Với Mourinho, Chelsea đang trở lại với hình ảnh từng đem về cho họ hàng triệu cổ động viên trên thế giới ưa thích sự lì lợm, lạnh lùng.Tuy nhiên, so với lần đầu đến Stamford Bridge, Mourinho giờ đây đã không còn những nguyên liệu hảo hạng phù hợp để đưa thứ bóng đá ấy đến tột đỉnh như trước.
Nhớ Bộ Tứ
Họ là những huyền thoại trong lòng người hâm mộ The Blues. Họ là những “chiến binh xanh” kỳ cựu nhất, xuất sắc nhất, gắn với những vinh quang lớn nhất. Trong suốt quãng thời gian dài Roman Abramovich trút tiền xuống Stamford Bridge, với hàng loạt những sự thay đổi về chiến lược phát triển, những cuộc thay máu từ huấn luyện viên cho đến cầu thủ, thì Bộ Tứ năm nào của Mourinho vẫn là biểu tượng cho một thời kỳ tươi đẹp, với cá tính rõ ràng, sức quyến rũ rất riêng, mà những phiên bản khác chưa bao giờ làm được. Chúng ta đang nói về trục xương sống của con quái vật xù xì, họ là Cech, Terry, Lampard, và Drogba.
Terry, Lampard, và Drogba. Ảnh: Internet |
Dĩ vãng chỉ là dĩ vãng. Ngày hôm nay, 3 trong 4 người vẫn ở đó, nhưng họ đã không còn là những trụ cột đỉnh cao không thể thay thế, không còn là tương lai của đội bóng nữa. Lampard là con bài chiến lược, nhưng tuổi tác đã lấy đi của anh hầu hết những tố chất tốt nhất của “Người không phổi”. Terry vẫn miệt mài, nhưng anh chỉ còn chơi được ở mức tròn vai, vừa đá vừa dìu dắt và chờ đợi những người kế tục. Chỉ có Cech vẫn còn nguyên giá trị ở vị trí thủ môn, song thêm một chấn thương nặng đã ập xuống đầu anh trong bối cảnh sớm muộn Chelsea cũng phải có sự chuẩn bị cho nhiều năm sắp tới, mà Courtois thì lại ngày càng xuất sắc, trưởng thành.
“Voi rừng” đã ra đi sau khi góp công lớn đem về chiếc cup Champions League 2012. Họ đã cùng nhau có được nó bằng chính bản sắc ban đầu của một Chelsea thực dụng, thô ráp, chứ không phải bằng thứ bóng đá tấn công bắt mắt nửa mùa được cố nhồi nhét trong vài năm qua. Không phải những tiền vệ nhỏ con lắt léo, lối đá bay bổng, mà chính những sát thủ cục mịch, những tảng đá ngoan cường, những cú đánh sắc ngọt đã nâng bước Chelsea đi vào lịch sử.Hôm nay, hệ thống ấy đã được Mourinho nhấn nút khởi động trở lại, nhưng mọi thứ chẳng còn như xưa.
Chelsea đi tìm bản ngã
Nếu có một cộng đồng nào đó tự coi là “yêu bóng đá đẹp”, có lẽ sẽ khó có thể đánh đồng fan Chelsea với họ được. Ai cũng muốn đội bóng của mình thắng, áp đảo, chơi thuyết phục, tuy nhiên mỗi đội lại có cá tính khác nhau, hình ảnh khác nhau, đó là cái hay của bóng đá. Thử dình dung nếu tất cả các đội đều chơi theo cùng một kiểu được cho là “tiêu chuẩn”, kết quả sẽ chỉ còn phụ thuộc ở chuyện ai nhiều ngôi sao hơn, và các cổ động viên cũng chẳng có cơ sở nào để lựa chọn tình yêu cho mình.
