EURO 2016 là lần đầu tiên giải bóng đá vô địch châu Âu có 24 đội tham dự, tăng 8 đội so với các lần tổ chức trước đó. Một câu hỏi đặt ra: liệu chất lượng của giải đấu có tỷ lệ thuận với số đội tham dự?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời bởi khi giải đấu chưa chính thức khởi tranh, tất cả những nhận định chuyên môn về chất lượng giải đấu đều mang tính chất phỏng đoán để tham khảo. Tuy nhiên, mọi người có thể liên hệ với những giải bóng đá ở đẳng cấp tương tự để kiểm chứng.
Đầu tiên là World Cup, giải vô địch bóng đá thế giới là sân chơi danh giá nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia do FIFA tổ chức định kỳ 4 năm một lần. Đây là giải đấu quy tụ đầy đủ những đội bóng mạnh nhất thế giới và những ngôi sao hàng đầu của thế giới túc cầu. Tất nhiên là trừ những đội bóng không vượt qua vòng loại và các cầu thủ vắng mặt do chấn thương. Tuy nhiên, một diều dễ nhận thấy là World Cup chỉ thực sự hấp dẫn khi bước vào vòng knock-out hoặc một số trận ở các bảng đấu được xem là “tử thần”.
Thế mới thấy rằng, chỉ khi các đội bóng tham dự cho… đủ thành phần bị loại, World Cup mới thực sự mang dáng dấp là sân chơi số một của các đội tuyển quốc gia. Những hiện tượng như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ (ở World Cup 2002) là vô cùng hiếm hoi và đó chỉ được xem như chất xúc tác để gia tăng sự hấp dẫn, bất ngờ của giải đấu chứ không thể là hình ảnh thường thấy ở sân chơi World Cup. Do đó, ở hai kỳ World Cup gần nhất, những đại diện góp mặt ở vòng bán kết đều là những đội bóng nằm trong top đầu của bảng xếp hạng FIFA.
Quay trở lại với EURO 2016, UEFA cũng có lý do thỏa đáng để nâng số đội tham dự giải đấu lên con số 24. Một phần vì bóng đá châu Âu ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với các châu lục khác trên thế giới nên chất lượng giải đấu, nhất là các trận vòng bảng vẫn có thể chấp nhận được. Ngoài ra, việc nâng số đội tham gia đồng nghĩa với việc những “ngôi sao cô đơn” như Gareth Bale (xứ Wales) hay Ibrahimovic (Thụy Điển)… sẽ có cơ hội tranh tài thay vì thưởng thức EURO qua tivi.
Tuy nhiên, nếu so sánh về tương quan lực lượng giữa các đội tuyển tham gia, nhiều người sẽ không khỏi lo lắng về chất lượng các trận đấu tại EURO lần này. Ở bảng A, những Romania, Albania sẽ thật khó để làm nên điều bất ngờ trước chủ nhà Pháp; thậm chí nếu so với Thụy Sỹ, hai đội bóng trên cũng bị đánh giá thấp hơn. Điểm qua các bảng đấu còn lại đều có những đội bóng mà khả năng tiến xa của họ tại giải đấu lần này gần như là con số 0 tròn trĩnh. Đó là Bắc Ireland (bảng C), CH Ireland (bảng E), Iceland hay Hungary (bảng F).
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp thực lực của các đội bóng trên nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Nhìn qua danh sách sơ bộ tham dự giải đấu của họ, có quá ít những tên tuổi đủ khả năng tranh tài với những ngôi sao hàng đầu thế giới của Đức, Tây Ban Nha, Bỉ hay Bồ Đào Nha… Tất nhiên, bóng đá là môn thể thao tập thể; khi thi đấu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ chiến thuật, phong độ, bản lĩnh trận mạc và cả may mắn. Vẫn có những hiện tượng đầy thú vị như Đan Mạch vô địch EURO 1992 nhờ thay thế Nam Tư không đủ điều kiện tham gia giải đấu hay câu chuyện thần thoại mang tên Hy Lạp tại EURO 2004.
Trong thời gian 1 tháng ngắn ngủi, mọi chuyện đều có thể xảy ra theo guồng quay của trái bóng tròn. Thành tích của Đan Mạch hay Hy Lạp sẽ là nguồn cổ vũ lớn lao cho các đội bóng bị đánh giá thấp nỗ lực thi đấu để tạo bất ngờ nhưng cũng là bài học nhãn tiền để các “ông lớn” nhập cuộc thận trọng và toan tính hơn. Họ sẽ không chủ quan khinh địch mà tập trung tối đa cho từng trận đấu; khi ấy, đội bóng nào có chất lượng nhân sự và đấu pháp tốt hơn tất yếu sẽ giành chiến thắng. Chiếu theo logic ấy, tại EURO 2016 trên đất Pháp sắp tới, sẽ có không ít những trận đấu ở vòng bảng có chất lượng chuyên môn thấp. Người hâm mộ sẽ phải kiên nhẫn chờ đến vòng 16 đội, thậm chí là tứ kết để được thưởng thức những trận cầu đỉnh cao đúng với đẳng cấp EURO.