Vì sao 12 ông lớn của bóng đá châu Âu bất chấp mọi lời cảnh báo để xây siêu giải đấu với trị giá có thể lên tới 10 tỷ euro?
Cả thế giới bóng đá đang quay cuồng với quyết định lập siêu giải đấu mang tên Super League của mười hai CLB lớn của châu Âu bất chấp những cảnh báo từ FIFA, UEFA hay ban tổ chức các giải VĐQG. Florentino Perez, chủ tịch của Real Madrid cũng là chủ tịch đầu tiên của Super League phát biểu.
"Chúng tôi sẽ giúp bóng đá ở mọi cấp độ và nâng tầm bộ môn này trên toàn thế giới. Bóng đá được coi là một thể thao toàn cầu duy nhất trên thế giới khi có lượng khán giả lên tới 4 tỷ người. Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của bản thân với tư cách là những đội bóng lớn là đáp ứng nhu cầu xem bóng đá đỉnh cao của họ".
Theo thông báo chính thức từ Super League, giải đấu này hứa cung cấp sự hỗ trợ và tăng trưởng cho bóng đá châu Âu với cam kết doanh thu không giới hạn cho các CLB tham dự bởi họ sẽ được hưởng theo doanh thu của giải đấu. Theo dự kiến, doanh thu ban đầu của Super League có thể vượt 10 tỷ euro ngay trong mùa giải đầu tiên.
Những con số trên vẫn chỉ đang nằm trên giấy nhưng có một điều chắc chắn là 12 đội bóng thành lập giải đấu sẽ nhận được ngay 3,5 tỷ euro tương đương mỗi đội nhận được khoảng hơn 291 triệu euro để nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ kinh tế khó khăn do dịch Covid-19.
Liệu số tiền béo bở trên có phải là lý do để MU, Real Madrid, Juventus, Man City hay Arsenal bất chấp tất cả để tham dự giải đấu? Ở một phương diện nào đó, tiền đúng là một trong những nguyên nhân. Theo thống kê từ chuyên gia Swiss Ramble, mười một đội bóng tham dự Super League đã lỗ ròng tổng cộng 1,2 tỷ bảng (trước khi bán cầu thủ) trong mùa giải 2019/20.
Doanh thu thua lỗ nặng là nguyên nhân khiến 12 ông lớn quyết tâm thành lập giải đấu
Riêng Liverpool chưa có số liệu do đội bóng này chưa công bố báo cáo tài chính nhưng dự kiến "The Kop" cũng chẳng thoát được cảnh lỗ nặng. Lỗ nặng nhất trong số này là AC Milan với 177 triệu bảng trong khi MU lỗ ít nhất với 13 triệu bảng.
Doanh thu trong năm nay dự kiến cũng sẽ tiếp tục đà xuống dốc khi các CĐV chưa được trở lại các sân đấu. Nên nhớ rằng, các đội bóng chỉ được sử dụng 55% doanh thu ròng để chi trả cho lương cầu thủ và chuyển nhượng. Điều này đồng nghĩa với việc các ông lớn của châu Âu càng khó "nổ bom tấn" chuyển nhượng.
Sự ảm đạm của hai kỳ chuyển nhượng gần nhất là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Các đội bóng muốn có sự bứt phá sẽ buộc phải đầu tư mạnh nên họ cần tăng nguồn thu.
Mặt khác, những cảnh cáo từ UEFA và FIFA hay ban tổ chức các giải VĐQG có đội tham dự Super League dường như không mang tính thực tế. Nếu 12 đội bóng này không được tham dự Champions League, liệu giải đấu có còn hấp dẫn. Hay đơn cử như Ngoại hạng Anh, người ta vẫn chưa tưởng tượng ra được viễn cảnh thiếu Big 6 sẽ ra sao.
World Cup liệu có còn hấp dẫn khi thiếu những ngôi sao hàng đầu thế giới. Kế hoạch xây dựng Super League không hẳn là xấu nhưng cần có sự đồng thuận từ nhiều phía. Hiện tại, UEFA đang họp khẩn trong đêm để tìm ra giải pháp cho tình hình hỗn loạn hiện tại.