Italia vừa đánh bại Tây Ban Nha ở bán kết EURO 2020 qua loạt sút luân lưu. Nhìn lại “lịch sử quota thắng luân lưu” của EURO từ trước tới nay, ĐT Italia nên tránh kịch bản đá luân lưu với Anh trong trận chung kết vào 2h00 ngày 12/7 tới.
Hướng tới trận chung kết giữa Italia vs Anh, không ít CĐV trên xứ mì ống cảm thấy rất tự tin nếu số phận đại chiến này phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu. Cơ sở để họ tự tin là Italia vừa vượt qua Tây Ban Nha sau loạt “đấu súng” ở bán kết. Và trong lịch sử EURO, Italia cũng đã đánh bại Anh trong loạt luân lưu tại EURO 2012. Nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ 9 năm trước Andrea Pirlo đã có cú Panenka đầy ngạo nghễ vào lưới Joe Hart trước khi Ashley Young và Ashley Cole sút hỏng 2 quả luân lưu liên tiếp của Anh.
Nhưng một khi đã nhắc đến “tiếng nói lịch sử” thì nếu kịch bản chung kết EURO 2020 phải phân định bằng sút luân lưu, Italia nên lo hơn là mừng. Bởi lịch sử EURO vẫn tồn tại cái dớp rất đáng sợ. Không đội bóng nào thắng được luân lưu ở hai trận đấu liên tiếp cả. Nghĩa là nếu đã thắng trận trước bằng luân lưu thì trận sau mà đá luân lưu tiếp thì kiểu gì cũng thua.
Đã có 5 tiền lệ xấu được tạo ra để Italia trông vào mà cố tránh. Tiền lệ bắt đầu được tạo ra tại EURO 1996, cũng trên chính đất Anh. 25 năm trước, không những một mà có 2 đội phải nếm trải cảm giác mới hân hoan vì thắng “đấu súng” xong đã phải khóc hận trên chấm 11m sau khi không thể giải quyết trận đấu trong 120 phút.
Đầu tiên là trường hợp của Pháp. Tại tứ kết EURO 1996, Pháp bản lĩnh loại Hà Lan với tỷ số 5-4 ở loạt luân lưu sau khi 120 phút thi đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0. Cả 5 tuyển thủ Pháp gồm Zinedine Zidane, Youri Djorkaeff, Bixente Lizarazu, Vincent Guerin và Laurent Blanc đều sút thành công.
Nhưng đến bán kết thì may mắn không còn mỉm cười với Pháp nữa. Tỷ số 120 phút của trận bán kết giữa Pháp và Czech cũng là 0-0. Ở loạt luân lưu, 5 người gồm Zidane, Djorkaeff, Lizarazu, Guerin và Blanc cũng sút thành công. Chỉ tiếc rằng đến loạt sút thứ 6 thì Reynald Pedros sút hỏng và Pháp thua Czech với tỷ số 5-6.
Thủ môn Donnarumma của Italia cản phá thành công quả đá luân lưu của tiền đạo Morata ở trận bán kết với Tây Ban Nha
Cũng ở EURO 1996, Anh đã đánh bại Tây Ban Nha 4-2 trên chấm luân lưu tại tứ kết. Vào đến bán kết thì Anh thua Đức 5-6 trong loạt luân lưu. Người duy nhất sút hỏng trong loạt luân lưu giữa Anh và Đức hồi đó chính là HLV Gareth Southgate hiện đang dẫn dắt Tam sư.
20 năm sau đó, ở EURO 2016, cái dớp không thắng 2 loạt luân lưu liên tiếp vận vào Ba Lan. Ba Lan “đấu súng” thắng Thụy Sỹ ở vòng 1/8 nhưng lại thua Bồ Đào Nha ở vòng tứ kết.
Mới đây nhất, ngay tại EURO này, cũng có hai đội đi theo vết xe đổ kể trên của Pháp, Anh và Ba Lan. Thụy Sỹ vừa đá luân lưu thắng Pháp xong ở vòng 1/8 thì đến tứ kết bị Tây Ban Nha loại bằng đá luân lưu. Tây Ban Nha ăn mừng chiến thắng bằng luân lưu trước Thụy Sỹ chưa được bao lâu thì đến bán kết bị Italia loại cũng bằng loạt luân lưu. Cùng cái dây ấy, nếu Italia mà chung kết cũng phải đá luân lưu với Anh thì đúng là Italia sẽ không chỉ phải chống lại Anh mà còn phải “chống lại cả lịch sử”.
Lịch sử EURO đã ghi nhận 5 trường hợp các đội đá luân lưu ở 2 trận liên tiếp. Cả 5 đội ấy đều thua ở trận thứ 2 liên tiếp đá luân lưu. Tỷ lệ không thắng luân lưu ở 2 trận liên tiếp trong lịch sử EURO đang là 100%. Chưa có bất kỳ ngoại lệ nào. Do “quota may mắn” ở EURO quá ít? Do đối thủ ở trận thứ hai biết rút bài học từ trận thứ nhất? Hay tại “lý do tâm linh” nào đó không thể lý giải? Dù thế nào, Italia hãy cứ phải coi chừng cái dớp luân lưu ở EURO.
5 đội thua ở trận thứ 2 liên tiếp đá luân lưu
EURO 2020: Thụy Sỹ (thắng Pháp, thua TBN); TBN (thắng Thụy Sỹ, thua Italia)
EURO 2016: Ba Lan (thắng Thụy Sỹ, thua BĐN)
EURO 1996: Pháp (thắng Hà Lan, thua Czech); Anh (thắng TBN, thua Đức)
0 - Cả 5 đội đều thua ở trận thứ 2 liên tiếp phải đá luân lưu trong lịch sử EURO. Tuy nhiên, còn một “kẻ hở lịch sử” để Italia có thể hy vọng nếu phải đá luân lưu với Anh. Không lần nào trong 5 thất bại thuộc dớp luân lưu ở EURO diễn ra tại trận chung kết.