Nhiều năm trước, kết quả cuộc khảo sát từ website du lịch “Where Are You Now” cho thấy phần lớn người tham gia bình chọn cho rằng dân Pháp lạnh lùng, tằn tiện và nhàm chán.
Điều này thật sự trái với những gì người ta vẫn nghĩ về những thần dân ở đất nước hình lục lăng vốn rất hào hoa, lịch sự và vui tính. Nghĩ như thế nào tùy mỗi người, song, đa số ý kiến cho rằng người Pháp keo kiệt bậc nhất thế giới.
Thua vì một cái tên?
Sau buổi tối trên sân Old Trafford khi chứng kiến Arsenal gục ngã 2-3 trước chủ nhà Manchester United, trang Twitter của Arsenal có dẫn câu phát biểu của HLV Arsene Wenger thế này: “Đừng làm quá lên chứ. Họ (MU) có nhiều tiền vệ giàu kinh nghiệm và chi hàng đống tiền để chiêu mộ tân binh.”
Câu nói đó thật sự khiến những ai yêu mến Arsenal không thể hài lòng. Báo Goal mô tả điều đó thật lố bịch. Về tài chính, “Pháo thủ” không hề kém Manchester United. Khi theo đuổi một mục tiêu, họ sẵn sàng đua tranh tới cùng. Đội bóng từng chi 42,5 triệu bảng để mang Mesut Ozil về sân Emirates thì không lý gì lại tiếc tiền cho các phi vụ khác.
Song, dòng máu Pháp chảy trong cơ thể HLV Wenger như tạo ra một định kiến trong tư duy con người này. Tiêu chí của đội bóng thành London phải luôn được vận hành dựa trên sự cân bằng và không cần thiết phải đầu tư quá nhiều vào đội hình bằng các bản hợp đồng bom tấn. Nói nôm na, có người bảo ông Wenger keo kiệt trong mua sắm cầu thủ.
Và buổi tối nơi thành Manchester, Arsenal để thua MU một phần vì bản tính keo kiệt của người Pháp. Marcus Rashford chắc chắn trở thành cái tên thi đấu nổi bật nhất với cú đúp và kiến tạo 1 bàn cho đội nhà. Tuy nhiên, dựa trên hai pha lập công của tiền đạo 18 tuổi để che mờ nỗ lực của tiền vệ Morgan Schneiderlin thật sự là bất công rất lớn.
Marcus Rashford mở ra cho MU những bàn thắng, còn Schneiderlin tạo cho “Quỷ đỏ” tấm khiên thép trước hàng thủ. Đáng nói, Arsenal từng theo đuổi sít sao cựu sao Southampton trong hè 2015, tuy nhiên, sau cùng lại để mất tiền vệ người Pháp về tay MU. Hôm nay, Arsenal phải trả giá cho điều đó.
Theo dõi diễn biến trên sân, Schneiderlin hoàn thành xuất sắc vai trò tiền vệ mỏ neo của “Quỷ đỏ”. Anh thi đấu tập trung, kỷ luật và bình tĩnh. Từng cú xoạc bóng từ tiền vệ Pháp trong các pha đánh chặn ở khu trung tuyến đều cho thấy sự hiệu quả cao. Có thể nói, chính Schneiderlin mới trở thành chìa khóa then chốt giúp MU giành 3 điểm trước Arsenal.
Sự xuất sắc trong lối chơi của ngôi sao từng khiến Arsenal khao khát sở hữu càng xát muối vào nỗi đau Wenger. Lượt đi, “Pháo thủ” bắn nát “Quỷ đỏ” nhờ vào khu trung tuyến áp đảo. Còn lần nay, điều tương tự không xảy ra vì Schneiderlin xuất hiện.
Chính Wenger mới ngây thơ?
Trong trận thua Barcelona 0-2 hồi giữa tuần tại Champions League, HLV Wenger cho rằng các học trò quá ngờ nghệch khi để đối thủ có khoảng trống để phản công. Theo đó, nhà cầm quân người Pháp không hề thừa nhận bản thân đã sai lầm vì đưa Mathieu Flamini vào sân, qua đó, trực tiếp dẫn đến bàn thủng lưới thứ hai.
Trong khi đó, bình luận viên Paul Mariner của ESPN phân tích nguyên nhân khiến Arsenal gục ngã tại thành Manchester hôm nay đến từ chính sai lầm trong cách dùng người do Wenger tạo ra. Cựu tiền đạo Arsenal nhận định việc cất Per Mertesacker trên ghế dự bị và dùng Gabriel Paulista không phải lựa chọn sáng suốt.
Phải chăng, Wenger quá chủ quan trước MU què quặt đội hình hay bởi niềm tin dành cho Mertesacker đã mất nên để Gabriel đá cặp với Laurent Koscielny ở trung tâm hàng thủ. Suốt 90 phút, cầu thủ này liên tục mắc lỗi trong các pha kèm người và phá bóng. Từ những gì thể hiện, hậu vệ người Brazil hẳn đã ước mình không trở lại trong đội hình Arsenal.
Ngoài ra, để Coquelin sát cánh với Aaron Ramsey nơi tuyến giữa cũng khiến đội khách không phô diễn hết sức mạnh. Trước hàng tiền vệ đông người của MU với Ander Herrera, Schneiderlin, Juan Mata, đồng thời Lingard và Memphis Depay liên tục lui về hỗ trợ cho tuyến giữa, Coquelin và Ramsey lép vế hoàn toàn toàn. Phía trên, Ozil chẳng buồn xông xáo tham gia phòng ngự, còn Walcott quá lạc lõng.
Từ những dữ kiện đó, Paul Mariner kết luận Arsenal bại trận như một sự thật hiển nhiên và không thể đổ lỗi cho điều gì, ngoại trừ chính Ngài “Giáo sư” đáng kính.