Đã qua vòng bảng nhiều toan tính và bất ngờ, giờ là lúc các đội bóng được đánh giá cao hơn thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh. Vì thế, Hà Lan sẽ chứng tỏ vì sao khi đối đầu với Mỹ trong quá khứ, họ thường xuyên giành thắng lợi.
Trước các đối thủ được đánh giá yếu hơn rất nhiều, Hà Lan không có được một màn trình diễn thực sự thuyết phục ở vòng bảng. Vì thế, Hà Lan phải chịu nhiều chỉ trích và hoài nghi. Tuy nhiên, HLV Van Gaal luôn luôn bênh vực các học trò. Ông luôn cho rằng chiến thắng và một suất đi tiếp là ưu tiên hàng đầu của Hà Lan ở vòng bảng, hơn là một lối chơi quyến rũ mà bị loại.
“Chúng tôi muốn chơi thứ bóng đá quyến rũ. Nhưng đôi khi bạn phải chấp nhận sự không hoàn hảo. Bởi điều quan trọng là chiến thắng cuối cùng. Nếu thấy nhàm chán, các bạn hãy bay về nhà đi”, Van Gaal phát biểu sau trận thắng nhẹ nhàng 2-0 trước đội chủ nhà Qatar. Đó là trận đấu mà dù Hà Lan không lấn lướt hoàn toàn, không trình diễn lối chơi hấp dẫn, nhưng vẫn không cho chủ nhà một cơ hội giành điểm danh dự. Rõ ràng, tính hiệu quả là thứ mà ai cũng nhìn được ra trong lối chơi của Hà Lan hiện tại.
Trong 5 lần gần nhất dự World Cup, Cơn lốc màu cam lọt ít nhất tới tứ kết ở 4 kỳ và lần duy nhất họ phải dừng chân ở vòng 1/8 là tại Đức năm 2006. Sự tự tin vào một tấm vé đi tiếp với Hà Lan càng được củng cố hơn khi Van Gaal bất bại ở 10 trận gần nhất tại World Cup trên cương vị HLV (không tính loạt đá luân lưu để phân định thắng thua). Chỉ có Felipe Scolari (12 trận) và Mario Zagallo (11 trận) có chuỗi bất bại dài hơn chiến lược gia kỳ cựu này.
Gakpo sẽ giúp Hà Lan thể hiện được sự vượt trội trước đối thủ
Và, dẫu không có lốc nổi thường xuyên, nhưng phong độ lúc này của Hà Lan lại rất ấn tượng. Kể từ sau khi thua CK Czech tại EURO 2020, họ có chuỗi 18 trận bất bại trên mọi đấu trường và đang cố gắng kéo dài nhất có thể chuỗi trận nói trên với những ngôi sao trẻ trong đội hình như Frenkie De Jong, Coty Gakpo hay Steven Bergwijn. Từng thắng 4/5 lần đối đầu với Mỹ ở giao hữu, lần đầu tiên Hà Lan muốn vượt qua chú Sam ở một sân chơi chính thức. Đêm nay, họ vẫn sẽ có lực lượng gần như mạnh nhất, ngoại trừ Jeremie Frimpong bị chấn thương mắt cá.
Về phần mình, lo lắng lớn nhất của ĐT Mỹ lúc này chính là chấn thương của thủ quân Christian Pulisic trong trận cuối cùng của vòng bảng gặp Iran. Luôn là ngôi sao số 1 của đội bóng xứ sở cờ hoa, Pulisic đặt dấu ấn lên cả 2 bàn thắng của đội nhà ở World Cup năm nay. Cá nhân Pulisic rất lạc quan vào khả năng bình phục hoàn toàn trước cuộc đối đầu với Hà Lan đêm nay để có thể giúp Mỹ tái lập chiến tích lọt vào tứ kết như ở World Cup 2002 (cũng diễn ra tại châu Á). Trong trường hợp cầu thủ chạy cánh của Chelsea vắng mặt, Brenden Aaronson sẽ trám vào vị trí tiền đạo trái của anh.
Hai trường hợp khác cũng gặp phải vấn đề thể lực là tiền đạo Josh Sargent và tiền vệ Weston McKennie. Song, HLV Gregg Berhalter tin rằng họ vẫn có thể ra sân ngay từ đầu ở trận thư hùng với Hà Lan. Mỹ không có nhiều ngôi sao như đối thủ, nhưng đội bóng trẻ trung này lại đem đến cho giới mộ điệu một cảm giác tích cực. Điều đó phần nào là nhờ lối chơi mạnh mẽ, tốc độ ở khu vực giữa sân với bộ ba Tyler Adams, Yunus Musah và Weston McKennie. Cả ba đã hoàn thành 75% tổng số đường chuyền của mình ở 1/3 phần cuối sân của đối thủ, chỉ thua hàng tiền vệ của Tây Ban Nha, Argentina, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức và Brazil.
Tuy vậy, điều mà Mỹ còn thiếu chính là kinh nghiệm và đẳng cấp thi đấu trong những cuộc chiến mang tính sinh tử như thế này. Đội bóng của HLV Berhalter khó lòng làm nên bất ngờ trước đối thủ già dơ, kinh nghiệm hơn và có thành tích đối đầu vượt trội là Hà Lan đêm nay.