Có quá nhiều những tiền vệ tài hoa, xuất chúng được lịch sử bóng đá ghi nhận. Giữa những siêu sao ấy, Paul Scholes vẫn luôn có một chỗ đứng của riêng mình, không lung linh, không hào nhoáng, nhưng ở trên cao, và không gì lay chuyển được.
Tinh hoa của sự giản đơn
Scholes không mang trong mình tư chất thủ lĩnh, cũng không có vẻ ngoài, phong thái của một vị nhạc trưởng hào hoa, chỉ có những đường bóng của anh luân chuyển là giống với những mạch máu quan trọng nuôi dưỡng sức sống cho đội bóng.
Trong một quãng thời gian dài mà bóng đá hiện đại sản sinh rất nhiều các tiền vệ trung tâm kiệt xuất, anh chàng nhỏ con suốt sự nghiệp chỉ để một kiểu đầu (hoặc cắt ngắn nó) tỏ ra không hợp lắm với vai trò minh tinh trên sàn diễn. Không có những pha qua người lắt léo, những động tác xử lý ngẫu hứng, lạ mắt, Scholes chỉ chơi bằng những cách dùng chân hết sức cơ bản, tưởng như bất cứ ai học đá bóng đều dễ dàng học thuộc.
Zidane đã coi Scholes là người giỏi nhất, Xavi nói Scholes là hình mẫu của lò La Masia. Trong đó hẳn có mấy phần xã giao, nhưng quả thực, nếu gọi đỉnh cao là tối giản, giới hạn là sự gọn gàng mà vẫn hiệu quả, thì khó ai làm nó tốt bằng Scholes. Mọi thứ, từ những pha chuyền nhanh rồi chạy chỗ đón bóng điêu luyện bằng mọi phần của chân, những cú sút bóng sống chuẩn đích, những pha phất dài trông giống hệt nhau nhưng được điều chỉnh từng centimet, nếu Scholes là số 2, liệu ai là số 1?
Không có scandal, không có nổi một tin đồn chuyển nhượng, ngoài thỉnh thoảng có vài pha tắc bóng hay thẻ đỏ bị phê phán, số 18 của MU chìm lắng nhẹ nhàng, hòa mình theo dòng chảy của các trận đấu, dòng chảy của bóng đá. Scholes không quan tâm tới bất cứ điều gì khác khi xỏ giày, không người mẫu, không xe xịn, không những buổi họp báo, không những cuộc vinh danh, không gì hết, chỉ ra sân là đá.
Có thể nói, bản thân Scholes không nói gì nhiều, không tỏ ra hay làm gì để gây chú ý, nhưng một cách tự nhiên nhất, anh là huyền thoại sừng sững nơi tuyến giữa Quỷ đỏ, một tượng đài có lẽ là của cả Premier League nói chung trong giai đoạn tính từ lúc “thế hệ vàng 1992” ra lò. Trong lòng các Manucian, họ dễ dàng bỏ qua những thẻ phạt hay sự quyết liệt đôi khi quá mức ở anh, trong họ chỉ đọng lại những ký ức vĩnh cửu về một cầu thủ lớn, một niềm tự hào không ầm ĩ của sân Old Trafford.
Tìm đâu “Scholes mới”?
Một “Scholes mới” có lẽ không dễ tìm đến mức sẽ có ngay ở MU trong tương lai gần. Ngay cả trên bình diện thế giới, những tố chất tổng hợp như Scholes cũng chưa hề xuất hiện. Dĩ nhiên, có những Zidane, Xavi, Pirlo, vv… ở những phong cách khác để các cầu thủ trẻ noi theo hoặc tự khẳng định theo cách của mình, song không thể phủ nhận, trình độ mà Scholes đạt đến là một kiểu chuẩn mực đáng để học tập.
Khi mà bóng đá ngày càng trở thành một ngành giải trí thứ thiệt, tính biểu diễn, độ giao tiếp của nó mạnh mẽ hơn, kiểu “người hùng thầm lặng” như Scholes cũng rất ít. Thường thì anh thầm lặng vì không đủ khả năng để nổi bật giữa tất cả, còn nếu đủ vượt trội anh tự khắc sẽ được tất cả vây quanh. Cũng có thể sự tập trung, nghiêm túc, giản dị đã giúp Scholes phát huy tối đa tài năng bóng đá, thay vì bị phân tán bởi những thứ khác, nếu như vậy thì thật khó để có ai giống hệt như anh giữa thời đại này.
Nhưng dù không tìm kiếm một “cá tính Scholes” mới, người ta cũng chưa thể tìm thấy một nhân tài mới mang “kỹ năng của Scholes”. Làm hoàn hảo những thứ bình thường, đó là triết lý duy nhất của “hoàng tử tóc vàng”. Ngắn thế thôi, đơn giản thế thôi, nhưng có lẽ nhiều cầu thủ cả đời cũng khó chạm được vào đẳng cấp ấy. Chính Ronaldo cũng chịu ảnh hưởng từ Scholes để từ bỏ sự rườm rà, hóa thân thành sát thủ. Và cứ nhìn một “ông già” Scholes trở lại sau khi giải nghệ nhưng vẫn chuyền chuẩn nhất, điều phối tốt nhất, thậm chí sút xa ổn nhất trong đội hình MU, người ta mới thấy giá trị của những thứ “bình thường”.
Cách đá bóng của Scholes gần như một kiểu “Triệt quyền đạo”, “khi cần đấm thì đấm, khi cần đá thì đá”, vứt bỏ hết những động tác thừa, những nguyên tắc đã đưa Lý Tiểu Long vào lịch sử. “Scholes mới” thật khó tìm, và vì thế nên người MU đôi lúc lại nghĩ về “Scholes cũ” mà bâng khuâng.