Có lẽ Welbeck không phải là cầu thủ được ưa thích rộng rãi ở Manchester United, cho dù anh là người Manchester và là sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Thậm chí, cùng với những Tom Cleverley và Valencia, anh còn bị liệt vào trong danh sách những cầu thủ góp phần làm United trở nên bết bát như ngày hôm nay, còn bị đem ra làm trò cười cho fan United cũng như các fan đội khác. Nhưng thật sự liệu cầu thủ 23 tuổi có tệ hại đến như vậy?
Tiền đạo thường được đánh giá trên bàn thắng. Có lẽ bóng đá rất đơn giản: thủ môn thì cứu thua, hậu vệ thì tắc bóng với phá bóng, tiền vệ thì chuyền và chạy đuổi theo đối thủ, tiền đạo thì ghi bàn, phải không? Không hẳn vậy. Những người như Rinus Michels, Arrigo Sacchi, Valeriy Lobanovskyi,…và những tấm gương của Barcelona và Bayern Munich trong thời hiện đại này đã dạy cho chúng ta rằng: nỗ lực của toàn đội trong mọi giai đoạn của trận đấu mới làm nên chiến thắng. Bây giờ, những hậu vệ phải đóng góp trong giai đoạn tấn công, những tiền đạo cũng phải lui về khi đội nhà mất bóng…Cách nhìn một cầu thủ đã trở nên đa dạng hơn, không còn và không thể bị gói gọn lại trong một “nhiệm vụ” đơn giản duy nhất nào đó nữa. “Tiền đạo” thường được trông đợi ghi bàn, vì họ là những người gần khung thành đội bạn nhất, nhưng nếu chỉ đánh giá qua những số liệu thông thường thì không thể nào chính xác hoàn toàn. Chúng ta rất dễ bị đánh lừa bởi số liệu – vả lại, nếu chỉ dựa vào số bàn thắng ghi được để đánh giá “tiền đạo”, một cầu thủ “số 9 ảo” sẽ phải được đánh giá ra sao?
Welbeck chưa phải là một ngôi sao. Ảnh: Internet |
Quay trở lại vấn đề Welbeck. Số bàn thắng của anh ít, đó là sự thật. Anh có nhiều pha xử lí vụng về, nhiều khi ngớ ngẩn trên sân, điều đó cũng rất đúng. Nhưng vấn đề này tôi sẽ bàn đến ở sau. Ở đây, tôi muốn nói rằng có lẽ chúng ta đã quá tập trung vào những điều này mà quên đi mất những điểm mạnh của Welbeck. “Cậu ta là tiền đạo, cậu ta phải ghi bàn” Một cầu thủ mà không biết ghi bàn thì không phải là điều gì hay ho cả, nhưng anh ta còn đóng góp gì cho lối chơi chung?
Welbeck chưa phải là ngôi sao của đội, chưa phải là hạt nhân trong lối chơi của Man Utd, nhưng những đóng góp của chàng cầu thủ trẻ này cho đội bóng là rất tích cực. Về mặt thể chất, anh có thể tranh chấp bóng bổng, có thể bứt tốc và có thể lực tốt, sẵn sàng làm việc với cường độ cao. Còn về mặt chiến thuật, ấn tượng đầu tiên về Welbeck là tỉ lệ chuyền bóng thành công cao. Theo các thông số từ trang whoscored.com: trong mùa giải 2011/2012, tỉ lệ chuyền thành công của Welbeck tại đấu trường Ngoại hạng Anh là 86,4%, tới mùa giải 2012-2013 là 86,8% và trong mùa giải 2013-2014, tính tới nay tỉ lệ này là 87,7%. Những con số này rất ấn tượng, khi ta đã biết Welbeck thường xuyên chơi ở vị trí cao trên sân, cho dù là tiền đạo hay được xếp ở cánh – lúc đó, rất khó để giữ được bóng cũng như có thể tìm thấy đồng đội. Có thể anh không phải là mẫu cầu thủ sẽ tung ra những cú chọc khe sắc lẹm hay những pha phất bóng dài tuyệt vời, nhưng với tỉ lệ chuyền cao như vậy, Welbeck có thể giữ nhịp tấn công, giúp United giữ bóng tốt để tạo áp lực liên tục lên đối phương, hay ít nhất là có thể giúp đội tuyển Anh – một đội bóng không có nhiều cầu thủ biết chuyền ngắn giữ nhịp.
