Dưới thời HLV Park Hang Seo, U23 Việt Nam đã gặt hái thành công bằng lối chơi phòng ngự - phản công, dựa trên sơ đồ chiến thuật 3 hậu vệ. Liệu chiến lược gia người Hàn Quốc có "bổn cũ soạn lại" khi cùng đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) chinh phục AFF Cup?
Sơ đồ 3 hậu vệ có còn hữu dụng?
Từ vòng loại World Cup, VCK U23 châu Á đến ASIAD, hai sơ đồ chiến thuật mà HLV Park Hang Seo thường xuyên sử dụng nhất cho các cấp độ ĐTVN là 3-5-2 và 3-4-3. Tùy vào tình hình đối thủ, nhân sự, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ luân phiên sử dụng linh hoạt giữa những sơ đồ này.
Chấn thương của những trụ cột như Văn Thanh, Xuân Mạnh có thể khiến HLV Park Hang Seo thực hiện cuộc cách mạng về chiến thuật cho ĐTVN
Điểm mấu chốt của 3-5-2 hay 3-4-3 nằm ở những cầu thủ chạy cánh cơ động. Không chỉ làm nhiệm vụ tấn công, họ có thể lui về hợp cùng 3 trung vệ thành hàng thủ 5 người, từ đó phòng ngự - phản công, thứ "đặc sản" của mỗi đội bóng do thầy Park dẫn dắt được phát huy tối đa.
Trong đợt tập trung chuẩn bị cho AFF Cup, thầy Park không giấu giếm ý định "đồng bộ" lối chơi từ tuyến trẻ lên cấp độ ĐTQG khi triệu tập tới 14 cầu thủ lứa U23 - những người từng đồng hành với ông suốt những hành trình lịch sử đã qua.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều dấu hỏi trong việc tiếp tục duy trì lối chơi này tại AFF Cup. Cách đây chưa lâu, Văn Thanh - cầu thủ chạy cánh phải hàng đầu Việt Nam vừa dính chấn thương nặng và ngồi ngoài 6 tháng. Không dễ để thầy Park tìm ra người đủ sức thay thế cầu thủ thuộc biên chế HAGL, chưa kể Xuân Mạnh - một cái tên nổi bật khác bên hành lang cánh cũng lỡ cơ hội lên tuyển vì chấn thương.
Suốt 1 năm qua, U23 Việt Nam thường chạm trán những đối thủ được đánh giá mạnh hơn, từ U23 Australia, U23 Hàn Quốc đến Afghanistan, Jordan (cấp độ ĐTQG). Vì vậy thầy trò Park Hang Seo có thể nhập cuộc ở thế "cửa dưới" mà không vấp phải sự phán xét từ giới chuyên môn hay NHM.
Còn ở AFF Cup, ĐTVN nằm ở bảng đấu có Malaysia, Myanmar, Campuchia, Lào - những đối thủ vừa tầm, thậm chí "dưới cơ". Vì vậy áp dụng chiến thuật phòng ngự - phản công được xem là không cần thiết, thậm chí ngay cả với những đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch như Indonesia, Philippines và đặc biệt là đại kình địch Thái Lan.
"Tường thép" hay "cơn lốc đỏ"?
Trên thực tế, không ít lần U23 Việt Nam lựa chọn lối chơi tấn công chủ động nhưng hiệu quả chỉ ở mức 50/50. Nếu không tính những đối thủ quá yếu như U23 Nepal hay U23 Palestine, lần hiếm hoi U23 Việt Nam nắm thế "cửa trên" trước một đội tầm cỡ là trận tranh HCĐ ASIAD với U23 UAE.
Kết quả, thầy trò HLV Park Hang Seo hoàn toàn bế tắc trước hàng thủ số đông của đại diện Tây Á và chấp nhận thất bại trên chấm luân lưu cân não (hòa 1-1 sau 90 phút chính thức).
1 năm cũng là quãng thời gian đủ để các đối thủ nghiên cứu kỹ cách đá của Việt Nam. Vì vậy ngay từ bây giờ, HLV Park Hang Seo và các cộng sự buộc phải chuẩn bị cho những phương án con người lẫn sự thay đổi chiến thuật nhằm tạo ra sự đột phá tại AFF Cup.
Nhiều năm qua, ĐTVN đang dò dẫm trên hành trình định hình lối chơi qua các đời HLV. Nguyễn Hữu Thắng theo đuổi triết lí ban bật nhỏ đẹp mắt và thất bại. Trước đó, người tiền nhiệm Toshiya Miura cũng bị chỉ trích vì triết lí phòng ngự "đổ bê tông" cũng như những thất bại thảm hại trước đại kình địch Thái Lan. Giờ đây, HLV Park Hang Seo phải "đập đi xây lại" và cố gắng tìm ra triết lí phù hợp nhất cho đội tuyển.
Thành công cùng cấp độ U23, nhưng thầy Park mới trải qua 2 trận chính thức dẫn dắt ĐTQG (hòa Afghanistan 0-0 và Jordan 1-1 ở vòng loại World Cup. Vì vậy rất khó để khẳng định chiến lược gia người Hàn Quốc mang đến bộ mặt nào cho "những ngôi sao vàng" tại AFF Cup 2018. Tất nhiên NHM và giới chuyên môn nước nhà kì vọng đó sẽ là một bộ mặt giàu sức sống và đầy bất ngờ.