Một thời gian rất dài, chúa tể của những bàn thắng là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Nhưng hiện tại, các trung phong đang dần hồi sinh để lấy lại phận sự vốn có suốt trăm năm qua.
Xuyên suốt lịch sử bóng đá, phận sự săn bàn thuộc về vị trí trung phong đã trở thành khái niệm phổ thông tới mức mặc định.
Thế nên, khi thập niên 2000 bỗng xuất hiện một Emile Heskey lười nhác thực thi phận sự, tiền đạo này trở thành đề tài mổ xẻ và tranh luận sôi nổi của giới chuyên môn.
Câu chuyện bị đẩy xa đến mức chân sút từng ghi… 7 bàn sau 62 trận cho đội tuyển Anh, 39 bàn sau 150 trận tại Premier League cho Liverpool phát bực và tuyên bố: “Tại sao tiền đạo phải ghi bàn?”.
10 năm sau, bước sang thập niên 2010, câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn ấy của Heskey bỗng nhiên trở thành châm ngôn thâm sâu và giàu tính triết lý.
Tiền đạo tại sao phải ghi bàn nếu đội tuyển Tây Ban Nha thậm chí sử dụng sơ đồ không tiền đạo vẫn bảo vệ được chức vô địch châu Âu vào năm 2012?
Tiền đạo tại sao phải ghi bàn khi trung phong Giroud chẳng một lần làm tung lưới đối phương suốt 7 trận đấu vẫn góp công đưa đội tuyển Pháp đến chức vô địch World Cup 2018?
Và tiền đạo tại sao phải ghi bàn khi đã có những cỗ máy săn bàn như Messi và Ronaldo, những tiền đạo cánh nghịch chân đã thống trị bóng đá thế giới hơn 10 năm qua?
Thập niên 2010 chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của hai tiền đạo cánh là Messi và Ronaldo
Lật ngược vấn đề, cũng chính sự xuất chúng của Messi hay Ronaldo chính là một phần nguyên nhân khiến các tiền đạo cổ điển bị lu mờ. Tại M.U, Rooney chỉ là kép phụ của Ronaldo. Sang Real Madrid, CR7 tìm thấy Rooney mới là Benzema.
Messi cũng “chẳng vừa”. Siêu sao người Argentina buộc những tiền đạo thuộc hàng trứ danh bậc nhất thập niên 2000 phải dạt biên để sinh tồn ở Nou Camp. Đó là Thierry Henry, Samuel Eto’o và David Villa.
Ibrahimovic không chấp nhận nhún mình nên chỉ khoác áo Barca đúng 1 mùa. Higuain đòi cạnh tranh với Ronaldo nên sớm bị tống khứ khỏi Santiago Bernabeu.
Bên cạnh đó, xuất hiện một làn sóng những tiền đạo “chân gỗ” vẫn được chấp nhận như lẽ tất yếu. Ngoài Giroud còn có thể kể đến Alvaro Morata, Roberto Firmino
Tóm lại, giá trị và vai trò săn bàn của các trung phong hay rộng hơn là các tiền đạo cổ điển trong thập niên 2010 đã bị vơi đi ít nhiều. Đến mức xuất hiện suy nghĩ không cần tiền đạo vẫn có thể ghi bàn, vì đã có tiền đạo cánh, tiền đạo ảo hay dị biệt hơn nữa là đã có tiền vệ công như tuyển Tây Ban Nha tại EURO 2012.
Sự phôi pha ít nhiều vai trò săn bàn của các trung phong trong thập niên 2010 phần nào phác họa bước tiến hóa của chiến thuật trong môn thể thao vua.
Sơ đồ 4-4-2 với công thức tiền vệ biên nhồi bóng cho tiền đạo trở nên lỗi thời và dần thịnh hành sơ đồ 3 tiền đạo.
Ở sơ đồ mới, vai trò trung phong không đơn thuần chỉ là rình rập trong vòng cấm hay lằn ranh việt vị của đối phương để ghi bàn. Một tiền đạo cắm tân kỳ phải biết làm tường, phải biết gây áp lực, phải biết di chuyển kéo giãn hàng phòng ngự và đôi khi cả tắc bóng khi cần thiết.
Đặc trưng của tiền đạo ở thập niên 2010 là khả năng phối hợp cả trong phòng ngự lẫn tấn công
Trước biến chuyển của thời đại, một bộ phận tiền đạo kiểu cũ không thể thích ứng và một bộ phận khác phải thay đổi để thích ứng.
