Với thế lực hùng mạnh của mình, 2 gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona đang nuôi tham vọng biến trận chung kết Champions League năm nay thành câu chuyện riêng của người TBN. Nhưng trước những “âm mưu” từ EU và UEFA, e rằng bộ đôi ông lớn của La Liga sẽ phải dừng bước sớm ở giải đấu danh giá nhất châu Âu mùa này.
Tối hậu thư từ EU
Nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài, có thể ai cũng cho rằng 2 vị Chủ tịch đạo mạo Florentino Perez và Sandro Rosell đều là những nhà lãnh đạo xuất chúng, những “thương gia” giỏi kiếm tiền và có mối quan hệ rộng khắp thế giới. Nhờ đó, hàng loạt siêu sao bóng đá lớn nhất hành tinh đều muốn khoác áo Real hoặc Barca. Nhưng kỳ thực, để có sức hút mãnh liệt như vậy, 2 gã khổng lồ của bóng đá xứ sở bò tót không thể không cần tới sự hậu thuẫn về tiền bạc của chính quyền thành phố, hay nói đúng hơn là Chính phủ TBN. Từ việc được hưởng “đặc quyền” này, Real, Barca và một số đội bóng khác tại TBN không cần phải trở thành những công ty thể thao riêng, đồng nghĩa có thể thoải mái chi tiêu để tăng cường binh lực mỗi mùa. Hai thương vụ đình đám Gareth Bale (Real) và Neymar (Barca) trong mùa hè qua là minh chứng mới nhất cho những màn lách Luật công bằng tài chính của UEFA một cách ngoạn mục của 2 ông lớn.
Chủ tịch UEFA Michel Platini |
Tuy nhiên, “cuộc sống” tưởng như đang rất suôn sẻ với Real và Barca đang có nguy cơ bị đảo lộn. Số là sau cuộc họp tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Tây Ban Nha - Jose Manuel Garcia Margallo thừa nhận, bóng đá TBN chuẩn bị gặp phải một biến cố lớn. Bởi hiện tại, Cơ quan cạnh tranh châu Âu, thuộc EU, đã mở một cuộc điều tra về việc viện trợ bất hợp pháp của chính phủ TBN vào bóng đá. 7 CLB được nhà nước TBN bảo trợ gồm Real Madrid, Barcelona, Bilbao, Osasuna, Valencia, Elche (La Liga) và Hercules (Segunda). Những đội bóng kể trên đều đang được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ. Và tất nhiên, điều này vi phạm luật cạnh tranh của EU, khi mà Real và Barca thường chiếm ưu thế trên TTCN. Chưa dừng lại ở đó, EU còn điều tra việc Real được hỗ trợ thuê lại Trung tâm Valdebebas, vốn là sân tập của họ trước đây nhưng phải bán cho Hội đồng thành phố Madrid để trả nợ. Tương tự là trường hợp của San Mames, sân nhà của Bilbao cũng được xây dựng từ tiền viện trợ nhà nước. Theo tối hậu thư từ EU, Chính phủ TBN có một tháng để giải trình lên Brussels. Nếu không “chạy án” thành công , 7 đội bóng sẽ phải trả lại toàn bộ khoản tiền khổng lồ từng được nhà nước viện trợ.
Và “âm mưu” của Platini?
Chưa thể biết, liệu 2 Real và Barca có vượt qua được “vận hạn” trước mắt hay không. Nhưng chẳng phải ngẫu nhiên mà tối hậu thư từ EU xuất hiện trùng với thời điểm diễn ra lễ bốc thăm vòng 1/8 Champions League. Và như tất cả đều biết, Barca sẽ phải chạm trán Man City, kẻ đáng gờm nhất trong số những đội nhì bảng. Phải chăng, UEFA và EU đã “bắt tay” nhau để đánh hội đồng 2 ông lớn La Liga mà trước tiên là đội bóng hùng mạnh xứ Catalan?
Sergio Ramos ấm ức nhận thẻ đỏ rời sân trong trận gặp Osasuna vừa qua |
Không ai dám chắc, song sự nghi ngờ từ dư luận tại xứ sở đấu bò là hoàn toàn có cơ sở. Bởi từ lâu, Chủ tịch Michel Platini luôn muốn tạo ra một sân chơi Champions League “hấp dẫn và công bằng” (chưa đội nào bảo vệ được ngôi VĐ kể từ khi giải đấu này được đổi tên vào mùa 1992/93). Sâu xa hơn, nếu Real và Barca bị loại sớm đúng như “dự tính” của UEFA, TTCN mùa tới sẽ có những thay đổi lớn, khi sức hút của Bernabeu và Nou Camp sẽ giảm đi. Như vậy, các ngôi sao sẽ được “phân bổ” đều hơn cho các CLB tên tuổi khác ở châu Âu. Điều này đồng nghĩa, khả năng kiếm tiền của những đội bóng khác sẽ không còn quá thua kém 2 ông lớn La Liga.
Không rủng rỉnh như 2 ông lớn Real Madrid và Barcelona, song Valencia vẫn “sống” bình thường bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính đang có xu hướng lan rộng tại Mestalla. Đơn giản là vì Los Che cũng được chính quyền thành phố Valencia “bao bọc” để tránh bị phá sản. Tính đến thời điểm này, tổng số nợ của nhà VĐ La Liga 2003/04 đã lên tới 354 triệu euro. Con số này bao gồm 230 triệu euro nợ ngân hàng Bankia, còn lại là tiền thuế nợ các tổ chức xã hội khác. Nếu ở một quốc gia khác, khó có chuyện Valencia vẫn tồn tại ở hạng đấu cao nhất xứ sở bò tót đến giờ này. Trường hợp của Rangers là một ví dụ điển hình, đại gia một thời của bóng đá Scotland hiện đang ngụp lặn ở tận… hạng 4 sau khi tuyên bố phá sản từ mùa trước.