Vượt qua được “bảng tử thần” tức đã là chuyện “đầu xuôi đuôi lọt”, giúp người ta củng cố niềm tin chiến thắng và tiến đi xa nhất có thể? Hay vượt qua được “bảng tử thần” thì đã trầy vi trốc vảy, lộ “bài tủ”, và khó có thể tiến xa?
Rất hy hữu, khi các đội mạnh nhất giải là Pháp, Bồ Đào Nha, Đức lại cùng rơi vào bảng F tại EURO 2020 này (đội còn lại ở bảng là Hungary). Điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng trước mắt, có hai luồng suy nghĩ đáng để giới hâm mộ của các đội vừa nêu tranh luận trước khi bóng lăn. Vượt qua được bảng tử thần thì sẽ thuận tiện, hay bất lợi, so với các đối thủ khác trong cuộc đua giành chức vô địch?
Chưa bao giờ nhà vô địch EURO lại là một đội bước ra từ “bảng tử thần” của giải. Tại EURO 2012, bảng đấu như thế gồm Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà Lan trong khi Tây Ban Nha lên ngôi vô địch. Tương tự là EURO 2008 (“bảng tử thần” có Hà Lan, Italia, Romania, Pháp trong khi Tây Ban Nha vô địch); EURO 2004 (Anh, Pháp, Croatia, Thụy Sĩ. Hy Lạp vô địch); EURO 2000 (Bồ Đào Nha, Anh, Đức, Romania. Pháp vô địch). Ngày xưa, EURO có quá ít đội nên không tồn tại khái niệm “bảng tử thần”.
Ba “bảng tử thần” nổi tiếng nhất trong lịch sử World Cup là Anh, Argentina, Thụy Điển, Nigeria (World Cup 2002); Đan Mạch, Đức, Scotland, Uruguay (World Cup 1986) và Hà Lan, Argentina, Serbia, Bờ Biển Ngà (World Cup 2006). Cũng không có bảng nào giới thiệu nhà vô địch của giải.
Trớ trêu thay, khái niệm “bảng tử thần” (El Grupo de la Muerte, tiếng Tây Ban Nha) là do nhà báo Mexico viết ra lần đầu tiên, để mô tả bảng C của kỳ World Cup 1970. Brazil, Anh, Tiệp Khắc, Romania gặp nhau trong bảng đấu “nặng ký” nhất khi ấy. Rút cuộc, Brazil của Pele, Tostao, Jairzinho, Gerson, Rivelino… xuôi chèo mát mái, thẳng tiến đến ngôi vô địch, trở thành đội bóng xuất sắc và đáng nhớ nhất trong lịch sử World Cup!
Pháp (áo sẫm) và Đức cùng với Bồ Đào Nha tại bảng F khó lên ngôi vì chưa bao giờ nhà vô địch bước ra từ bảng tử thần
Phàm là thống kê, số liệu phải nhiều mới có ý nghĩa. Ngược lại, “bảng tử thần” là khái niệm tuyệt vời để xem ở mỗi kỳ EURO, World Cup - lấy đâu ra mà nhiều (và nếu có nhiều thì còn gì hay ho nữa)! Cho nên, những chuyện vừa nêu bất quá chỉ để tham khảo.
Trên lý thuyết, bảng tử thần là nơi mà ngay cả đội mạnh nhất giải cũng có thể bị loại. Họ phải bung sức quyết chiến ngay từ đầu. Họ phải dùng hết các bài bản đặc sắc nhất để tránh sẩy chân, nên đã “lộ diện” trước giai đoạn knock-out. Đấy là bất lợi. Ngược lại, cũng có chỗ thuận lợi riêng: các đội ấy đã phải thi đấu nhuần nhuyễn, trơn tru ngay từ đầu rồi. Họ có thể hơn về mức độ ăn ý so với các đối thủ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” ở vòng bảng. Đấy là chưa kể tinh thần phơi phới sau khi vượt qua bảng đấu khó khăn, sẽ làm họ trở nên đáng gờm hơn.
“Bảng tử thần” có thể… vô nghĩa
“Bảng tử thần” là bảng có 4 đội mạnh đều, hoặc ít nhất 3 đội cực mạnh (đủ sức tranh ngôi vô địch). Như vậy, ít nhất sẽ có một ứng viên vô địch hoặc 2 đội khá mạnh bị loại - “tử thần” là ở chỗ đó. Và đấy là nói theo tinh thần thể thao chân chính - ít nhất phải cạnh tranh “1 chọi 1”. Trong thể thức của EURO hiện thời, rất có thể Đức, Pháp, Bồ Đào Nha đều đi tiếp. “Bảng tử thần” của UEFA có thể chỉ là… nói cho vui!