180 phút đã trôi qua, nhưng Cristiano Ronaldo vẫn chưa thể có bàn thắng đầu tiên cho Juventus trong một trận đấu chính thức. Chuyện gì xảy ra với CR7?
Đó là một câu hỏi có tính thực tiễn rất lớn ngay cả thực tế nói rằng Ronaldo chỉ thiếu đi chút ít may mắn để có được pha lập công đầu tiên cho Juve. Trước Lazio, CR7 đã có cơ hội đối diện với khung thành trống nhưng vẫn không thể ghi bàn.
Điều gì đã ngăn cản một trong những cỗ máy ghi bàn vĩ đại nhất thế giới nổ súng ở giải đấu mà tất cả đều cho rằng anh sẽ sớm làm bá chủ?
Serie A không phải La Liga
Điều mà Ronaldo có được một cách dư dả tại Tây Ban Nha: khoảng trống là điều mà Italy không cho siêu sao người Bồ Đào Nha. Sau khi vật lộn với vị trí trung phong cắm trong trận ra quân gặp Chievo, CR7 được HLV Max Allegri chơi rộng trên hàng công. Anh được di chuyển tự do ở vị trí cả ba mũi nhọn trong sơ đồ 4-3-3.
Về cơ bản, đây là vị trí mà Ronaldo đã có được thành công lớn trong màu áo Real Madrid. Song ngay cả khi được đặt vào vị trí có thể coi là sở trường, CR7 vẫn không tìm kiếm được mành lưới đối phương. Những khoảng trống bị bít chặt, và Ronaldo phải cực kỳ khó khăn mới có thể tìm cách uy hiếp khung thành của Lazio vốn dĩ cũng không quá xuất sắc bằng thứ vũ khí sút xa.
Giống như trận đấu với Chievo, về tổng thể Ronaldo đã chơi ổn, song ở khâu quan trọng nhất là ghi bàn, anh lại không thể. Người hâm mộ CR7 có thể dễ dàng lý giải rằng tiền đạo người Bồ không gặp may khi bóng đập chân anh bay tới vị trí Mario Mandzukic trong bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Juve. Song tất cả cũng cần nhìn nhận lại rằng đó là cơ hội ngon ăn nhất mà Ronaldo đã có trong trận này và khi có nó anh đã bỏ lỡ.
Trong gần một thập kỷ khoác áo Real, Ronaldo đã có rất nhiều bàn thắng, song không thể nói CR7 bỏ lỡ ít cơ hội. Serie A, Italy và Juventus lại không phải môi trường có thể cho Ronaldo nhiều cơ hội như thế.
Trong cuốn tự truyện “Tôi là Zlatan” của Ibrahimovic, tiền đạo người Thụy Điển từng kể lại câu chuyện về những ngày đầu tiên anh tới Serie A khoác áo Juve từ Ajax Amsterdam. Ibra khi đó đã được coi là một ngôi sao, nhất là sau siêu phẩm rê bóng qua cả hàng phòng ngự NAC Breda.
Song HLV trưởng của Juve khi đó, Fabio Capello đã lập tức dằn mặt Ibra bằng những bài tập sút liên hồi. “Bóng đến từ mọi hướng và tôi phải sút mọi kiểu, phải 60 cú sút trong một buổi tập như vậy. Một lần Capello đến xem và nói: "Biết tại sao tôi phải làm vậy không? Tôi đang cố tẩy chất Ajax ra khỏi người cậu. Khỏi lừa bóng chi cho mệt. Sút và sút. Phải trở thành sát thủ phải theo kiểu Italy", Ibra kể lại.
Nói lại câu chuyện của Ibra để thấy Ronaldo cũng đang gặp phải vấn đề tương tự là quá quen với cách đá có nhiều khoảng trống và đậm chất phô diễn kỹ thuật tại La Liga. Serie A cần sự trực diện hơn và Ronaldo đơn giản là chưa thể thích nghi với điều ấy.
Bao giờ Ronaldo tỏa sáng?
Sự thực là không chỉ một mình Ronaldo tỏ ra “khó ở”, chính Juve cũng phải đổi thay rất nhiều khi sở hữu siêu sao người Bồ. “Bà đầm già thành Turin” vẫn chiến thắng, nhưng đó là kết quả của sự vượt trội về mặt chất lượng đội hình chứ không hẳn là về hệ thống.
Khi nào Ronaldo tỏa sáng? Câu trả lời là khi Juve tìm ra một hệ thống ổn định nhằm thích nghi với siêu sao người Bồ Đào Nha. Real Madrid đã chấp nhận đặt Ronaldo làm trung tâm của mọi đường bóng, biến CR7 thành vị thống soái, người có nhiều cơ hội sút bóng nhất, được quyền bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất.
Juve chưa bao giờ là một đội bóng như thế. “Bà đầm già thành Turin” nói chung và bóng đá Italy nói riêng trọng những giá trị mang tính tập thể mà ở đó không có chỗ cho những cái tôi “ta là một là riêng là duy nhất” theo kiểu CR7. Song nói vậy không có nghĩa là Juve không thể thay đổi.
110 triệu euro mà Juve chi ra để có Ronaldo không phải chỉ để tăng giá trị thương mại. Những đồng tiền cần phải được nhảy múa cả trong lẫn ngoài sân. Hãy tin rằng không sớm thì muộn Juve cũng sẽ tìm ra cách thích nghi với CR7. Khi ấy, Serie A sẽ nếm mùi đại pháo Bồ Đào Nha.