Die Mannschaft của hiện tại là cỗ xe tăng bóng bẩy nhưng "yếu đuối". Vì sao ư? Đội tuyển Đức phiên bản 2014 là một tập thể trẻ trung, đầy khao khát. Họ vẫn còn trẻ, nhưng tài năng đã được kiểm chứng, có thể kể tới như Mario Goetze, Marco Reus, Toni Kroos, Mesut Oezil, Mats Hummels hay Thomas Mueller, Andre Schurrle. Tuy nhiên, họ rất kém về tinh thần, một sự đối lập cực lớn với các bậc tiền bối. Sự lì lợm của người Đức dường như đã biến mất.
Huyền thoại người Anh - Gary Lineker từng ngậm ngùi nói về tinh thần thép của Die Mannschaft: "Bóng đá là trò chơi của 22 người và một quả bóng. Nhưng người chiến thắng cuối cùng luôn là người Đức"
Chính lối chơi vô cùng thực dụng, cùng tinh thần Đức đã mang lại rất nhiều thành công trong quá khứ, nổi bật là 3 chức vô địch World Cup (1954, 1974, 1990) và 3 lần lên đỉnh Euro (1972, 1980, 1996). Vậy mà, cái tinh thần thép và lối đá thực dụng đầy toan tính, cái cỗ xe tăng lầm lì đó đã bị cuộc cách mạng lối chơi của người Đức bỏ đi không thương tiếc.
Tôi vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra ở World Cup 2006 tại chính đất nước này. Sau thảm họa Euro 2004 khi không thể vượt qua vòng bảng, HLV Rudi Voller đã bay ghế và người lên thay là Jurgen Klinsmann. Một cuộc cách mạng trong nhân sự cũng như lối chơi đã bắt đầu. Kì World Cup đó, Đức về vị trí thứ 3, sau khi thua Italia ở bán kết, đội mà sau đó đã hạ Pháp trên chấm phạt đền và lên ngôi vô địch. Đó có thể coi là một kì World Cup thành công, Miroslav Klose giành chiếc giày vàng và Lukas Podolski là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Một khởi đầu đầy hứa hẹn.
Đức, thay đổi là tốt, nhưng chưa đủ! |
2 năm sau, ở kì Euro thứ 13 trong lịch sử, Die Mannschaft dưới sự dẫn dắt của HLV Joachim Loew đã đi tới trận đấu cuối cùng với Tây Ban Nha, rất tiếc họ đã thua tối thiểu với pha bứt tốc và ghi bàn không tưởng Fernando Torres. Họ đã rất gần với vinh quang, nhưng rốt cuộc lại không thể chạm tới, trước một La Furia Roja quá mạnh.
World Cup 2010 trên đất Nam Phi, một lần nữa cách mạng nhân sự được triển khai. Đức đã trình làng một loạt cầu thủ trẻ triển vọng, như Mesut Oezil, Sami Khedira, Holger Badstuber, Thomas Mueller,.. những người mà sau đó đã vươn mình trở thành ngôi sao hàng đầu trong làng bóng đá hiện đại. Với những nhân tố trẻ trung đó, Đức đã gây ấn tượng mạnh với NHM. Họ giành vị trí nhất bảng D, vùi dập tuyển Anh của Rooney 4-1 ở vòng 1/8, tuyển Argentina của Messi 4-0 ở Tứ kết và hừng hực khí thế phục hận Tây Ban Nha ở Bán kết. Nhưng họ lại thua, vẫn là tỉ số 1-0, nhưng người ghi bàn là Carles Puyol, bằng một pha đánh đầu hoàn hảo. Người Tây Ban Nha lại chiến thắng người Đức, nhưng bằng sở đoản của họ. Một lần nữa Die Mannschaft lại ôm hận khi bị loại ở Bán kết World Cup. Đến đây, một dấu hỏi về bản lĩnh của người Đức đã được đặt ra. Họ không còn là chính mình ở những khoảnh khắc quyết định.
