10 năm trước, bóng đá thế giới chứng kiến sự thống trị của Tây Ban Nha, thời đại của những đội bóng đăng quang bằng việc chủ động áp đặt lối chơi lên đối thủ. Nhưng bây giờ, triều đại của La Roja đã kết thúc, nhường chỗ cho sự lên ngôi của kỷ nguyên bóng đá thực dụng. EURO 2020 có lẽ cũng không phải ngoại lệ.
Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới giai đoạn từ 2008 tới 2012. Trong 4 năm đỉnh cao đó, La Roja đã vô địch EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012. Ở cấp độ CLB, 10 năm trước, Barcelona cũng là đội thống trị La Liga và Champions League, mà đỉnh cao là 2 chức vô địch Champions League 2009, 2011.
Điểm chung của Tây Ban Nha và Barca khi đó là họ đều theo đuổi trường phái áp đặt lối chơi. Đó là giai đoạn đỉnh cao của thứ bóng đá huỷ diệt đối phương bằng kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận. Trong những trận đấu của Barca, hay Tây Ban Nha, việc họ kiểm soát bóng lên tới trên 70%, rồi những cầu thủ như Xavi, Sergio Busquets thực hiện trên 100 đường chuyền mỗi trận là quá bình thường.
Nhưng bóng đá thế giới là dòng chảy không ngừng nghỉ của những ý tưởng, phát kiến về chiến thuật, vị trí cầu thủ. Nó giống như kiểu ở World Cup 2010, 4-2-3-1 là sơ đồ được ưa chuộng nhất. Rồi khi Antonio Conte sang Chelsea ở mùa 2016/17, ông đã làm hồi sinh sơ đồ 3-5-2 từng có lúc bị coi là lỗi thời trong bóng đá hiện đại. Nhờ thành công và sức lan tỏa của 3-5-2 (có thời điểm 19/20 đội bóng ở Premier League sử dụng sơ đồ này), tờ Independent sau này thậm chí còn bầu Conte là HLV có tầm ảnh hưởng lớn thứ 2 trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Hay gần đây là sự lên ngôi của những hậu vệ cánh ảo, rồi số 9 ảo…
Thứ bóng đá áp đặt lối chơi lên đối thủ cũng nằm trong dòng chảy liên tục đó. Có lúc thịnh, rồi cũng đến lúc suy. Có thể nói, kỷ nguyên thống trị của Tây Ban Nha đã kết thúc, bóng đá thế giới bây giờ chứng kiến sự lên ngôi của những đội bóng theo trường phái thực dụng.
Bằng chứng, ở World Cup 2018, Pháp sở hữu rất nhiều ngôi sao tấn công như Paul Pogba, Kylian Mbappe, Antoine Griezmann. Nhưng họ giành chức vô địch thế giới không phải bằng thứ bóng đá tấn công, mà là phòng ngự phản công xuất sắc. Tại giải đấu đó, tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình/trận của Pháp chỉ là 48%, xếp thứ 25 trong số 32 đội tham dự.
Pháp vô địch World Cup 2018 khi trung bình mỗi trận chỉ kiểm soát bóng có 48%
Xa hơn nữa, Bồ Đào Nha cũng đăng quang ở EURO 2016 bằng lối chơi đầy thực dụng. Cả giải đấu, đội quân của HLV Fernando Santos chỉ ghi được 9 bàn. Trận chung kết, Pháp mới là đội kiểm soát bóng nhiều hơn (54%), chuyền nhiều hơn (710 đường chuyền so với 575), sút nhiều hơn (18 so với 9), nhưng Bồ Đào Nha lại là đội đăng quang nhờ bàn thắng của Eder. Nên nhớ, đó cũng chỉ là 1 trong số vỏn vẹn… 3 cú sút trúng khung thành của người Bồ tại Stade de France hôm đó.
Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn Tây Ban Nha thống trị thì cũng vẫn phảng phất mùi vị của sự thực dụng. Đừng quên là tại World Cup 2010, toàn bộ các trận thắng của La Roja kể từ vòng
knock-out đều với cùng tỷ số 1-0. Nói vậy để thấy, thế giới đang chứng kiến sự lên ngôi của bóng đá thực dụng. Nó không đẹp, không hoa mỹ như tiqui-taca của 10 năm trước, nhưng hiệu quả lại tối đa.
Để dự báo về xu hướng chiến thuật tại EURO 2020 thì nhiều chuyên gia vẫn sẽ lựa chọn lối chơi theo kiểu thực dụng. Những đội bóng có khả năng phòng ngự chắc chắn, rồi chuyển đổi trạng thái giỏi, vẫn sẽ là các ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch EURO này (ai qua mặt được Pháp trong tiêu chí này?).
Không khó để lý giải vì sao nhiều đội tuyển sẽ chọn cách chơi phòng ngự phản công ở EURO 2020. Covid-19 đang thay đổi bóng đá thế giới. Lịch thi đấu trong mùa giải vừa qua bị xếp dày đặc hơn, khiến các cầu thủ bước vào EURO với nền tảng thể lực bị vắt kiệt. Các đội tuyển cũng có ít thời gian tập luyện để chuẩn bị trước giải.
Ví dụ như Anh, do cầu thủ Chelsea, Man City, M.U phải dự chung kết các cúp châu Âu nên 1 tuần trước ngày khai mạc EURO, Tam sư mới có đủ quân để tập luyện. Thời gian tập trung ngắn như vậy mà yêu cầu các HLV tạo ra một đội tuyển có khả năng chơi tấn công gắn kết như ở cấp CLB là quá khó.
Trong hoàn cảnh đó, họ phải hướng tới lối chơi đơn giản hơn, mà đơn giản nhất là phòng ngự phản công. Việc Chelsea, một đội bóng rất giỏi trong việc chuyển trạng thái vừa vô địch Champions League, chiến thắng trước một bậc thầy kiểm soát bóng là Man City, chính là dự đoán chính xác nhất về xu thế chiến thuật, lối chơi ở EURO 2020. “Bạn sẽ không chiến thắng ở cấp độ ĐTQG bằng bóng đá tấn công”, Jonathan Wilson, tác giả cuốn sách “Inverting The Pyramid: The History of Football Tactics” đúc kết.
Mà chẳng nói đâu xa. Chẳng phải đội tuyển Việt Nam đang gặt hái thành công nhờ thứ bóng đá thực dụng thời HLV Park Hang-seo hay sao?
Hiệu quả như người Pháp
Tại World Cup 2018, Pháp chỉ kiểm soát bóng trung bình mỗi trận là 48%, xếp thứ 25/32 đội tham dự. Họ cũng là đội có số đường chuyền thấp thứ 5, quãng đường di chuyển thấp thứ 5, đồng thời là đội chỉ tung ra trung bình 6 cú sút mỗi trận, thấp thứ 2 giải đấu. Nhưng Pháp lại vô địch World Cup 2018.
26 - Italia là đội có lối chơi thực dụng và đang được đánh giá rất cao ở EURO 2020. Dưới thời HLV Roberto Mancini, Italia bất bại 26 trận gần nhất và chỉ thủng lưới 4 bàn ở vòng loại giải đấu số 1 châu Âu.