Thị trường chuyển nhượng mùa Đông sắp mở cửa và như thường lệ, nó hút những vị khách lắm tiền nhiều của sẵn sàng chấp nhận chơi những canh bạc đầy rủi ro.
1. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngày xưa vốn dĩ không chia ra làm 2 phiên Hè – Đông như hiện tại. Ngày xưa, các CLB mua bán quanh năm suốt tháng.
Tuy nhiên, có quá nhiều người cảm thấy việc các CLB nhà giàu có thể mua cầu thủ bất kỳ thời điểm nào tạo nên một môi trường bóng đá mất công bằng và cân bằng nghiêm trọng.
Hãy cứ thử tưởng tượng viễn cảnh này: Một CLB nhỏ bỗng dưng đào tạo ra một siêu sao làm rung chuyển cả giải đấu. Tuy nhiên, họ chưa kịp tận dụng hết tài năng của cầu thủ này đã lập tức bị một gã nhà giàu nào đó mua mất.
Đó chính là lý do người ta chia thị trường chuyển nhượng thành 2 phiên. Tuy nhiên, sự thiếu công bằng thực tế vẫn đang tồn tại.
Tháng 1/2013, HLV Arsene Wenger từng đề nghị ban bố lệnh hạn chế mua sắm vào phiên chợ Đông. Giáo sư cho rằng, một CLB chỉ được phép mua tối đa 2 cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng.
Đề xuất của Wenger thực tế rất đáng để tâm. Thường thì để BLĐ một đội bóng xuất tiền mua cầu thủ, họ phải tính toán được thu chi trong mùa giải đó.
Tuy nhiên phiên chợ Đông diễn ra giữa mùa bóng khiến cho những đội bóng còn chưa biết lời lãi ra sao (như Arsenal chẳng hạn) không dám vung tay quá trán.
Trong khi đó, những CLB nhà giàu như Man United, Real Madrid, Chelsea thì chẳng bao giờ phải nghĩ ngợi về chuyện lời lãi.
Trong phiên chợ Đông, họ vẫn dám chi ra những số tiền khổng lồ để mua cầu thủ, mà chính sự kiện Man United vừa gạ mua lại Gareth Bale từ Real Madrid với mức giá… 120 triệu bảng là một ví dụ.
Vậy rốt cuộc người ta chia thị trường chuyển nhượng ra làm 2 giai đoạn để làm gì khi sự công bằng cuối cùng vẫn chỉ là lý thuyết?
Có công bằng hay không khi một CLB sống dựa rất nhiều vào ngôi sao của đội bóng suốt nửa đầu mùa giải, nhưng đến tháng Một thì bị đội bóng khác cướp mất. Nửa còn lại của mùa bóng họ sống bằng điều gì?
2. Mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông thực tế cũng không hẳn là một giải pháp khôn ngoan. Thường thì những cầu thủ sau khi đã bị chặng lượt đi bào mòn thể lực, rất khó hòa nhập với tập thể mới.
Ngay cả CLB bỏ tiền ra mua cũng chấp nhận rủi ro khi lối chơi của họ đã vận hành ổn định thì lại phải thay đổi phù hợp với tân binh.
Thực tế đã chứng minh, những thương vụ bom tấn trong chợ Đông cho đến bây giờ vẫn rất ít khi thành công.
Chúng ta có thể nhắc đến vài ví dụ điển hình: Fernando Torres về Chelsea với giá 50 triệu bảng. Anh trở thành cầu thủ gây thất vọng bậc nhất lịch sử chuyển nhượng dưới thời Roman Abramovich.
Juan Mata về Man United mùa Đông năm nay. Thực tế, đóng góp của anh vẫn là rất hạn chế. Andy Carroll từ Newcastle tới Liverpool mùa đông 2011. Anh mất hút tại Anfield. Robbie Keane đến Liverpool mùa Đông 2009. Anh bán xới sau 6 tháng.
Có quá nhiều rủi ro trong phiên chợ Đông khiến ngay cả những kẻ muốn làm lệch đi cán cân công bằng của thế giới túc cầu có lẽ cũng cảm thấy e dè.
Và với quá nhiều kinh nghiệm xương máu, có lẽ cũng đừng chờ đợi nhiều những bản hợp đồng bom tấn trong phiên chợ Đông 2015 lần này.