Neymar như một kẻ đứng giữa ngã ba đường phân vân không biết chọn đường nào để đi. Còn Barca, nếu Neymar chọn lối rẽ có cánh cổng PSG, đó chẳng khác nào cái tát trời giáng cho họ.
Xô xát trên sân tập xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng. Vấn đề là khác với các trận đấu, không phải buổi tập nào cũng được ghi hình. Đơn giản bóng đá là bộ môn thể thao của sự kích tính. Một tình huống tranh chấp hay va chạm gần như ngay lập tức có thể đun nóng những cái đầu, nhất là với những cầu thủ nóng nảy như Ibrahimovic, Puyol, Carlos Tevez hay Thomas Gravesen.
Va chạm càng dễ xảy ra khi hai cầu thủ có hiềm khích với nhau hoặc một trong hai gặp vấn đề về tâm lý. Và 90% vụ xô xát giữa Neymar và Semedo xảy ra bởi tiền đạo người Brazil đang bị ức chế. Bởi lẽ, Semedo mới chỉ chuyển đến Barca từ Sporting Lisbon, chưa thể tạo ấn tượng xấu tới mức bị ăn đòn. Bản thân đội bóng xứ Catalan cũng hiếm khi xuất hiện căng thẳng trong phòng thay đồ.
Nếu để ý kỹ clip quay lại vụ xô xát, cũng dễ dàng nhận thấy Semedo chủ động tránh va chạm với Neymar. Ngược lại, tiền đạo người Brazil vùng vằng bỏ buổi tập trong sự bực tức. Nếu không có sự can ngăn của Busquets, chưa biết sự thể đi tới đâu. Thế nên, vụ xô xát phần nào phản ánh tâm lý bồn chồn của ngôi sao người Brazil về tương lai của chính mình.
Các thành viên cốt cán của Barca, từ Pique, Iniesta cho đến Suarez đều không dám quả quyết về tương lai của Neymar, chỉ đưa ra những bình luận ở dạng đề đạt nguyện vọng tiền đạo người Brazil tiếp tục gắn bó với Barca trên truyền thông. Qua đó gián tiếp thừa nhận Neymar đang phân vân giữa ngã ba đường: ở lại hay ra đi.
Thương vụ Figo đem về cho Barca nhiều tiền và cũng nhiều nỗi đắng cay
Vấn đề là Neymar không còn nhiều thời gian. Ligue 1 sẽ khởi tranh vào ngày 5/8 và PSG muốn hoàn tất việc chiêu mộ tiền đạo người Brazil trước thời điểm này. Thế nên, PSG bắt đầu gây sức ép lên Neymar, buộc cầu thủ này phải sớm đưa ra quyết định. Đặt PSG và Barca lên bàn cân, cộng với việc hình ảnh và tên tuổi xuất hiện trên các mặt báo với tần suất dày đặc, hẳn Neymar đang chịu sức ép vô cùng khủng khiếp.
Về phần Barca, nếu Neymar ra đi, đó là cái tát trời giáng. Xuyên suốt lịch sử, cái tát ấy đau điếng chỉ kém cái tát đến từ sự bội phản của Luis Figo. Quay ngược thời gian, ngày 24/7/2000 đánh dấu một trong những thời khắc đen tối nhất lịch sử Barca. Chỉ vài giờ sau khi Joan Gaspart đắc cử chức chủ tịch, Real Madrid công bố chiêu mộ thành công Luis Figo với mức phí kỷ lục 61,7 triệu euro.
Luis Figo lúc bấy giờ là một trong những ngôi sao sáng nhất của Barca còn Gaspart là triều đại (2000-2003) thất bại thê thảm của đội bóng xứ Catalan khi không giành nổi một danh hiệu. Một góc nhìn khác, sự ra đi của Figo và 3 năm tay trắng của Barca thể hiện sự yếu kém trong không quản lý của Gaspart. Bartomeu cũng sẽ bị đặt dấu hỏi tương tự khi Neymar đầu quân cho PSG.
Chỉ những đội bóng nhỏ, thiếu tham vọng mới phải bán đi ngôi sao để kiếm lời. Đơn cử như Sevilla, Monaco... Các đội bóng lớn kiếm lời bằng danh hiệu và quảng cáo. Họ chỉ bán ngôi sao khi ngôi sao ấy không phù hợp hoặc hết giá trị sử dụng. Dĩ nhiên, khoản tiền 222 triệu euro Barca thu về từ Neymar là vô cùng lớn, gấp 4 lần số tiền thu về từ thương vụ Figo.
Nhưng cũng như thương vụ Figo, số tiến lớn ấy lại trực tiếp thu nhỏ hình ảnh của gã khổng lồ xứ Catalan.