Trang chủ câu lạc bộ xác nhận Pierre-Emerick Aubameyang đã là người của Arsenal. Đội chủ sân Emirates sẽ trả số tiền lên đến 64,5 triệu euro, bao gồm cả khoản phí mượn trị giá 1,5 triệu euro cho Chelsea để Batshuayi đến Dortmund. Qua đó, Aubameyang chính thức vượt qua Alexandre Lacazette trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử câu lạc bộ.
Thương vụ bom tấn này không chỉ là một vụ chuyển nhượng đơn thuần, thương vụ này sẽ giúp Pháo thủ chứng tỏ được nhiều điều trong bối cảnh thành tích của câu lạc bộ đang ngày càng đi xuống kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng về niềm tin của người hâm mộ đối với câu lạc bộ.
Khẳng định vị thế và tham vọng
Những tưởng sau sự ra đi của Sanchez, Arsenal sẽ không còn sức hút đối với các ngôi sao lớn. Nhưng với việc chiêu mộ được Aubameyang, ban lãnh đạo và huấn luyện viên Wenger đã chứng minh những nhận định có phần nghi ngại của giới truyền thông và các cổ động viên là hoàn toàn sai lầm.
Aubameyang không phải là tiền đạo xuất chúng kiểu như Messi hay Ronaldo, nhưng anh cũng không phải tiền đạo hạng xoàng. Bản thành tích anh lập được khi chơi bóng tại Bundesliga trong màu áo Dortmund đã nói lên tất cả.
Mùa 2016-2017, anh đã vượt mặt Robert Lewandowski để trở thành vua phá lưới với 31 bàn sau 32 lần ra sân; anh vượt qua tiền đạo người Ghana, Anthony Yeboah để trở thành cầu thủ châu phi có nhiều pha ghi điểm nhất tại giải đấu, đồng thời vượt qua cựu danh thủ Stephane Chapuisat để trờ thành cầu thủ ngoại ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Dortmund… Với bản thành tích ấn tượng như vậy nhưng anh vẫn chọn Arsenal, điều đó chứng tỏ Arsenal vẫn là một câu lạc bộ lớn, một trong những câu lạc bộ giàu thành tích nhất nước Anh.
Sanchez đi, ngay lập tức Arsenal có Aubameyang. Đây là câu trả lời đanh thép cho những ai đặt dấu hỏi về tham vọng của câu lạc bộ. Không như những lần hứa suông trước đây, việc Arsenal chiêu mộ được Aubameyang cùng với Mkhitaryan chỉ là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch cải tổ một cách mạnh mẽ kế hoạch chuyển nhượng của Pháo thủ.
Cho đến thời điểm này của mùa giải, Arsenal vẫn còn 3 mục tiêu để phấn đấu đó là lọt vào top 4 Ngoại hạng anh; vô địch Carling cup và Europa League. Aubameyang là điều kiện cần thiết để giúp Arsenal hiện thực hóa 3 mục tiêu đó.
Chìa khóa gia hạn với Mesut Oezil
Sau sự ra đi của Sanchez, người hâm mộ đang lo lắng về tương lai của Mesut Oezil, người chỉ còn vài tháng hợp đồng với câu lạc bộ. Theo các tờ báo uy tín tại Anh, Mesut Oezil đang đòi hỏi ban lãnh đạo Arsenal mức lương 300.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở chuyện lương bổng.
Oezil là cầu thủ lớn, do đó ngoài vấn đề tiền bạc, anh cần những danh hiệu để chứng tỏ giá trị bản thân cũng như thỏa mãn khát vọng chinh phục những đỉnh cao của mình. Để có thể thuyết phục được Oezil ký vào bản hợp đồng mới, câu lạc bộ cần chứng tỏ tham vọng cũng như khả năng chinh phục những danh hiệu trong các mùa giải kế tiếp. Việc Arsenal có thể ký hợp đồng với Aubameyang, ngôi sao lớn đến từ Bundesliga đã trở thành chìa khóa giải quyết mọi vấn đề đang tồn tại trong thời gian qua.
Đa dạng trong triển khai và áp dụng các sơ đồ chiến thuật
Trong mùa giải này, Arsenal thường ra sân với 2 sơ đồ chiến thuật quen thuộc 3-4-2-1 và 4-2-3-1, bên cạnh việc áp dụng sơ đồ 4-3-3 trong một vài trận đấu. Tuy nhiên, do trong tay huấn luyện viên Wenger không có nhiều sự lựa chọn về mặt nhân sự nên ông thường áp dụng cứng nhắc các sơ đồ này, các đối thủ của Arsenal thường chuẩn bị phương án đề phòng dẫn đến trận đấu dễ rơi vào bế tắc.
Với việc Aubameyang và trước đó là Henrikh Mkhitaryan đã đến, Arsenal hoàn toàn có thể áp dụng và triển khai hiệu quả nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau như 4-4-2 hay 4-3-3… Điều này sẽ tạo bất ngờ cho đối thủ và làm tăng khả năng giành chiến thắng cho đội nhà.
Wenger chịu đổi mới tư duy chuyển nhượng?
Trong suốt thời gian dẫn dắt Arsenal, huấn luyện viên Wenger không có thói quen tham gia vào thị trường chuyển nhượng mùa đông, vì theo kinh nghiệm của ông, những thương vụ diễn ra vào thời điểm này thường có tỷ lệ rủi ro rất cao.
