Atletico hạ Bayern bằng sự thực dụng đạt đến đỉnh cao
Atletico đánh bại Bayern rạng sáng nay vẫn là một Atletico thực dụng và toan tính. Nhưng Atletico ấy không xấu xí cực đoan, ngược lại Atletico ấy đầy hào hứng và cảm xúc.
Run rẩy cầm bóng, trải nghiệm kinh hoàng
Carlo Ancelotti không phải là Pep Guardiola. Họ khác xa nhau từ triết lý bóng đá, tư duy chiến thuật cho đến lối dụng binh. Nhưng rốt cuộc, cũng như Pep, Carletto vẫn phải cùng Bayern Munich trải nghiệm cái cảm giác kinh hoàng của việc cầm bóng trong sự run rẩy khi đối đầu với Atletico Madrid.
Cầm bóng trong sự run rẩy nghĩa là cầm nhiều bóng, nhưng chẳng để làm gì, bế tắc đến cùng cực, hễ cứ mất bóng thì lập tức khung thành chao đảo. Bayern của Pep mùa trước đã thế mà Bayern của Carletto rạng sáng nay vẫn vậy. Khác chăng Bayern của Guardiola muốn cầm bóng còn Bayern của Ancelotti bị ép phải cầm bóng, quá nhiều bóng. Nói cách khác là họ cực chẳng đã phải cầm bóng.
Những con số thống kê quá thừa thãi để chứng minh điều này. Bayern cầm bóng 67%, điều hiếm thấy ở các đội bóng Ancelotti dẫn dắt, tung ra 15 pha dứt điểm. Nếu chạm trán một đội bóng khác, với những thông số như thế, có lẽ Hùm xám đã ăn tươi nuốt sống đối thủ.
Atletico chặn đứng mọi ngả đường vào khung thành Oblak
Nhưng Atletico lại là chuyện khác. Đội bóng áo sọc đỏ trắng chỉ cầm bóng 33% mà vẫn tung ra tới 16 pha dứt điểm, 1 lần đưa bóng vào lưới, 2 lần đưa bóng dội khung gỗ và khiến Manuel Neuer vốn là mẫu thủ thành có phong thái ung dung phải trải qua một ngày làm việc chật vật.
Bàn sâu hơn những con số, khi trước mắt là hàng thủ “cô đặc” của Atletico, các cầu thủ Bayern chủ yếu đưa trái bóng đi nhùng nhằng ở giữa sân. Họ cầm bóng nhưng chẳng biết đưa bóng đi đâu, trung tuyến bị bóp nghẹt, hai biên không thể gây đột biến. Nói chung là bế tắc.
Nên nhớ trong đội hình Hùm xám có sự hiện diện của đủ loại chuyên gia, chuyên gia rê dắt có, chuyên gia chuyền bóng có và chuyên gia chớp thời cơ cũng có. Ấy thế nhưng suốt 90 phút, họ hiếm khi thực hiện được một tình huống phối hợp trơn tru hay một tình huống đi bóng hiệu quả. Mọi đợt lên bóng của Bayern bị bẻ gãy từ trong trứng nước bởi khả năng pressing kinh hoàng của các cầu thủ Atletico.
Bàn thắng của Atletico diễn ra chỉ trong chớp mắt
Kết quả, các cầu thủ Bayern thường xuyên để mất bóng. Hệ quả, bởi khả năng tấn công chớp nhoáng vô cùng lợi hại đã trở thành đặc sản của Atletico, khung thành Neuer liên tục bị chao đảo. Bàn thua Hùm xám phải nhận tất nhiên cũng đến theo cách ấy. Griezmann đoạt bóng, chuyền cho Carrasco, Carrasco dốc bóng rồi tung cú sút hiểm hóc hạ gục Neuer. Toàn bộ tình huống chưa đầy cái chớp mắt.
Vẻ đẹp của sự thực dụng
Atletico bị gắn mác đội bóng xấu xí, với lối đá thực dụng tới mức cực đoan. Thế nên họ bị ghét hơn là được yêu. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc thay đổi lối suy nghĩ ấy, với những gì thầy trò Simeone đã và đang thể hiện. Dưới tay thầy phù thủy người Argentina, cần phải thừa nhận rằng Atletico là một đội bóng khó chơi, có cá tính và có triết lý. Và triết lý ở đây là chiếm lĩnh không gian.
Nếu Guardiola bị ám ảnh bởi việc phải kiểm soát thật nhiều bóng thì Simeone bị ám ảnh bởi việc chiếm lĩnh mọi khoảng trống, để bịt kín mọi ngả đường vào khung thành và khai thác kẽ hở của đối thủ. Đến hiện tại, thầy trò Simeone đã tiệm cận đến sự hoàn hảo của triết lý ấy. Trận thắng Bayern rạng sáng nay là minh chứng điển hình.
Simeone thổi lửa lên khán đài và vào sân
Atletico áp đảo tuyệt đối về mặt không gian và thậm chí chẳng cần chơi bóng theo kiểu cực đoan để san lấp chênh lệch về mặt lực lượng. Tại Calderon, Atletico thực hiện 19 cú vào bóng, Bayern 29. Atletico phạm lỗi 13 lần, Bayern 17. Atletico chỉ nhận 1 thẻ vàng, Bayern tới 4. Vậy đội nào chơi xấu hơn?
Chưa hết, cái không khí mà toàn bộ thành viên Atletico tạo ra thật quá sức ấn tượng, bóp nát sỹ khí Hùm xám. Dưới sân, các cầu thủ áo sọc đỏ trắng chơi bóng máu lửa như thể không có ngày mai. Trên khán đài, người hâm mộ khoác vai nhau hát hò, nhảy múa cuồng nhiệt. Cuối cùng, bên đường pitch, Simeone chứ không phải ai khác chính là người nhạc trưởng của buổi nhạc kịch vĩ đại ấy.
Jose Mourinho được xem là bậc thầy của bóng đá thực dụng, tiền bối của Simeone. Nhưng ở các đội bóng do Người đặc biệt dẫn dắt chưa bao giờ xuất hiện sự cuồng nhiệt đầy xúc cảm ấy. Và cùng với những chiêu trò Mourinho thường tung ra, sẽ có phần lợn cợn nếu gọi đó là thưởng thức.
Nhưng với Simeone và Atletico, mọi chuyện rất khác. Chứng kiến họ chơi bóng, người hâm mộ như thể được đi tới tận cùng của sự thực dụng và cảm nhận được rằng lối đá ấy cũng đẹp tựa một bông hoa.