Thất bại của Man United trước Liverpool tại Europa League chứng minh hai sự thật: Một, đây sẽ lại là một mùa giải vứt đi nữa của họ (mùa giải vứt đi thứ 3 kể từ hè năm 2013). Và hai, Louis van Gaal chắc chắn không phải là người phù hợp với Manchester United lúc này.
Có điểm tương đồng gì giữa Dynamo Kiev đầu những năm 2000, Manchester United cuối những năm 60 và Manchester United trong 3 năm qua? Họ đều là nạn nhân của những cuộc khủng hoảng trên băng ghế huấn luyện, sau sự ra đi của các huấn luyện viên (nhà quản lý) kiệt xuất.
Để thấy rõ điều đó, chúng ta hãy bắt đầu với Dynamo Kiev sau kỷ nguyên Valeriy Lobanovskyi. HLV người Ukraine chắc chắn là một trong những nhà quản lý bóng đá kiệt xuất nhất lịch sử. Người sáng tạo ra chiến thuật đàn ong. Người được sánh ngang hàng với Rinus Michel huyền thoại, vô địch 2 cúp C2 Châu Âu với Dynamo Kiev, và là người được phong danh hiệu “Anh hùng Ukraine” – danh hiệu cao quý nhất ở đất nước này.
Nhưng 14 năm sau ngày ông qua đời, Serhiy Rebrov – HLV hiện tại của Dynamo Kiev, vừa bị Man City đá văng khỏi Champions League đã là HLV thứ 8 của CLB sau sự ra đi đó. Oleksiy Mykhaylychenko, trợ lý trong nhiều năm của Lobanovskyi là người được chọn thay thế vào năm 2003. Và bị sa thải chỉ 1 năm sau, với thất bại 1-2 trước 80.000 CĐV nhà ở vòng sơ loại Champions League 2004. Thất bại mà chủ tịch Ihor Surkis từng mô tả là “một sự nhục nhã”. Sau đó là một loạt những cái tên thuộc “thế hệ Lobanovskyi” khác, nhưng không thành công.
Dưới thời Lobanovskyi, Dynamo Kiev có 12 chức VĐQG trong 15 năm. Nhưng sau giai đoạn ấy, họ chỉ vô địch được thêm có 5 lần, và chưa bao giờ qua nổi vòng 16 độiChampions League.
Nhưng Dynamo Kiev không phải là CLB duy nhất gặp rắc rối. Tháng 1 năm 1969, Matt Busby tuyên bố giải nghệ. Bỏ lại sau lưng 5 danh hiệu VĐQG và tất nhiên, là chức vô địch Châu Âu năm 1968. Và cũng chỉ trong vòng 17 năm, M.U thay tới 6 HLV. Trong khoảng thời gian đó, họ không giành thêm được bất cứ chức VĐQG hay Cúp Châu Âu nào. Cho tới trước khi gặp Alex Ferguson.
Nhà báo Jonathan Wilson của The Guardian từng nhận định, trong cả ba trường hợp, có một vấn đề nảy sinh, đó là cái bóng quá lớn của những HLV kiệt xuất, cộng với việc duy trì thành công vang dội sau đó là bất khả. Việc hầu hết các học trò của Lobanovskyi cố gắng “học theo” triết lý từ người thầy của mình đã khiến CLB thất bại.
Lật lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy Matt Busby thậm chí từng bị Wilfred McGuinness, HLV kế nhiệm ông chỉ trích là “có tầm ảnh hưởng quá lớn” ở CLB ngay cả khi đã ra đi. McGuinness bị sa thải chỉ 1 năm sau đó. Nhường chỗ cho Matt Busby quay trở lại huấn luyện thêm 2 năm nữa, trước khi nghỉ hẳn.
Alex Ferguson lúc này vẫn có thể trở thành một Matt Busby thứ hai. Trong giai đoạn khủng hoảng nhất của CLB, người ta đã bóng gió về việc ông trở lại. Hoặc thậm chí là một kịch bản kiểu như Ryan Giggs nắm quyền, và Sir Alex đứng sau lưng. Viễn cảnh đó hoàn toàn có thể xảy ra trong mùa giải tới.
Nhưng liệu điều đó có thật sự tốt cho Manchester United? Quyết định biến David Moyes thành “người được chọn” là của Alex Ferguson. Nó đã thất bại. Và nếu nhìn vào những bài học từ Dynamo Kiev hay chính Matt Busby của thập niên 70, tầm ảnh hưởng của Alex Ferguson lúc này có thể gây khó cho đội ngũ lãnh đạo hiện tại. Những tin tức về các cuộc đấu đá ở thượng tầng giữa Alex Ferguson, Sir Bobby Charlton cùng Ed Woodward hay GĐ thương mại Richard Arnold đang rộ lên.
Có một cột mốc thời gian mà các CĐV Manchester United cần lưu ý, đó là cả Dynamo Kiev và chính họ thời “hậu Matt Busby” cũng phải mất thời gian khá lâu mới tìm ra người thay thế phù hợp. Với Kiev là 14 năm, với M.U là 17 năm.