Trong muôn vàn các câu lạc bộ, điều làm Chelsea nổi bật lại không phải triết lý tấn công, sự khéo léo, mềm mại. Chelsea là phải cứng rắn, mạnh mẽ, có chút “vô cảm”, tinh khôn, lọc lõi, như một võ sĩ giác đấu với chiếc áo giáp bất khả xâm phạm và một cây kiếm nhọn hoắt, để đối phương húc tới chán chê rồi bất chợt xiên lại một đòn thô bạo. Những gì Mourinho đã xây dựng với thế hệ vàng của Bộ Tứ là rất đặc biệt, khiến rất nhiều người “đồng cảm” rồi yêu Chelsea say đắm, trở thành một lực lượng cổ động viên tuy mới nhưng rất đông đảo, rất trung thành. Họ yêu Chelsea vì “cái chất”, không chỉ vì những chiến thắng hay danh hiệu.
Jose Mourinho. Ảnh: Internet |
Mourinho trở lại cũng là lúc các fan The Blues hy vọng thấy lại cái chất của ngày xưa. Đó là một Chelsea của những trận thắng 1-0, của những kỷ lục giữ sạch lưới và số bàn thua tối thiểu, là nỗi ngao ngán của mọi hàng công, khiến biết bao đối thủ bất lực, khó chịu, cay đắng, thậm chí mạt sát chê bai nhưng chẳng làm gì được. Tiếc rằng, để lại được như thế, Chelsea cần một đội hình có chất lượng tương tự “thế hệ Drogba”.
Hiện nay, hàng thủ Chelsea đã bớt vững chắc đi một chút, còn nơi tuyến đầu, có lẽ cộng cả ba tiền đạo bây giờ lại cũng không có sức công phá bằng một mình Drogba lúc đỉnh cao phong độ. Còn đâu những cú đấm thép có thể xuyên thủng từ những tấm khiên dày đặc của các đội bóng yếu cho tới những phòng tuyến đẳng cấp của các đội bóng hàng đầu, từ Fulham, Wigan cho tới Barca, Bayern. Eto’o thì đã già rồi, Torres chẳng còn là ai nữa, Demba Ba năng lực có hạn. Sự đe dọa mà “Voi rừng” tạo ra theo mọi cách, từ mọi vị trí với nguồn năng lượng vô song đã theo anh đi sang đất Thổ thật rồi.
Đó mới chỉ là một phần vấn đề. Tuyến giữa của Chelsea cũng không còn khả năng đánh trực diện và khống chế thế trận tốt như thời Lampard còn “trai trẻ”. Nói đơn giản thì chưa có ai đủ sức thay Lampard cả, người thiếu cái này, người thiếu cái kia. Những nhân tố gây đột biến như Hazard, Oscar kỳ thực cũng chẳng phải mẫu cầu thủ sở trường của Mourinho. Họ có kỹ thuật cá nhân nhưng thiếu sức mạnh, thiếu khả năng kết nối với tiền đạo phía trên hoặc phía trong. Như Hazard, dù được xem là cầu thủ trẻ hay nhất mùa ở Premier League, thì sự thực anh vẫn chưa ở đẳng cấp của những “cao thủ solo” hay “cỗ máy càn lướt” thực thụ. Anh thường xuyên trở nên quanh quẩn, bí bách, vô hại khi bị áp sát bởi những hậu vệ khôn ngoan, to khỏe.
Mourinho vẫn sẽ bị chỉ trích bởi thua một đội ít tiền, ít sao hơn như Atletico. Nhưng nếu còn được tiếp tục tái tạo Chelsea, ông sẽ sớm định hình lại lực lượng theo hướng phù hợp với lối đá mình theo đuổi. Không thủ vững như núi, không công sắc như dao, nhanh như đạn, thì đó khó có thể là phiên bản hoàn chỉnh của một đội bóng dưới quyền Mourinho. Rồi một trục xương sống với Bộ Tứ Mới sẽ phải được hình thành, chỉ có như thế, con “quái vật xanh” mới lại có thể vươn mình sống dậy.