Không phải trận chung kết, nhưng cuộc đọ sức giữa Việt Nam vs Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 được đánh giá như là trận chiến để khẳng định vị trí số 1 Đông Nam Á.
Từng thắng dễ như… lấy đồ trong túi nhưng 3 năm qua, Thái Lan đã không còn chiếm thế thượng phong trước Việt Nam. Dưới thời của ông Park Hang Seo, các ĐT Việt Nam luôn giành một kết quả có lợi cho mình.
Cụ thể là trong 5 lần gặp nhau, thầy trò ông Park Hang Seo thắng 2, hòa 3 và không thua. Riêng ở cấp độ ĐTQG, ĐT Việt Nam (dưới thời ông Park) thắng 1 trận (giải giao hữu King’s Cup) và hòa 2 trận (ở vòng loại thứ hai World Cup 2022).
Đánh mất dần ưu thế đối đầu nhưng Thái Lan vẫn dường như không muốn thừa nhận vị thế số 1 Đông Nam Á của ĐT Việt Nam sau khi thầy trò ông Park Hang Seo giành chức vô địch thứ hai trong lịch sử.
Việc giáp mặt nhau ở bán kết AFF Cup 2020 là cơ hội để Thái Lan khẳng định sức mạnh của một trong những nền bóng đá số 1 khu vực. Tờ Siam Sport của Thái Lan còn cho rằng, đó là thời cơ tốt để HLV Mano Polking cắt đứt chuỗi bất bại của ông Park Hang Seo trước bóng đá xứ Chùa vàng.
Nhưng đâu chỉ có Thái Lan, ĐT Việt Nam chắc chắn cũng nhập cuộc với tinh thần khẳng định vị trí số 1 Đông Nam Á. Không thua Thái Lan trong thời gian qua nhưng đoàn quân của ông Park Hang Seo cũng không thể đánh bại đối thủ ở các giải chính thức. Chiến thắng (1-0) tại King’s Cup cũng chỉ là một giải đấu tập huấn, không có ý nghĩa khẳng định năng lực bản thân.
Dù lên ngôi ở AFF Cup 2018 nhưng trong hành trình đó, ĐT Việt Nam đã không một lần chạm mặt Thái Lan. Theo đó, đoàn quân của ông Park Hang Seo không cùng bảng với đối thủ sừng sỏ này. Người hâm mộ đã rất chờ đợi một trận chung kết trong mơ nhưng rút cuộc, Thái Lan bị “khắc tinh” Malaysia loại ở bán kết và ĐT Việt Nam lên ngôi khi hạ Malaysia ở trận tranh chức vô địch.
Một hành trình lên ngôi vô địch không có cơ hội để thử tài với Thái Lan cũng chưa đem đến cảm giác sung sướng tột đỉnh cho giới mộ điệu.
Thái Lan thể hiện một lối chơi đa dạng khi kết hợp các miếng đánh biên và trung lộ rất hoàn hảo. Sự hoàn hảo ấy càng đáng gờm hơn khi các chân sút đã tận dụng hiệu quả các cơ hội đồng đội tạo ra để chuyển hóa thành bàn thắng.
Rõ ràng, đối đầu với một đối thủ đang như một cỗ máy vận hành rất trơn tru là một thách thức lớn đối với ĐT Việt Nam. Nhưng không vì thế mà đoàn quân của ông Park Hang Seo đánh mất niềm tin chiến thắng.
Những kết quả đối đầu gần đây tốt hơn nhiều so thế hệ đàn anh trước đó là điểm tựa niềm tin cho Công Phượng và đồng đội hướng đến một chiến thắng để mở rộng cánh cửa vào chung kết.
Sở trường của ĐT Việt Nam là phòng ngự phản công. Khi chơi ở thế cửa dưới, các học trò của ông Park Hang Seo thường phát huy hiệu quả rất tốt. Triết lý bóng đá của HLV Mano Polking là lấy tấn công làm nền tảng chủ đạo nên không bất ngờ khi Thái Lan xung trận trước ĐT Việt Nam với chiến thuật tấn công ngay từ đầu.
Một khi đội bóng xứ Chùa vàng sử dụng lối đá ấy, ĐT Việt Nam sẽ càng có cơ hội để sử dụng miếng đánh phòng ngự phản công sở trường. Nhưng trước khi nghĩ đến việc xuyên thủng lưới đối phương, ĐT Việt Nam phải đảm bảo sự an toàn cho hệ thống phòng ngự.
Để không bị thủng lưới, hai cánh của ĐT Việt Nam phải hết sức chú ý đến bộ đôi hậu vệ Theerathon và Narubadin. Nhiệm vụ này gần như đặt lên đôi chân của Văn Thanh và Hồng Duy. So với đối thủ, tốc độ của 2 hậu vệ ĐT Việt Nam không cao bằng nên Văn Thanh và Hồng Duy cần đá thấp, tránh lên tham gia tấn công quá đà.
Ở tuyến giữa, sự hiệu quả của bộ đôi tiền vệ Hoàng Đức và Tuấn Anh trong cuộc chiến với Sarach và Chanathip sẽ có ý nghĩa quyết định đến sự thành bài về thế trận của ĐT Việt Nam trước Thái Lan.