Năm 2004, cả châu Âu rúng động khi Hy Lạp làm nên điều kỳ diệu, tiến chiếm ngôi vương của bóng đá cựu lục địa một cách đầy bản lĩnh. Năm nay, ở xứ sở sương mù một Leicester City nhỏ bé cũng đang dần viết nên câu chuyện thần thoại của riêng mình.
Hai câu chuyện cách nhau 12 năm này không phải không có sự tương đồng. Sự lì lợm là biểu hiện rõ nhất cho sự giống nhau đó. Hy Lạp lầm lì vượt qua từng trận một, có những lúc loạng choạng ở vòng bảng, nhưng vẫn vào được vòng trong và từ từ lật đổ các đế chế.Leicester cũ ng vậy, không ai đánh giá cao họ, mọi chú ý đổ dồn về thành London, thành Manchester, để rồi tất cả bất ngờ khi thấy The Foxes ngồi trên đỉnh bảng và không có dấu hiệu đi xuống.
May mắn cũng song hành cùng các nhà vô địch. Hy Lạp may mắn lách qua khe cửa hẹp ở vòng bảng, ở các trận đấu tiếp theo, có những trận mà họ oằn mình chống đỡ, chỉ có vài ba tình huống nguy hiểm, hay thậm chí trong trận chung kết họ chỉ có duy nhất một cơ hội, nhưng cuối cùng họ là người ca khúc khải hoàn. Leicester cũng đã có rất nhiều may mắn, có những trận với những đối thủ mạnh, đối thủ trực tiếp cho ngôi vô địch, họ không nắm thế trận, chấp nhận phòng ngự sâu, nhưng cuối cùng lại ghi được nhiều bàn, cứ như số phận đã sắp đặt vậy.
Hy Lạp, nếu bây giờ nhớ lại, chúng ta thấy các bàn thắng quan trọng của họ đều theo cùng một công thức là phạt góc, đánh đầu, nhưng thật ra mỗi trận đấu họ đều có điều chỉnh chiến thuật phù hợp với từng đối thủ. Leicester cũng biến hóa như vậy, họ biết áp đảo nếu gặp đối thủ dưới cơ hoặc đang khủng hoảng, biết cù cưa với đội mạnh, và cũng sẵn sàng đổ bê tông nếu cần thiết.
Euro 2004 cũng chứng kiến sự bạc nhược của các ông kẹ ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Italia, khi phải xách valy về nước ngay từ vòng bảng. “Vua vòng loại” Tây Ban Nha cũng gặp điều tương tự. Ngoại hạng Anh 2015-2016 chứng kiến sự sa sút toàn diện của tất cả các đội bóng lớn, dù trong Big 4 trước đây, hay các thế lực mới nổi sau này, Cổ động viên của ĐKVĐ Chelsea thậm chí hồi giữa mùa còn lo sợ về nguy cơ… rớt hạng.
Chỉ có một điều chúng ta còn chưa biết, là liệu số phận của Hy Lạp và Leicester City sau khi tỏa hào quang, có giống nhau hay không. Hy Lạp sau lần đăng quang đó, chỉ còn một lần vào được tứ kết EURO 2012, và chấm hết, không còn gì đáng nhớ. Theodoros Zagorakis, Charisteas, cũng không thể trở thành ngôi sao. Huấn luyện viên Otto Rehhagel rồi cũng phải từ chức và không giành thêm bất kỳ danh hiệu nào nữa.
The Foxes liệu có rơi vào trường hợp “một phút huy hoàng rồi vụt tắt” như vậy không? Những Vardy, Mahrez, hay Huth không phải là dạng ngôi sao mà các câu lạc bộ lớn thèm muốn, phải có bằng mọi giá. Trong khi họ đang đá cho đội bóng có cơ hội dự Champions League, nên nhiều khả năng tất cả sẽ ở lại. Hiện tại Mahrez đúng là được Barca theo đuổi, nhưng có lẽ anh hiểu để chiếm được một vị trí trong đội hình câu lạc bộ này là một điều cực kỳ khó. Nguy cơ Leicester bị xâu xé mất người là không cao, nhưng các cầu thủ ở lại có lẽ sẽ không thể nào nâng tầm của mình lên được.
Và rồi trong mùa bóng mới, khi các đối thủ ở Ngoại hạng Anh giành sự tôn trọng cao nhất với Leicester City, áp lực mà họ nhận được sẽ là vô cùng lớn. Chưa kể đến việc lần đầu ra đấu trường C1 cũng khó khăn với bất kỳ đội bóng nào. “Gã thợ hàn” Ranieri liệu có “hết phép” với những con người cũ, nhưng đối thủ lại là những người mới?
Thôi thì cứ tận hưởng câu chuyện thần thoại này đi đã!