Dưới đây là tất cả những thông tin mà bạn cần biết về giải bóng đá vô địch cấp châu lục sẽ được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 05 tháng 01 đến ngày 01 tháng 02 năm 2019.
1. Giải vô địch bóng đá cấp châu lục lâu đời thứ hai thế giới
Được tổ chức lần đầu vào năm 1956, AFC Asian Cup là giải vô địch bóng đá cấp châu lục lâu đời thứ hai trên thế giới chỉ sau Cúp bóng đá Nam Mỹ Copa America (được tổ chức lần đầu vào năm 1916).
2. Năm 2007 là lần đầu tiên Asian Cup được tổ chức vào năm lẻ
Asian Cup là một giải đấu được tổ chức với chu kỳ bốn năm một lần, vào các năm chẵn. Tuy nhiên, vào năm 2007, giải được tổ chức sớm hơn dự kiến một năm nhằm tránh Thế vận hội mùa hè và Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO (cùng diễn ra vào năm 2008).
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Iraq lên ngôi vô địch, riêng tiền đạo Younis Mahmoud trở thành cầu thủ người Iraq đầu tiên - và cũng là duy nhất cho tới nay - từng được đề cử Quả bóng vàng FIFA Ballon d'Or. Anh cũng là cầu thủ duy nhất trong lịch sử ghi bàn ở bốn kỳ Asian Cup (1 bàn vào năm 2004, 4 bàn vào năm 2007, 1 bàn vào năm 2011 và 2 bàn vào năm 2015).
3. ĐTQG Nhật Bản là đội bóng giàu thành tích nhất tại Asian Cup
Tuyển Nhật Bản đã có trong tay 4 chức vô địch (vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011), kế đến là các ĐTQG Ả Rập Saudi và Iran với cùng thành tích là 3 chiếc cúp vô địch.
4. Iran – ĐTQG duy nhất giành được 3 chức vô địch liên tiếp
Iran là ĐTQG duy nhất trong lịch sử của giải đấu 3 lần liên tiếp đăng quang (vào các năm 1968, 1972 và 1976) và cũng kể từ đó họ chưa thể vô địch thêm một lần nào nữa.
5. Phiên bản cúp mới được trình làng
Chiếc cúp bạc do những thợ bạc nổi tiếng thế giới của công ty Thomas Lyte ở London thiết kế có cân nặng là 15 kg, cao 72cm, rộng 42cm. Phiên bản cúp mới này được sản xuất bằng bạc nguyên khối và sẽ được ra mắt vào giải đấu tới. Chiếc cúp mô phỏng theo hình bông sen và năm cánh hoa tượng trưng cho 5 liên đoàn bóng đá khu vực ở châu Á (Tây Á, Trung Á, Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á).
6. Những đại gia châu Á
Kể từ năm 1984, có hai ĐTQG thành công nhất và cùng nhau giành chiến thắng 7 trong số 9 trận chung kết, đó là Nhật Bản (4 lần) và Ả Rập Saudi (3 lần).
7. Không có trận tranh hạng 3
Kể từ giải đấu sắp tới đây sẽ không còn trận tranh hạng 3 nữa và hai đội thua bán kết sẽ được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái. Theo đó ĐTQG UAE là đội cuối cùng giành chiến thắng ở một trận tranh hạng 3 (đối thủ của họ là ĐTQG Iraq, năm 2015).
8. Vua phá lưới với chỉ 2 bàn thắng
Năm 1964 là năm thành công nhất của bóng đá Ấn Độ ở đấu trường châu lục khi họ đứng thứ hai sau Israel. Giải đấu năm đó chỉ gồm 4 đội tham dự (thể thức thi đấu vòng tròn một lượt) sau khi có 11 đội không tham dự vòng chung kết. Hai cầu thủ Inder Singh (Ấn Độ) và Mordechai Spiegler (Israel) cùng nhận danh hiệu vua phá lưới của giải đấu với thành tích 2 bàn thắng.
9. Lợi thế chủ nhà liệu có mang lại chức vô địch?
Trong 10 lần đầu tiên giải được tổ chức thì có đến 6 lần ĐTQG đăng cai giành chức vô địch. Kể từ năm 1996, chỉ một lần đội chủ nhà nâng cúp, đó là các nhà đương kim vô địch – ĐTQG Úc.
10. Vô địch ngay lần đầu tiên tham dự
Có 3 ĐTQG đã giành chức vô địch ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu là Hàn Quốc (năm 1956), Iran (năm 1968) và Ả Rập Saudi (năm 1984).
11. Bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử cúp bóng đá châu Á
Tiền đạo Ali Mabkhout của ĐTQG UAE hiện đang giữ kỷ lục là cầu thủ ghi bàn nhanh nhất trong lịch sử giải AFC Asian Cup. Trong giải đấu diễn ra vào năm 2015 anh chỉ mất 14 giây để đưa bóng vào lưới ĐTQG Bahrain (chung cuộc UAE thắng 2-1 và giành quyền vào vòng đấu knockout).
12. Ali Daei – Vua phá lưới của giải đấu
Với 14 bàn thắng ghi được, tiền đạo Ali Daei của ĐTQG Iran hiện đang giữ kỷ lục là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Asian Cup. Với tổng cộng 109 bàn thắng trong sự nghiệp, anh cũng có tên trong danh sách những cây săn bàn khét tiếng nhất mọi thời đại ở cấp ĐTQG.
13. ĐTQG Iran – kỷ lục về số trận thắng
Giành chiến thắng 37 trong tổng số 62 trận, ĐTQG Iran là đội có số trận thắng nhiều nhất ở AFC Asian Cup. Họ cũng giữ kỷ lục là đội thi đấu nhiều trận nhất (62 trận) cùng với ĐTQG Hàn Quốc.