Bóng đá thế giới không thiếu những cặp đối đầu nhau được liệt vào hàng kinh điển. Nhưng với Barcelona và Real Madrid, số phận tạo ra họ là để đối đầu nhau dù ở bất cứ khía cạnh nào. Hiểu theo một cách đơn giản những gì là thuộc về Barca chẳng thể đứng cạnh Real.
Barcelona và Real luôn đối địch không ngừng.
Tạm bỏ qua những ân oán sâu xa trong lịch sử hình thành và phát triển của CLB, chúng ta hãy lấy thời điểm là năm 2000. Sở dĩ lấy năm 2000 vì năm đó có một sự kiện đặc biệt xảy ra: Luis Figo – ngôi sao đã gắn bó với sân Nou Camp từ năm 1995 đã chuyển sang Real Madrid. Với bất kỳ một CĐV nào của Barca cũng không thể tha thứ cho hành động chuyển sang khoác áo Real của Figo. Đó chẳng khác gì là một sự phản bội.
Như một sự sắp đặt …có chủ ý của số mệnh, lúc Real thăng thì Barca phải trầm và khi Barcelona huy hoàng thì Real Madrid lại rơi vào những tháng ngày thất vọng. Sau chức vô địch Champions League lần thứ 9 năm 2002, Real Madrid đã phải chờ tới 12 năm mới hoàn thành giấc mơ Decima của mình. Trong 12 năm ấy lại đánh dấu sự vùng lên mạnh mẽ của Barcelona trên đấu trường châu lục. Năm 2006, 2009 rồi 2011 đội bóng xứ Catalan thống trị Châu Âu và thế giới bằng thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, phủ bóng che mờ cả Real.
Từ đầu những năm đầu tiên của thế kỷ 21 đến nay, ngoài sự cạnh tranh nhau cho sự thống trị La Liga hay khẳng định hình ảnh tại Châu Âu, sự đối đầu giữa Barcelona và Real Madrid còn được đẩy lên cao bởi những ngôi sao của CLB. Nếu Real Madrid có Zidane là thiên tài trên sân bóng với kỹ thuật điêu luyện thì phía Barcelona cũng chẳng kém khi họ sở hữu một Ronaldinho xuất chúng được ví như nhà ảo thuật cùng trái bóng. Cả hai đều tiêu biểu cho thứ bóng đá đẹp và là hạt nhân giúp khuếch trương hình ảnh của đội bóng mình.
Nhưng sự đối đầu cá nhân đại diện cho CLB kiểu thế này chỉ lên đỉnh điểm khi Cristiano Ronaldo chuyển đến Real Madrid. Và kể từ đó, thay vì nói về sự đối nghịch của Real Madrid và Barcelona thì người ta bàn xem giữa Messi và Ronaldo ai hơn ai kém. Suốt 4 năm từ 2009 đến 2012, Barca trên đỉnh cao cũng là lúc Messi che mờ Ronaldo với 4 QBV liên tiếp. Chỉ đến khi Barca sa sút thì Real và Ronaldo mới thay thế sự thống trị của đối thủ. 2 danh hiệu QBV của Ronaldo năm 2013, 2014 là lời khẳng định lớn nhất cho sự hoán đổi vị trí sự thống trị của Real với đại kình địch của mình.
Trên con đường xây dựng thành công thì Nou Camp hay Bernabeu đều có triết lý riêng của mình. Barcelona chú trọng dựa vào những cầu thủ trưởng thành từ La Masia để tạo nên sức mạnh đội bóng, trong khi Real ngày càng hào nhoáng với những ngôi sao xuất chúng trên khắp thế giới tìm tới đây. Tuy nhiên không vì thế mà giữa hai gã khổng lồ của Tây Ban Nha này không có những cuộc chạy đua kim tiền gây cấn. Khi Barca gây xôn xao với bản hợp đồng của Neymar – ngôi sao sáng nhất của Brazil, thì Real cũng “chơi lớn” khi bỏ ra gần 100 triệu Euro cho Gareth Bale. Mùa hè năm rồi, Nou Camp chào đón Luis Suarez thì Bernabeu cũng mở hội mừng James Rodrigues và Toni Kroos trở thành vì tinh tú mới. Cho nên khi mà cuộc chiến giữa Messi – Ronaldo chưa đến hồi kết thì người ta đã dự đoán phần 2 của cuộc chia này sẽ là của Neymar – Bale, thậm chí kéo dài sang phần 3, phần 4 …nữa.
Khi mà tin tức về việc xứ Catalan sẽ tách khỏi Tây Ban Nha, không chỉ những ai quan tâm chính trị phải chú ý mà cả những CĐV chỉ biết thể thao cũng phải dõi theo thậm chí còn suy nghĩ rất nhiều. Một khi Catalan tách khỏi Tây Ban Nha tức Barcelona không còn tên tại La Liga nữa. Và sẽ ra sao nếu chúng ta không còn chứng kiến những trận Siêu kinh điển giữa Barcelona và Real Madrid ? Bởi sự đối đầu giữa họ là gia vị đậm nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.