Pháp vẫn sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Italia cho thấy việc chọn điểm rơi phong độ quan trọng như thế nào. Thụy Sỹ lại lặng lẽ đi tiếp. Hay sẽ không có cặp đấu nào quá chênh lệch ở vòng 1/8 EURO 2020... Dưới đây là 5 điều rút ra sau vòng bảng.
Pháp là ứng viên vô địch trước thềm EURO 2020, bất kể rơi vào bảng đấu tử thần cùng với Đức, Bồ Đào Nha và đội đồng chủ nhà Hungary. Chính vì vậy sẽ thật ngớ ngẩn khi đánh giá thấp Pháp, khi họ chỉ có 5 điểm so với những đội toàn thắng tại vòng bảng như Italia, Hà Lan và Bỉ.
Thực tế, Pháp vẫn chiếm ngôi đầu bảng, đó mới là điều quan trọng. Nếu nhìn vào cục diện bảng đấu khi mà Đức suýt bị loại bởi Hungary, cho thấy Gà trống Gaulois vẫn rất mạnh. Thậm chí có thể nhận thấy Pháp vẫn chưa phô diễn tất cả sức mạnh, dù khách quan hay chủ quan đi chăng nữa. Ngôi sao số một Kylian Mbappe của họ còn chưa kịp ghi bàn. Nếu siêu tiền đạo này bùng nổ ở giai đoạn knock-out, Pháp sẽ còn đáng sợ hơn rất nhiều.
Ngược lại với Pháp, đội tuyển Italia không được đánh giá cao trước thềm giải đấu. Không thể phủ nhận phải có tới khoảng một nửa cầu thủ trong tay HLV Roberto Manini chỉ quen mặt và thuộc tên bởi những fan nhà và những ai theo dõi Serie A.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận, Italia chính là đội bóng thi đấu thuyết phục và thậm chí đẹp mắt nhất tại vòng bảng. Có thể nói rằng việc Italia thi đấu bùng nổ và hiệu quả như vậy - dù sở hữu đội hình có phần ít danh tiếng hơn so với các đội lớn khác - là bởi họ đã đạt đúng điểm rơi phong độ.
Ngược lại với Italia, những đội bóng lớn khác đã không có điểm rơi phong độ tốt gồm Tây Ban Nha. Họ tạo ra thế trận áp đảo khi gặp Thụy Điển và Ba Lan ở 2 lượt đầu, song các cầu thủ của họ không làm sao đưa được bóng vào lưới đối thủ, gồm cả 2 tình huống sút phạt 11m. Cũng rất may, Tây Ban Nha đã kịp đạt điểm rơi phong độ ở lượt cuối, khi họ ghi được tới 5 bàn thắng để đè bẹp Slovakia.
Đến lúc này, có thể nói việc giành ngôi đầu bảng tại EURO 2020 không phải một lợi thế, dù rằng trên lý thuyết rõ ràng là như vậy. Cụ thể Anh xếp nhất bảng D song phải đại chiến với Đức ở tại vòng 1/8. Trong khi đó, một đội bóng thắng cả 3 trận vòng bảng khác là Bỉ phải đương đầu với Bồ Đào Nha. Trong khi Italia dù có nhất hay nhì bảng cũng không tạo ra khác biệt ở giai đoạn knock-out. Cụ thể, họ được gặp Áo với tư cách đội nhất bảng A. Song nếu nhì bảng, họ cũng chỉ phải gặp Đan Mạch.
Như vậy, kỳ EURO này rút ra cho các đội bóng một bài học là việc phân nhánh hoàn toàn... hên xui, không phải cứ nhất bảng là dễ thở hơn ở giai đoạn knock-out. Điều quan trọng là họ cần tập trung về chuyên môn để thi đấu tốt nhất có thể, thay vì “nhòm ngó” lựa chọn đối thủ.
Thụy Sỹ không phải là một nền bóng đá lớn tại châu Âu. Họ luôn tỏ ra thầm lặng khi bước vào những giải đấu lớn gần đây. Tuy nhiên, chính sự thầm lặng đó đã mang lại thành công một cách bất ngờ dành cho đội tuyển xứ sở đồng đồ. Tại kỳ EURO 2020 này, họ lại một lần nữa lọt vào vòng knock-out, cũng theo cách mà rất ít người để ý, khi là 1 trong 4 đội thứ ba có thành tích tốt nhất.
Cần lưu ý, đây là đã giải đấu lớn thứ 4 liên tiếp, Thụy Sỹ không chỉ tham dự, mà còn đều vượt qua vòng bảng sau World Cup 2014, EURO 2016 và World Cup 2018. Đó là thành tích mà nhiều nền bóng đá hùng mạnh tại lục địa già cũng không đạt được từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh cho đến Italia. Rõ ràng, người ta cần phải ngả mũ thán phục sự thực dụng của Thụy Sỹ.
Nếu lấy vị trí trên BXH FIFA làm thước đo đánh giá sức mạnh các đội, vòng 1/8 EURO 2020 không có cặp đấu thực sự chênh lệch. Cụ thể, Bỉ xếp thứ 1 phải gặp Bồ Đào Nha xếp thứ 5. Italia đứng thứ 7, trong khi Áo cũng xếp thứ 23. Pháp thứ 2, còn Thụy Sỹ đang ở Top 13 thế giới. Cặp Croatia và Tây Ban Nha là cuộc chiến giữa đội thứ 14 và 6. Thụy Điển và Ukraine rất cân tài, ngay cả không cần biết họ đang lần lượt đứng hạng 18 và 24 của FIFA.
Anh (4) và Đức (12) tất nhiên cũng vậy. Trong khi đó, CH Czech là đội có thứ hạng thấp nhất ở vị trí 40, song Hà Lan cũng chỉ xếp 16, rõ ràng không quá chênh lệch. Cuối cùng là một cặp đấu cũng khó đoán định khác: Xứ Wales (17) và Đan Mạch (10).
Emil Forsberg mở tỷ số trận Thụy Điển – Ba Lan ở thời điểm 1 phút 22 giây. Bàn thắng đó của Forsberg là bàn nhanh thứ 2 trong lịch sử EURO. Còn bàn mở tỷ số của Yussuf Poulsen ở thời điểm 1 phút 39 giây trong trận Đan Mạch – Bỉ là bàn thắng nhanh thứ 3 trong lịch sử EURO. Cả Forsberg và Poulsen đều khoác áo Leipzig. Trong Top 5 bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử EURO còn có vị trí thứ 4 thuộc về Robert Lewandowski, người ghi bàn ở thời điểm 1 phút 40 giây trong trận Ba Lan – Bồ Đào Nha tại EURO 2016.
3. Đan Mạch là đội lách qua khe cửa hẹp ngoạn mục nhất tại EURO 2020. Họ là đội duy nhất toàn thua cả 2 lượt đầu mà vẫn vượt qua vòng bảng, thậm chí còn vào thẳng!