Lionel Messi không còn là cầu thủ của Barca, khi đội bóng gặp nhiều vấn đề trong quá trình gia hạn hợp đồng với anh.
Đêm qua (giờ Hà Nội), Barca tuyên bố chia tay Messi vì không thể hoàn tất quá trình gia hạn hợp đồng bởi một số vướng mắc về tài chính, dù đã đạt thỏa thuận với siêu sao người Argentina. Tờ Mundo Deportivo đã có một bài viết chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ trong mối lương duyên giữa M10 và Barca.
Messi không còn cơ hội khoác áo Barca
1. Sự chậm trễ của Laporta
Joan Laporta đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình đàm phán hợp đồng mới với Messi. Ông từng lớn tiếng tuyên bố trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch Barca rằng mình là người hiểu rõ Messi và có mối quan hệ thân thiết hơn ai hết với gia đình Messi. Tuy nhiên, thực tế những gì đã diễn ra lại cho thấy một bức tranh khác.
Messi từng khẳng định vào đầu mùa giải trước rằng anh “muốn dành cả sự nghiệp của mình cho Barca” và “không bao giờ ra tòa chống lại CLB”. Đáp lại, sau một năm đầy sóng gió, Messi đáo hạn hợp đồng từ tận tháng 7 và không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết. Không có bất kỳ phản hồi nào đáng kể từ Laporta và các cận thần. Barca được tin là sẽ chẳng bao giờ để siêu sao số một CLB ra đi dễ dàng, nhưng giờ thì điều đó đã trở thành sự thật.
Mundo Deportivo cho rằng Laporta đã quá tin vào thỏa thuận miệng với Messi về một hợp đồng mới mà không sốt sắng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình đàm phán, đặc biệt là thời điểm gần ngày ký kết, khi những bài toán từ La Liga đã được đặt ra về vấn đề quỹ lương. Tờ báo Tây Ban Nha cho rằng Barca tỏ ra bị động trong việc thanh lý bớt cầu thủ.
2. Nhân tố Cristian Romero
Mundo Deportivo cho rằng Messi thực sự quan ngại với chất lượng đội hình của Barca. Siêu sao Argentina thậm chí đã công khai đề xuất đội bóng chiêu mộ trung vệ Cristian Romero của Atalanta để bổ sung sức mạnh hàng thủ, nhưng đáp lại là những nỗ lực hời hợt. Romero là đồng đội đã cùng Messi giành chức vô địch Copa America 2021, được siêu sao này rất tin tưởng về năng lực chuyên môn.
Trên thực tế, Barca đã tỏ ra mất kiên nhẫn trong vụ theo đuổi Romero. Trong bối cảnh Tottenham cũng rất khao khát có được trung vệ người Argentina, Barca đã đưa ra mức giá 40 triệu euro kèm 10 triệu euro phụ phí để thuyết phục Atalanta, nhưng vẫn chưa có hồi âm. Do đó, đội chủ sân Nou Camp đã bỏ ngang thương vụ này.
Laporta không thể giữ lời hứa giữ chân Messi
Dự án thể thao của Barca cũng được cho là không thu hút được Messi. Dù Barca đã đưa về người bạn thân của M10 là Sergio Aguero, và ngôi sao Hà Lan Memphis Depay, những điều này vẫn chưa thuyết phục được siêu sao Argentina. Messi được cho là vẫn muốn có thêm sự bổ sung ở hàng thủ, đồng thời cần một kế hoạch tham vọng hơn để giành các danh hiệu.
3. Giảm lương và nợ nần
Như đã nói ở trên, thách thức lớn nhất của Barca trong việc giữ chân Messi chính là giới hạn quỹ lương mà La Liga ban bố. CLB đang có tổng số nợ rơi vào khoảng 1,173 triệu euro (theo số liệu từ Guardian) và không thể chi trả mạnh tay cho các trụ cột. Messi thậm chí chấp nhận cắt giảm 50% lương, từ khoảng 45 triệu euro sau thuế, xuống còn 20 triệu euro. Song, cuối cùng vẫn không có cách giải quyết ổn thỏa.
Mới đây, La Liga ra thông báo bán 10% cổ phần cho CVC Capital Partners, quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Luxembourg. CVC trả cho ban tổ chức La Liga 2,7 tỷ euro (tương đương 3,2 tỷ USD) cho số cổ phần này. Sau đó, BTC La Liga sẽ chia số tiền này cho các CLB tham dự giải, theo tỷ lệ ăn chia từ bản quyền truyền hình và thứ hạng La Liga mùa trước.
Tuy nhiên, thay vì vui mừng với khoản tiền nhận được khoảng 270 đến 280 triệu euro, Barca cho rằng đây chẳng khác nào khoản vay ưu đãi trong vòng 40 năm. Phía Barca cho rằng hoạt động này phục vụ tốt cho La Liga, nhưng có thể là thiệt thòi cho các câu lạc bộ nếu những người bảo trợ truyền hình thay đổi trong những thập kỷ tới.
Sự phức tạp trong các hoạt động tài chính này khó có thể giúp Barca sớm thoát nợ trong tương lai gần, và đó cũng là lý do Messi cảm thấy e ngại.