Tuy nhiên, dù thay đổi hay biến chuyển kiểu gì, vai trò tối thượng của từng vị trí không thể tráo đổi. Một trung vệ ngày nay được yêu cầu biết phối bóng như tiền vệ trung tâm nhưng trước hết vẫn phải biết tắc bóng, tranh chấp tay đôi v.v.
Tương tự, trên hàng công, nhiệm vụ săn bàn sau cùng vẫn thuộc về tiền đạo, cầu thủ hoạt động gần vòng cấm đối phương nhất. Và thực tế cho thấy bổn phận săn bàn đang dần trở về với đúng chủ: những trung phong.
Bằng chứng nhãn tiền chính từ bộ đôi quyền lực Messi và Ronaldo. Messi chỉ ghi 4 bàn sau 9 trận tại La Liga mùa này, và cả 4 đều từ chấm phạt đền, phần vì phong độ phập phù, phần vì siêu sao người Argentina hoạt động khá xa khung thành đối phương và lãnh nhiều trách nhiều phân phối và phát động hơn.
Ngược lại, Ronaldo vẫn duy trì hiệu suất ghi bàn ổn định trong màu áo Juventus, với 8 bàn chỉ sau 5 trận tại Serie A, vì CR7 không còn là tiền đạo cánh như trước đây mà từ lâu đã chuyển hóa thành một trung phong thực thụ.
Tại Ngoại hạng Anh, giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh lại chứng kiến sự bùng nổ trên mặt trận tấn công của một loạt gương mặt mới là tiền đạo theo phong cách cũ.
Đó là Dominic Calvert-Lewin, chân sút đang dẫn đầu danh sách ghi bàn với 10 pha lập công và vẫn được ví von là Inzaghi của Ancelotti. Đó là Patrick Bamford, tiền đạo chủ lực của Leeds United và Marcelo Bielsa với 7 lần làm tung lưới đối phương.
Calvert-Lewin, chân sút đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại Ngoại hạng Anh vẫn được so sánh với Inzaghi
Ngoài ra còn có thể kể đến Son Heung Min. Vốn là tiền đạo biên nhưng dưới sự dẫn dắt của Mourinho, cầu thủ người Hàn Quốc đang thi đấu bùng nổ trong vai trò đá cặp tiền đạo với Harry Kane.
Điều đáng nói, sự trở lại của những trung phong không hề là hiện tượng nhất thời. Tại Ngoại hạng Anh mùa trước, rất nhiều tiền đạo đóng góp quá 1/3 số bàn thắng của toàn đội.
Danny Ings ghi 22 bàn, chiếm 43% số bàn thắng của Southampton; Teemu Pukki ghi 11 bàn, chiếm 42% số bàn thắng của Norwich; Aubameyang ghi 22 bàn, chiếm 39% số bàn thắng của Arsenal; Jamie Vardy ghi 23 bàn, chiếm 34% số bàn thắng của Leicester City.
Mùa này, những Danny Ings (5 bàn) hay Vardy (8 bàn) vẫn duy trì hiệu suất ổn định. Duy chỉ có Aubameyang giảm sút hiệu suất (mới chỉ có 2 bàn) vì ngày càng đóng đinh ở vị trí tiền đạo biên trái.
Một minh chứng khác cho thấy dòng chảy chiến thuật đang đem những trung phong săn bàn trở lại là hình ảnh trái ngược của Martial và Cavani tại M.U. Tiền đạo cánh người Pháp vụng dại bao nhiêu thì trung phong người Uruguay lại thính nhạy và tinh tế bấy nhiêu trước khung gỗ.
Ngoài ra, từ Bundesliga, giới chuyên môn choáng váng, giới mộ điệu phát sốt trước một Erling Haaland ghi bàn đều như vắt chanh và dễ như ăn kẹo.
Thực ra, bóng đá thế giới chưa bao giờ thiếu những trung phong giỏi săn bàn như Cavani, vì còn có Luis Suarez, Zlatan Ibrahimovic, Robert Lewandowski v.v. vấn đề như đã đề cập là vai trò và tầm ảnh hưởng họ bị che mờ bởi dòng chảy chiến thuật và sự xuất chúng quá đỗi của Messi và Ronaldo.
Nhưng Messi và Ronaldo không thể ngày nào cũng ra sân, thế nên đôi khi chứng kiến những tay săn bàn vụng dại, những người ưa hoài niệm không khỏi nhung nhớ thời kỳ trăm hoa đua nở của các tiền đạo trứ danh và mỗi người đều có phong cách rất riêng.
Bây giờ, có lẽ đã đến lúc trả những trung phong về lại đúng phận sự săn bàn cao quý đã gắn bó với họ suốt trăm năm lịch sử túc cầu.