U23 Việt Nam đi trên con đường huyền thoại của Hy Lạp năm 2004
Việt Nam hoàn toàn có thể mơ tới điều kỳ diệu sau khi vượt qua ứng viên vô địch Iraq tại tứ kết giải U23 châu Á 2018 giống như câu chuyện thần thoại mang tên Hy Lạp ở EURO 2004.
Bị đánh giá thấp ngay từ đầu
Năm 2004, theo phân hạng các đội khi bốc thăm cho vòng bảng EURO 2004, Hy Lạp đứng vị trí thứ 15 trên tổng số 16 đội, chỉ hơn mỗi Latvia. Họ cũng kém may mắn khi rơi vào bảng đấu có sự góp mặt của chủ nhà Bồ Đào Nha và ứng cử viên vô địch Tây Ban Nha.
Năm 2018, Việt Nam nằm ở nhóm 4 và chỉ được đánh giá cao hơn Oman, Palestine và Malaysia. Và như Hy Lạp, chúng ta cũng rơi vào bảng đấu xương xẩu với 2 ứng viên vô địch Hàn Quốc, Australia cùng Syria.
Nhưng...
Hy Lạp đánh bại Bồ Đào Nha ở trận khai mạc VCK EURO 2004. Họ ở cùng bảng với Tây Ban Nha, một đối thủ rắn mặt khác. Hy Lạp được cho là may mắn vượt qua vòng bảng, nhưng không ai cho rằng họ là hiện tượng nữa khi sau đó, đội bóng của Rehhagel đánh bại ĐKVĐ Pháp ở tứ kết, Czech ở bán kết và Bồ Đào Nha ở chung kết. Đó đều là những đội mạnh nhất EURO 2004 và cùng thua Hy Lạp với tỷ số 0-1.
Hy Lạp từng tạo điều thần kỳ ở Euro 2004
Như vậy là ở giai đoạn knock-out VCK EURO 2004, Hy Lạp không thua trận nào. Họ được xem là đội bóng chơi tiêu cực, thiếu ý tưởng trong tấn công, nặng về phòng ngự. Đó chỉ là vẻ bề ngoài. Về chuyên môn, Hy Lạp đã chơi thứ bóng đá hợp lý nhất mà các đội bóng yếu thường áp dụng. HLV Rehhagel luôn có chiến thuật hợp lý để khắc chế từng đối thủ được đánh giá mạnh hơn.
U23 Việt Nam sau trận ra quân để thua kém may mắn trước Hàn Quốc nhưng đã thi đấu ấn tượng và giành 4 điểm ở 2 trận đấu còn lại trước Australia và Syria. Trước đấy, HLV Malaysia còn khẳng định lối đá phòng ngự của Việt Nam chẳng ấn tượng gì. Tuy thế, với chính xác những gì Việt Nam làm được trước Hàn Quốc và Australia, Malaysia đã biến tấu để có công thức chiến thắng của riêng họ.
Theo gót Việt Nam, Malaysia cũng xuất sắc cầm hòa Jordan và thắng trận bất ngờ trước ứng viên nặng ký Saudi Arabia. Đến tứ kết, Malaysia lại dùng "bài cũ" với Hàn Quốc và chỉ để thua có 1-2. Ngược lại, Việt Nam ngoài việc biết đá phòng ngự - phản công còn biết cách chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng và dùng đầu để chơi bóng.
Ấn tượng nhất trong trận thắng Iraq, bên cạnh vô số cái hay của U23 Việt Nam bao gồm chiến thuật, con người, tinh thần... thì phải kể đến tư duy của các em. Với kỹ thuật cá nhân tốt, các em phối hợp giải nguy cho cầu môn một cách bài bản và điềm tĩnh thay vì phá bóng lên càng xa càng tốt.
Và U23 Việt Nam cũng chẳng chịu kém cạnh khi tạo nên kỳ tích ở châu Á
Nền tảng thể lực tốt, ý thức kỷ luật, tính tập trung và sự đoàn kết đã và đang giúp U23 Việt Nam tạo nên một khối gắn kết rất khó bị phá vỡ. Như cách các em lật ngược thế cờ khi bị dẫn trước 1-2 trong hiệp phụ đó thôi.
Ngày trước, Miura từng nhiều lần thành công với lối chơi thiên về phòng thủ và giúp Việt Nam lần đầu lọt vào vòng knock-out Asiad thì bây giờ, Park Hang-Seo đã đưa phong cách đó lên tầm nghệ thuật.
Nếu Hy Lạp từng tạo nên chuyện cổ tích ở thế kỷ mới thì Việt Nam sau chức vô địch AFF Cup 2008, hoàn toàn có thể viết nên trang sử mới ngay trên đất Trung Quốc.