Thêm nữa, Welbeck còn là cầu thủ có tư duy chiến thuật tốt. Trận đấu với Real Madrid trước đây là một ví dụ: Welbeck đã khóa chặt Xabi Alonso một cách thông minh, bằng cách di chuyển hợp lí để “bỏ đói” Alonso, chặn các hướng chuyền tới nhạc trưởng của Real, đồng thời sẵn sàng băng lên phía trước tham gia phản công. Kết quả là trong hiệp một, Alonso chỉ có 20 lần chạm bóng, một con số quá thấp với nguồn sáng tạo của đội bóng Hoàng gia. Khả năng phòng ngự một cách đầu óc đó, kết hợp với thể lực tốt, khiến Welbeck trở thành một quân bài chiến thuật rất có giá trị. Bên cạnh đó, khi United tấn công, Welbeck có thể di chuyển lùi xuống hoặc vào trong (nếu ở cánh), tạo những tam giác phối hợp, hỗ trợ đợt hãm thành của đội bóng áo đỏ: ví dụ như cách anh phối hợp với Valencia khoét vào cánh phải của Aston Villa, làm cả trung vệ Nathan Baker phải khổ sở, hay ban bật cùng Januzaj để hạ gục West Ham – một trong những trận đấu hiếm hoi của mùa giải này mà Man Utd thực sự thi đấu trơn tru, dù hai đối thủ yếu hơn.
Welbeck còn là cầu thủ có tư duy chiến thuật tốt. Ảnh: Internet |
David Moyes có thể không thích dùng Welbeck do ông ưa những cầu thủ trực diện, kỉ luật, bám chặt không gian mà mình được giao thay vì di chuyển tự do hơn, nhưng có một điều rõ ràng là khi những Welbeck và Kagawa, tức là những nhân tố “tự do” liên tục chạy chỗ để hỗ trợ cho cầu thủ có bóng cũng như mạch tấn công của đội, United chơi tốt hơn nhiều và lấy lại phần nào dáng dấp lối chơi ngày xưa.
Việc Welbeck không ghi được bàn quả thật là một vấn đề. Nhưng không thể bỏ qua một yếu tố: Welbeck ít khi được ra sân. Mùa trước, Welbeck chỉ có 13 lần đá chính ở Ngoại hạng Anh và 14 lần vào sân từ băng ghế dự bị. Robin van Persie là một tiền đạo cực kì xuất sắc, Wayne Rooney cũng vậy, và cả hai đã hợp thành một cặp đôi hay, nhưng việc đưa van Persie về không chỉ khiến Welbeck thân thiết hơn với ghế dự bị mà còn tước đi cơ hội song hành của Welbeck – Rooney chơi rất ăn ý và gợi nên sự so sánh với Yorke – Cole. Chúng ta có thể thấy Welbeck tỏ ra khá cẩu thả khi chạm bóng lần đầu hoặc dứt điểm – rất có thể đó là do sự lo lắng, sợ sệt. Anh không có nhiều thời gian thể hiện. Nhưng mà Welbeck đâu phải là không biết ghi bàn một chút nào? Mùa giải này, tại đấu trường Ngoại hạng Anh, anh đã đá chính từ đầu 12 trận, vào sân từ ghế dự bị 6 lần và đã có 9 bàn – một thành tích không đến nỗi nào. Với lại, Welbeck vẫn còn trẻ, và không phải huyền thoại nào cũng vụt sáng làm ngôi sao từ những năm khởi đầu của sự nghiệp.
Welbeck có thể sẽ không trở thành một siêu sao hay một huyền thoại. Nhưng anh sẽ trở thành một cầu thủ tốt. Anh có tiềm năng, đã thể hiện phần nào bản thân mình ở các đấu trường cấp cao. Tất cả những điều còn lại là một huấn luyện viên hoặc một hình mẫu tốt để Welbeck học tập, định hình và phát triển bản thân. Với một cầu thủ trẻ tuổi, tiềm năng mà lại còn là người địa phương, tại sao lại không cho anh ta cơ hội cơ chứ?