Một tuyển Đức già nhất kể từ World Cup 2002 đã thất bại cay đắng ngay vạch xuất phát ở cuộc đua tại nước Nga mà họ là đương kim vô địch.
Đội tuyển Đức đã tiếp nối câu chuyện buồn về số phận của những nhà vô địch. Sau Pháp năm 2002, Ý năm 2010 và Tây Ban Nha năm 2014, Đức là nhà vô địch thế giới thứ tư trong 5 nhà vô địch gần đây bị loại ngay vòng bảng kỳ World Cup kề sau đó.
Ngoại lệ duy nhất là đội tuyển Brazil năm 2006. Nhưng Brazil sau khi qua được vòng bảng cũng bị loại ngay vòng knock-out đầu tiên.
ĐT Đức không còn là chính mình
Chiến thắng là khởi đầu của thất bại
Nghe có vẻ khôi hài, nhưng chiến thắng hóa ra lại là nỗi sợ lớn nhất với các đội bóng chứ không phải thất bại.
Người ta gọi đó là “Hội chứng sau vô địch” (Post-title syndrome). Chức vô địch World Cup là đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới. Nó khiến anh tin tưởng (và ảo tưởng) vào sức mạnh của bản thân. Nó khiến anh không còn động lực để thay đổi và bởi thế anh đi vào lối mòn (thế mới thấy Zinedine Zidane và Real Madrid thực sự phi thường).
Bỏ qua những phút cuối gặp Thụy Điển và cú sút phạt siêu đẳng của Toni Kroos, Đức ở World Cup 2018 là một đội tuyển già cỗi, nhàn nhạt và không bản sắc, hệt như Tây Ban Nha ở kỳ World Cup 4 năm về trước. Bóng đá thế giới vận động không ngừng. Một đội bóng không thể vô địch 2 kỳ World Cup với cùng một kiểu chơi và cùng những con người (đã nhiều hơn 4 tuổi và ít hơn khát khao).
Đó là bài học chưa bao giờ cũ từ những ông lớn sau một chu kỳ thành công. Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Brazil... đều đã từng nếm trải và giờ tới lượt Đức.
“Chỉ” có 8 trong 23 cầu thủ từng dự World Cup 2014 được HLV Joachim Loew gọi, nhưng đều chiếm vị trí chủ chốt.
Neuer trở lại sau chấn thương chơi không an toàn và chỉ là cái bóng mờ so với 4 năm trước. Hummels và Boateng là những trung vệ thảm họa, một phần bởi họ thường xuyên phải đơn độc đối chọi với tiền đạo đối phương trong bối cảnh các tiền vệ và hậu vệ cánh dâng quá cao. Sau trận ra quân thua Mexico, Hummels đã than phiền về việc có 7-8 cầu thủ cùng lên tấn công để lộ nhiều khoảng trống nhưng chẳng ai để ý.
Phía bên trên, Kroos và Khedira để mất bóng nhiều và đều dẫn đến bàn thua. Trong khi đó, màn trình diễn của Ozil và Muller thực sự ngao ngán, đặc biệt là Ozil - người gây phẫn nộ khi chụp ảnh cùng ông Recep Erdogan trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Những “ông sao” ì ạch
Xem Đức đá sau 3 trận, người ta thấy một đội bóng rời rạc, vô hồn và không chất kết dính. Những ngôi sao tấn công đã thành danh luôn có xu hướng đứng chờ bóng đến chân thay vì chạy chỗ, di chuyển không bóng, đặc biệt khi họ ở trong tư thế của những nhà vô địch thế giới. Chúng ta có thể nhận thấy sự ì ạch của Muller, của Ozil, cả Kroos nữa... và những nhân tố trẻ như Julian Brandt hay Goretzka chưa đủ tạo ra một làn gió mới.
Một đội bóng với những ngôi sao tự xem mình là ngoại hạng, được dẫn dắt bởi một HLV ngoại hạng. Joachim Loew luôn xem mình như một nhà phát kiến, tự tin đến mức gạch bỏ ngôi sao trẻ Leroy Sane khỏi chiến dịch và lạm dụng một chiến thuật mất cân bằng với 7-8/11 cầu thủ tấn công.
Những dấu hiệu thất bại đã được chỉ ra khi Đức chỉ thắng được một trên tổng số 6 trận trước khi World Cup khởi tranh (thắng đội bóng rất yếu Ả-rập Saudi 2-1). Thế rồi Đức khởi đầu chiến dịch với đội hình có độ tuổi trung bình 27 tuổi + 310 ngày cho trận thua Mexico (già nhất kể từ chung kết World Cup 2002). Chiến thắng Thụy Điển chỉ giúp xoa dịu bớt tình hình trước khi người Đức thảm bại dưới tay Hàn Quốc, một trong những đội yếu nhất giải.
Phải cải tổ thôi. Người Đức có một lứa trẻ tài năng, những Sane, Brandt, Goretzka, Kimmich... Họ là những “Lahm mới”, “Schweinsteiger mới” cho một công cuộc trẻ hóa mới. Người Đức không hề bỡ ngỡ với điều này. Họ đã làm được những điều kỳ vĩ khi loại HLV Rudi Voeller sau EURO 2004 và đặt niềm tin vào hai con người cách mạng: Juergen Klinsmann và Joachim Loew.
Bây giờ Loew nên là người đầu tiên phải bị gạch bỏ cho một quy trình tiến hóa mới của bóng đá Đức.
Thống kê 1 vài con số đáng chú ý của ĐT Đức ở vòng bảng
|