PSG đã dùng đủ mọi mưu mô để tránh vi phạm luật công bằng tài chính mới có thể mang Neymar Jr về sân Công viên các Hoàng tử. Thương vụ này sẽ còn được nhớ mãi vì sự lố bịch có 1 không 2.
Sau tất cả, trang chủ của PSG đã công bố Neymar chính là bản hợp đồng mới nhất của đội bóng này. Có thể nói, với những gì đã diễn ra, đây là thương vụ phức tạp nhất trong lịch sử bóng đá hiện đại.
Neymar là thương vụ phức tạp nhất trong lịch sử.
Với túi tiền vô hạn của ông chủ Ả Rập, PSG từ lâu đã có thừa tiền để thực hiện những thương vụ kiểu mua Neymar. Tuy nhiên, do vướng phải luật công bằng tài chính UEFA đề ra nhằm hạn nhế những đội bóng có ông chủ giàu có như PSG, việc thực hiện những bản hợp đông bom tấn đã trở nên khó khăn hơn với CLB này. Dù vậy, PSG đã có 1 cách rất riêng để sở hữu Neymar.
Tạm gác qua việc PSG đưa cho Neymar số tiền 222 triệu euro dưới hình thức nào, thì bản thân việc 5 luật sư của Neymar đến gặp lãnh đạo của Barca để chuộc lại hợp đồng cho thân chủ đã là 1 trò lố. Vì việc mang tiền chuộc thân xưa nay chỉ dành cho nô lệ, kĩ nữ - những người không được đảm bảo tự do, trở thành món hàng của thiên hạ thời phòng kiến.
Cần biết rằng, Neymar đúng ra không cần phải thực hiện hạ sách này, vì PSG sẵn sàng giải phóng hợp đồng cho anh theo cách "quang minh chính đại". Tuy nhiên, La Liga đã phủ quyết thương vụ này vì nghi ngờ PSG vi phạm luật vi phạm tài chính. Đây cũng là 1 điều lố lăng khác vì bản thân La Liga không có bất cứ thẩm quyền nào để đánh giá 1 đội bóng là vi phạm luật công bằng tài chính hay không. Bản thân UEFA là cơ quan ban hành luật này cũng không thể "tuýt còi" PSG ngay bây giờ mà phải đợi tới khi đội bóng này kết thúc năm tài chính mới có thể kết luận. Từ bây giờ đến trước 1/7/2018, PSG có thể tìm thêm nhiều nguồn thu, bán đi 1 vài ngôi sao để thoát án phạt.
UEFA không thể giúp Barca vì Neymar hoàn toàn làm đúng theo ... luật lao động.
Trò lố của 3 bên: La liga, PSG và Neymar đã tạo nên 1 tiền lệ xấu: những cầu thủ có điều khoản phá vỡ hợp đồng có thể thoải mái xin tiền đội bóng muốn có họ và ra đi bất cứ lúc nào. Các đội bóng lớn cũng có thể đi đêm với ngôi sao, đưa ra những khoản tiền trá hình để cầu thủ đó tự chuộc lại bản thân mà không cần phải quan tâm tới vi phạm luật công bằng tài chính.
Đứng trước những viễn cảnh không hay như vậy, hiển nhiên các CLB Tây Ban Nha và Italy (vốn hay kèm điều khoản phá vỡ hợp đồng khi kí với cầu thủ) sẽ phải cân nhắc nhiều hơn mỗi khi soạn hợp đồng. Đương nhiên, họ có thừa cách để 1 cú phốt kiểu Neymar sẽ không lặp lại: không gắn kèm điều khoản phá vỡ hợp đồng, gán số tiền phá hợp đồng lên cao vô lí, gia hạn 1 bản hợp đồng mới với những cầu thủ lỡ kí điều khoản phá vỡ hợp đồng quá thấp.
Đối với UEFA, sau khi nhìn ra nhiều lỗ hổng trong luật công bằng tài chính của mình, họ có thể thảo luận với những đội bóng lớn, để đưa ra 1 giải pháp tránh việc lách luật như của Neymar. Họ cũng có thể học theo mô hình thể thao của Mỹ để đưa ra 1 điều chỉnh như giới hạn quỹ lương 1 đội, tiền lương tối đa cho 1 cầu thủ, ngân quỹ mua sắm tối đa và số tiền lót tay tối đa (căn cứ theo thu nhập của đội bóng).
Bên cạnh đó, nhìn quanh 1 vòng giới thế giớ bóng đá hiện nay, cũng không có nhiều cầu thủ ở trong trường hợp của Neymar để có thể tái diễn "phi vụ chuộc thân". Messi và Ronaldo có giá trị quá lớn, Griezmann có mức phí giải phóng hợp đồng không quá cao (100 triệu euro) đến mức các gã nhà giàu phải lách luật. Hazard, De Gea hay Mbappe lại không kí điều khoản phá vỡ hợp đồng.
Không dễ để có 1 thương vụ nữa theo kiểu Neymar.
Có thể nói, thương vụ Neymar đã đẩy kỉ lục chuyển nhượng bóng đá thế giới lên quá cao, dẫn tới việc các đội bóng chủ quản sẽ phải cân nhắc một số tiền tương tự để bán đi những ngôi sao có đẳng cấp ngang với cầu thủ người Brazil. Tuy nhiên, thương vụ Neymar sẽ tạo nên những thay đổi mạnh mẽ cả cấp độ CLB và liên đoàn. Gần như chắc chắn, Neymar về PSG sẽ chỉ là 1 phi vụ "vô tiền khoáng hậu" của bóng đá thế giới.
Trong quá khứ, đã nhiều lần UEFA bị nghi vấn thiên vị Barca và Real. Trong đó, PSG là 1 trong những nạn nhân mới nhất của UEFA sau trận đấu tại vòng 1/8 của UEFA Champions League năm nay. Trọng tài Denis Aytekin đã để lại nhiều tranh cãi xung quanh "tiếng còi méo" có lợi cho Barca.
Đầu kì chuyển nhượng hè năm nay, chính Barcelona chính là đội có chủ ý cướp đi ngôi sao Marco Veratti của PSG. Bản thân đại diện (cũ) của ngôi sao này cũng đã có những hành động gây sức ép với ban lãnh đạo đội bóng nước Pháp. Sau khi thương vụ này không thành công, Veratti đã phải đứng ra xin lỗi CLB và sa thải người đại diện cũ và thuê siêu cò Mino Raiola làm người đại diện mới cho mình.
Liên tục lép vế trước Barca trong nhiều năm trở lại đây, thương vụ Neymar có thể xem như sự trả thù ngọt ngào trước đối thủ "không đội trời chung". |