FC Barcelona. Ảnh: FCB |
Thế nhưng ở Arsenal, có một nghịch lý là Arsene Wenger thường xuyên nhận lời bán các cầu thủ mang băng đội trưởng khi cảm thấy cần thiết. Nếu đó chỉ là ngẫu nhiên một hai lần thì cũng hết sức bình thường, nhưng nếu bán đến 5 người đội trưởng trong vòng 9 năm thì quả là thú vị về chính sách chuyển nhượng của "giáo sư" người Pháp. Đáng nói, 9 năm này là khoảng thời gian trùng với số năm khát danh hiệu của các "Pháo thủ" và liệu có Gunners nào nghĩ rằng chính thói quen này là một phần đẩy Arsenal đến sự bấp bênh, thiếu ổn định, thất bại từ bên trong?
Cái tên mở đường đầu tiên cho "cuộc cách tân băng đội trưởng" dưới thời Wenger là cầu thủ người Pháp, Patrick Vieira. Năm 2005, khi đã 29 tuổi, Vieira chia tay Arsenal để chuyển sang thi đấu cho Juventus với giá 20 triệu euro. Hình ảnh của một "số 4" ở vị trí tiền vệ phòng ngự lầm lầm lì lì và chơi cực kỳ rát hẳn là không thể nào phai nhạt trong lòng cổ động viên tại sân Highbury.
Hai năm sau đó, "con trai thần gió" Thierry Henry bay sang Barcelona để kiểm tra sức khỏe đồng thời kết thúc 8 năm đầu quân cho "Pháo thủ thành London" từ 1999-2007. Nói về Henry là nói về cả một giai thoại chơi bóng tại Ngoại Hạng Anh trong mùa áo Arsenal. Ở tuổi 29 khi đó, Henry vẫn rất sung sức mỗi khi ra sân chứ không hề giảm sút thể lực. Thậm chí ở thời điểm hiện tại đẳng cấp của anh vẫn còn trong màu áo Redbulls New York. Sau số 14 huyền thoại là Cesc Fabregas. Thương vụ này thiên nhiều về tình cảm khi Barcelona thực sự muốn đem "đứa con lưu lạc" trở về nhà. Arsenal cũng đồng ý để đội trưởng đội bóng đoàn tụ với gia đình cũ như một hành động đầy tính nhân văn trong bóng đá. Ai biết được là chỉ với 4 triệu khi mua tiền vệ 16 tuổi ngày ấy, nay họ thu về hơn 30 triệu bảng cho cầu thủ đang là linh hồn của sân Emirates.
Arsenal vô địch Community Shield cúp - một trong ít ỏi danh hiệu gần đây của họ. Ảnh: Action Images |
Gần đây hơn và vẫn còn dư âm chính là lúc Arsenal đồng ý bán luôn Robin van Persie cho đại kình địch Manchester United. Van Persie lĩnh xướng hàng công "Pháo thủ" với chiếc băng đội trưởng trên tay sau khi Fabregas ra đi nhưng cũng chỉ hơn một năm sau, cũng ở tuổi 29, chân sút này khát khao tìm kiếm danh vọng hơn là tiếp tục vai trò mới vừa được giao. "Giáo sư" làm kinh tế có thể là đại thành công nhưng lại chạm vào lòng tự trọng của một ngôi sao lớn như cầu thủ người Hà Lan. Và thêm một người nữa quay lưng ra đi.
Mới nhất, chỉ cách đây hai ngày, Thomas Vermaelen, đội trưởng của Arsenal cũng vừa hoàn thành buổi kiểm tra y tế tại Barcelona để chính thức mang áo số 23 trên sân Camp Nou. Arsenal đã quá dễ dãi trong việc bán những cầu thủ có trọng trách ở câu lạc bộ và chỉ để lại những suy nghĩ cho người ở lại một câu hỏi rằng ai sẽ là đội trưởng tiếp theo của họ. Hoặc, nếu muốn ra đi hãy là đội trưởng Arsenal. Người được chọn sắp tới phải chăng là Mikel Arteta - tân đội trưởng Arsenal - cựu cầu thủ Everton - học viên trưởng thành từ lò La Masia?