Trong suốt lịch sử bóng đá, hình như chỉ có một vài cầu thủ mà tên của anh ta được dùng cho một khái niệm.
Claude Makelele chẳng hạn. Kỳ thực, Makelele có giá trị liên quan đến sự phát triển chuyên môn của bóng đá đỉnh cao. Zinedine Zidane lại khác. Cái tên Zidane đồng nghĩa với một sự vĩ đại. Khi nói đến chiến lược phát triển mang tên “những Zidane và những Pavon”, người ta không cần giải thích ý nghĩa cụ thể của câu ấy.
Zidane là một siêu sao khi còn chơi bóng. Nhưng, sự nghiệp huấn luyện của Zidane bây giờ xem ra đã có những chỗ còn vượt qua cả sự nghiệp cầu thủ. Chưa có HLV nào vô địch Champions League 2 lần trong hai mùa. Zidane cũng không. Vì ông làm nên lịch sử, vô địch Champions League 2 lần, chỉ trong... một mùa rưỡi! Và bây giờ, Zidane chỉ cần thắng một trận nữa là có 3 lần vô địch liên tiếp, trong 2 mùa rưỡi. Hai mùa rưỡi cũng chính là toàn bộ thâm niên huấn luyện bóng đá đỉnh cao của Zidane, cho đến lúc này. Trước Zidane, nước Pháp chưa bao giờ có một HLV vô địch ở trận địa Cúp C1/Champions League - giải đấu do chính người Pháp nghĩ ra.
Đáng lẽ, với những thành công đã có, những gì Zidane nói ra phải được xem là “kim chỉ nam” để giới bóng đá đỉnh cao noi theo. Zidane ít nói đã đành. Nhưng, ông không nói nhiều cũng có thể vì sẽ chẳng ai nghe. Zidane chưa bao giờ được thiên hạ hứng lấy từng lời, như Jose Morinho hoặc Pep Guardiola, kể cả những HLV thật ra chưa có thành tích đáng kể nào.
Muốn nghe về triết lý bóng đá? Dĩ nhiên phải nghe Guardiola, sau đó là Mourinho, Juergen Klopp... Muốn hỏi về chiến thuật? Hãy hỏi Antonio Conte, HLV vừa có một mùa bóng thất bại. Hoặc Luis Enrique. Và sắp tới chắc chắn sẽ là Unai Emery. Tóm lại, coi như không có Zidane. Chẳng biết đấy có phải là “bí ẩn thành công” hay không. Nhưng đấy thật sự là chỗ rất đáng quý của một HLV tuy đã tiến rất gần đến tư thế tượng đài lịch sử nhưng chưa bao giờ... rao giảng điều gì.
Zidane rất giống “thầy cũ” Vicente Del Bosque. Ông này là HLV duy nhất trong lịch sử từng vô địch ở mọi giải đấu lớn: World Cup, Euro, Champions League. Có thể kể thêm cả Cúp Liên lục địa. Nhưng hình như không có “triết lý Del Bosque”, cũng không có nguyên tắc hay quan điểm chiến thuật lớn lao nào.
Hồi dẫn dắt Real Madrid vô địch Champions League 2002 (trước đó ông đã vô địch Champions League 2000), Del Bosque lọt vào camera với hình ảnh cười hềnh hệch như đang mải “tám” với người bên cạnh, trên băng ghế chỉ đạo. Báo giới bình luận: với đội hình toàn sao, Real đá kiểu gì chả thắng, và Del Bosque thành công nhờ ông biết mình không nên chỉ đạo quá nhiều! Zidane chính là một trong những ngôi sao trên sân, trong câu chuyện ấy. Và chính Zidane ghi bàn quyết định trong trận chung kết - một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử.
Vấn đề là: ai muốn nói sao cũng được. Khi Del Bosque giúp ĐT Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, rồi EURO 2012, ông cũng đâu có nói nhiều về triết lý hoặc quan điểm chiến thuật nào. Cũng chẳng buồn tranh luận, xem ông vô địch nhờ công cầu thủ hay nhờ chính mình. Zidane “cai quản” ngôi sao thành công, có chiến thuật hay, biết cách nâng cao thể lực cho toàn đội...? Còn nhiều điều nữa, nói gì cũng có vẻ đúng. Nhưng, làm được tất cả những điều như thế, người ta vẫn chưa chắc vô địch Champions League. Và đấy cũng không phải là những điều Zidane tự nói về mình.