Tất nhiên, những lo lắng của ông là hoàn toàn có cơ sở, có thể kể ra một số bản hợp đồng được đánh giá thất bại diễn ra trong kỳ chuyển nhượng này như thương vụ Fernando Torres từ Liverpool sang Chelsea vào năm 2011 với mức giá 50 triệu bảng; Andy Carroll từ Newcastle sang Liverpool vào năm 2011 với mức giá 50 triệu bảng; Juan Cuadrado từ Fiorentina sang Chelsea vào năm 2015,...
Tuy nhiên, vào kỳ chuyển nhượng mùa đông này, ông lại chấp nhận để câu lạc bộ chi ra một số tiền lớn để chiêu mộ Aubameyang. Phải chăng thói quen chi tiêu dè dặt trong kỳ chuyển nhượng mùa đông của ông đã biến mất hay nói cách khác là ông đã chịu đổi mới tư duy chuyển nhượng của mình? Câu trả lời có thể hiểu như sau, ông có thay đổi nhưng chỉ thay đổi 1 phần nào đó, vụ chuyển nhượng trên vẫn diễn ra là do hiện nay ông không còn là người toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới chuyển nhượng của câu lạc bộ.
Bệ phóng cho Lacazette
Alexandre Lacazette là chân sút có tiếng tại giải vô địch quốc gia Pháp, Ligue 1. Anh được HLV Wenger và các cổ động viên kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán hàng công vốn đã tồn tại nhiều năm nay của câu lạc bộ.
Và quả thực, với đẳng cấp của mình, anh đã hòa nhập rất nhanh vào lối chơi của Arsenal và môi trường giải Ngoại hạng. Anh đã chứng minh cho tất cả thấy vì sao Arsenal biến anh trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử CLB.
Sự ăn ý của anh với các đối tác trên hàng công như Sanchez và Oezil đã giúp lối chơi của Pháo thủ trở nên uyển chuyển và khó lường hơn. Tuy nhiên sau những khởi đầu khá ấn tượng, ghi 4 bàn sau 6 vòng đấu, phong độ của anh đang có dấu hiệu sa sút, trong 19 vòng đấu tiếp theo, anh chỉ nổ súng thêm 5 lần.
Nguyên nhân chủ yếu là do phòng thay đồ bất ổn liên quan tới việc ra đi hay ở lại của Sanchez. Điều này dẫn đến việc trong mỗi trận đấu, anh không được đồng đội cung cấp đủ bóng và hỗ trợ để có thể tạo nên sự khác biệt, cùng với việc thiếu đối tác ăn ý trên hàng công, anh hoàn toàn bị đối thủ cô lập và phải di chuyển rộng ra ngoài vùng 16m50 để nhận bóng.
Hiện tại tình hình sân Emirates đã ổn định sau khi Sanchez chuyển tới MU. Cùng với những bản hợp đồng mới, ban lãnh đạo cùng toàn thể câu lạc bộ và các cổ động viên có thể hy vọng Aubameyang sẽ là đối tác ăn ý của anh trên hàng công, đồng thời là điều kiện cần thiết để giúp anh tìm lại chính mình.
Hiệu quả bước đầu của chính sách chuyển giao quyền lực
Tháng 11 năm 2017, Arsenal đã chính thức bổ nhiệm Sven Mislintat, cựu tuyển trạch viên của Dortmund làm Trưởng tuyển trạch viên, đồng thời thuyết phục được cựu Giám đốc bóng đá câu lạc bộ Barcelona, Raul Sanllehi về giữ chức Giám đốc bóng đá câu lạc bộ.
Sven Mislintat là chuyên gia “săn đầu người” nổi tiếng và được săn đón nhiều nhất tại Đức, thậm chí cả châu âu, ông được đặt biệt danh là “đôi mắt kim cương” khi tìm ra những viên ngọc thô xuất sắc cho Dortmund như Kagawa, Mats Hummels, Jakub Blaszczykowski,… Còn Raul Sanllehi chính là người đảm đương công việc ký những bản hợp đồng quan trọng của đội bóng xứ Catalan như Luis Suarez hay Neymar.
Việc bổ nhiệm các chức danh này thể hiện sự thay đổi trong tư duy làm bóng đá của Ban lãnh đạo câu lạc bộ, đồng thời nhằm hạn chế bớt quyền lực của huấn luyện viên Wenger tại đội bóng, trước khi chính thức nói lời chia tay ông như theo lời phát biểu của Giám đốc điều hành Ivan Gazidis.
Và sự thay đổi trên đã mang đến hiệu quả tức thì. Với sự nhạy bén và tinh tường cùa mình, Sven Mislintat đã giúp Arsenal chiêu mộ thành công hậu vệ Konstantinos Mavropanos, cầu thủ trẻ triển vọng nhất của bóng đa Hy Lạp trong 10 năm qua từ câu lạc bộ PAS Giannina. Ông cũng chính là người đề xuất ý tưởng đổi Sanchez lấy Henrikh Mkhitaryan, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc xúc tiến thương vụ mua Aubameyang từ Dortmund.
Rõ ràng sự thay đổi ở cơ cấu thượng tầng đã mang đến những tín hiệu tích cực cho câu lạc bộ. Đây là cơ sở để người hâm mộ có thể tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp đang chờ đón các Pháo thủ.