Nhật Bản đang đóng vai “kẻ giết người khổng lồ” tại World Cup năm nay. Những chiến binh Samurai áo xanh sẵn sàng tạo nên một cuộc lật đổ nữa trước Croatia đêm nay.
Nhật Bản đã chứng minh họ có thể vượt qua những đối thủ ở đẳng cấp cao nhất. Tại vòng bảng, hai nhà vô địch World Cup 2010 (Tây Ban Nha) và World Cup 2014 (Đức) đều trở thành bại tướng của đội bóng châu Á. Và ấn tượng hơn là cách người Nhật lội ngược dòng trước Đức và Tây Ban Nha bằng tinh thần quả cảm, lối chơi kỷ luật và nền tảng thể lực phi thường.
Cả hai bàn thắng quyết định vào lưới Đức và Tây Ban Nha đều đến từ những nỗ lực bứt tốc khủng khiếp của Takuma Asano (trận gặp Đức) và Ritsu Doan (cứu bóng trên vạch vôi để mở ra bàn thắng vào lưới Tây Ban Nha). Đó là sức mạnh của người Nhật, cả về ý chí sắt đá lẫn phẩm chất chơi bóng.
Tất nhiên để nói rằng bóng đá Nhật Bản đã sánh vai các cường quốc thì không phải. Thất bại 0-1 trước Costa Rica cho thấy điều đó. Có vẻ như người Nhật chỉ chơi thực sự hay trước những đối thủ ở đẳng cấp cao, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và trong thế trận cho phép họ tìm thấy không gian lên bóng từ các đợt phản công nhanh. Với tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình tại Qatar chỉ có 32,3%, rõ ràng Nhật Bản nguy hiểm nhất khi ở thế “cửa dưới”.
Nhưng đó không phải là kiểu chơi rình rập sơ hở của đối thủ. Điểm rất hay của Nhật ở giải này là sự mạo hiểm trong lối chơi vào những thời điểm nhạy cảm của trận đấu. Moryasu đã chỉ đạo các học trò đá “bốc” lên trong hiệp hai trận gặp Tây Ban Nha, tấn công mạo hiểm và chấp nhận để hở khoảng trống phía sau. Hệ quả là hai bàn thắng của Doan và Tanaka chỉ trong 6 phút đầu hiệp hai. Còn ở trận gặp Costa Rica, chính sự thận trọng thái quá của người Nhật đã khiến họ phải trả giá.
Nhật Bản phiên bản 2022 đã bản lĩnh và lì lợm hơn rất nhiều so với chính họ. Nói cách khác người Nhật đã rút ra bài học sâu sắc từ những thất bại trước đó. Tại World Cup 2018, Nhật Bản đã dẫn trước Bỉ tới 2-0 ở vòng 1/8 nhưng rồi thua ngược cay đắng 2-3 vào phút bù giờ. Xa hơn tại vòng loại World Cup 1994, Nhật Bản mất vé bởi bàn thua vào phút chót trước Iraq, trong trận đấu tại Doha. “Khoảng một phút trước khi trận gặp Tây Ban Nha kết thúc, tôi đã nghĩ đến bi kịch Doha. Nhưng tôi thấy các cầu thủ giành bóng quyết liệt và tôi tin rằng cơ hội sẽ không vuột mất. Các cầu thủ Nhật đang chơi với một tâm thế mới trong một thời đại mới”, Moriyasu chia sẻ.
Phía trước Nhật là Croatia, đội bóng già giơ với dàn hảo thủ dày dạn kinh nghiệm chinh chiến. Croatia mạnh hơn Nhật ở hàng tiền vệ đẳng cấp và lọc lõi. Bộ ba Luka Modric, Mateo Kovacic và Marcelo Brozovic có thừa sự điềm tĩnh, tầm nhìn và khả năng tổ chức lên bóng. Tuy nhiên hạn chế của Croatia là gánh nặng tuổi tác khiến lối chơi của họ đôi khi thiếu sức sống và sức chịu đựng. Ở trận cuối vòng bảng, Croatia có thể đã gục ngã trước sức ép từ Bỉ nếu Romelu Lukaku không quá vô duyên trong khâu dứt điểm.
Croatia vẫn có đội hình mạnh nhất trong khi Nhật Bản vắng Ko Itakura vì án treo giò. Nhưng Takehiro Tomiyasu là sự thay thế hoàn toàn tin cậy ở hàng phòng ngự. Sau khi hạ Đức và Tây Ban Nha, Nhật Bản sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng từ Croatia. Đội bóng của HLV Zlatko Dalic sẽ không vồ vập tấn công mà tìm cách khai thác sai lầm của đối phương trong một thế trận chặt chẽ và kỷ luật. Croatia với hàng tiền vệ bản lĩnh rất giỏi trong việc điều tiết nhịp độ chơi bóng.
Sẽ là một ngọn núi tiếp theo chặn trước mặt người Nhật. Song những chiến binh Samurai xanh có đủ thực lực để tiếp tục làm nên bất ngờ. Với người Nhật, càng khó khăn họ càng mạnh mẽ.
Nhật Bản: Gonda, Tomyasu, Yoshida, Taniguchi, Ito, Morita, Tanaka, Nagatomo, Kamada, Maeda, Kubo.
Croatia: Livakovic, Sosa, Gvardiol, Lovren, Juranovic, Kovacic, Brozovic, Modric, Perisic, Kramaric, Livaja.