Euro 2012, Die Mannschaft được NHM đặt rất nhiều kì vọng, nhất là khi Tây Ban Nha có dấu hiệu sa sút, Tiki Taka dần bị bắt bài, trong khi các đội tuyển khác ở châu Âu không đủ thực lực để có thể so sánh với Đức. Và quả thật, họ đã có một khởi đầu không thể tuyệt hơn với 3 trận toàn thắng ở vòng bảng, đặc biệt đó lại là bảng tử thần với sự hiện diện của Bồ Đào Nha và Hà Lan. Tới trận Tứ kết, họ chỉ phải gặp một Hy Lạp vô cùng may mắn mới qua được vòng bảng. Tỉ số đậm 4-2 cũng chưa phản ánh đúng cục diện của trận đấu này. Bán kết, họ gặp lại đối thủ đầy duyên nợ Italia. NHM Die Mannschaft vẫn chưa thể quên được thất bại cay đắng ở Bán kết World Cup 2006, và họ khao khát báo thù. Thế nhưng, một tuyển Đức được đánh giá cao hơn hẳn người Ý lại ngã gục trước cú đúp trong vòng 16 phút của siêu quậy Mario Balotelli. Họ đã có cả một hiệp 2 để gỡ lại, nhưng rốt cục chỉ có bàn thắng muộn màng của Mesut Oezil trên chấm phạt đền. Lại một thất bại nữa ở Bán kết, và NHM dường như đã mất kiên nhẫn với Joachim Loew. Đâu đó đã xuất hiện khẩu hiệu đòi Loew từ chức, nhưng cuối cùng ông vẫn ở lại và sẽ dẫn dắt Die Mannschaft ít nhất cho tới khi World Cup 2014 trên đất Brazil kết thúc.
Việc Die Mannschaft làm cuộc cách mạng trong tấn công có phải là đúng? |
Thất bại của Die Mannschaft chơi tấn công hoa mĩ ở World Cup 2006 là một cái gì đó xui xẻo, ở Euro 2008 và World Cup 2010 là kết cục không thể tránh khỏi trước một Tây Ban Nha quá xuất sắc, còn ở Euro 2012 là một chuyện gì đó quá khó hiểu trước Italia không được đánh giá cao, như một cái dớp vậy!
Tựu chung lại, họ có một hàng công cực mạnh, đủ sức nghiền nát tất cả các đối thủ nhưng hàng thủ dù nhiều sao lại chơi không tốt. Chính vì quá chú trọng vào tấn công đã khiến họ phải trả giá. Giá mà họ có nhiều hơn 1 Philipp Lahm, có thể mọi thứ đã khác.
Vậy thì việc Die Mannschaft làm cuộc cách mạng trong tấn công có phải là đúng? Có thể khẳng định đó là một quyết định đúng đắn. Không phải ngẫu nhiên mà Đức trở thành đội bóng đáng xem bậc nhất thế giới. Nói như BLV Quang Tùng, họ như một cái phao cứu sinh cho bóng đá đẹp. Với việc chú trọng đào tạo trẻ, các tài năng trẻ ở Bundesliga liên tục được trình làng trong những năm qua. Những Julian Draxler, Max Meyer, Matthias Ginter, hay xa hơn một chút như Mario Goetze, Marco Reus, Toni Kroos, Mesut Oezil, Thomas Mueller,..là những bằng chứng rõ rang nhất cho sự hiệu quả của chính sách này.Hẳn không NHM nào có thể quên sự thống trị của bong đá Đức trong năm 2013, đặc biệt là trận chung kết nội bộ ở đấu trường danh giá Champions League. Đó là một bước tiến dài, là cơ sở để tin vào thành công của Die Mannschaft ở kì World Cup sắp tới.
Nhưng, kì vọng vẫn chỉ là kì vọng. Nếu họ vẫn không có danh hiệu ở kì World Cup lần này, có lẽ mọi thứ nên trở về với bản ngã của mình, và người Đức cần chấp nhận việc họ không thể lên ngôi với thứ bóng đá sexy. Lịch sử không khắc tên kẻ thất bại. Mà nếu có hi hữu trở thành kẻ thất bại vĩ đại như Hà Lan thì hẳn NHM Die Mannschaft cũng chẳng vui vẻ gì!
World Cup 2014 đã tới rất gần rồi đó, Joachim Loew!