Kết quả cuộc đua Quả bóng Vàng FIFA 2013 đã được công bố 3 ngày nhưng những tranh cãi vẫn chưa thể lắng xuống. Phải chăng, đó chỉ là cuộc thi theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ” khi FIFA chưa thể đưa ra tiêu chí bình chọn rõ ràng…?
Lâu nay, dân gian vẫn có câu “So bó đũa, chọn cột cờ”. Ý chính của câu thành ngữ này là trong bó đũa thường là sàn sàn nhau, tìm xem có cái nào nhỉnh hơn thì chọn lấy làm cột cờ. Nhưng cũng có người lại cho rằng “đũa thì làm sao mà làm cột cờ được”. Thế mới sinh ra “khẩu phục mà tâm không phục”.
Suy rộng ra, câu thành ngữ trên có nghĩa trong quần thể không có cá thể nổi trội, vẫn phải chọn một cá thể hơi nhỉnh hơn một chút để làm cái tiêu biểu. Trong tình cảnh ấy, dễ nảy sinh những tranh cãi theo kiểu “chẳng qua, chiếc đũa ấy được chọn vì không còn chiếc đũa nào to hơn mà thôi!”.
Ở góc độ nào đó, câu thành ngữ trên đã lột tả bản chất cuộc đua Quả bóng Vàng FIFA 2013. Theo định nghĩa của FIFA và tạp chí France Football, giải thưởng trên được sáng lập nhằm tôn vinh cầu thủ có màn trình diễn ấn tượng nhất trong năm đấu trước đó. Ở bất cứ cuộc đua nào, yếu tố đầu tiên cần được nhắc tới là tiêu chí bình chọn. Vậy FIFA lấy tiêu chí gì để bình chọn danh hiệu Quả bóng Vàng? Đó đơn giản là sự mơ hồ, được gói gọn trong 2 chữ “tốt nhất”.
Do không có tiêu chí rõ ràng, cuộc đua Quả bóng Vàng FIFA 2013 đã mở ra 3 hướng bình chọn hoàn toàn riêng rẽ. Người thích danh hiệu thì chọn Franck Ribery, nhân tố quan trọng làm nên cú ăn 3 lịch sử cho Bayern Munich. Người thích màn trình diễn cá nhân thì chọn Cristiano Ronaldo, ngôi sao đã ghi tới 69 bàn thắng trong năm 2013. Phần còn lại, trung tính hơn thì nhắm Lionel Messi, người đảm bảo sự cân bằng giữa thành tích và danh hiệu trong năm đấu vừa qua.
Xét thành tích và màn trình diễn cá nhân trong năm 2013, rõ ràng cả Ribery, Cris Ronaldo và Messi đều ngang tài bởi họ đều có những điểm mạnh đủ để lấn át lí trí và tình cảm của các lá phiếu. Có nghĩa rằng ở cuộc đua năm nay, không có cá nhân nào thực sự nổi trội đến mức NHM có thể đoán trước danh tính người thắng cuộc như các cuộc bình chọn trước đó.
Chẳng bởi thế mà Chủ tịch UEFA, ông Michel Platini đã từng khẳng định “Đây là cuộc đua căng thẳng và khó dự đoán nhất trong lịch sử Quả bóng Vàng”. Lo ngại của Platini hoàn toàn dễ hiểu bởi thể lệ bình chọn của danh hiệu này đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi nó chuyển nhượng từ tay tạp chí France Football sang tay FIFA.
Từ cuộc đua do các nhà báo bình chọn, danh hiệu QBV đã thuộc về số đông khi có sự góp mặt của các đội trưởng và HLV các đội tuyển quốc gia trên toàn thế giới. Thậm chí, có những quốc gia còn tự hỏi Ribery là ai? Anh ta đã làm được gì với bóng đá thế giới trong năm 2013? Một số người cẩn thận hơn thì gõ tên tiền vệ người Pháp lên wikipedia để tra cứu trước khi bỏ lá phiếu quyết định.
Nếu vẫn áp dụng thể lệ bình chọn cũ (nhà báo bình chọn), Ribery đã là người thắng cuộc. Đó là điều dễ hiểu bởi những chuyên gia bóng đá thực thụ luôn đánh giá dựa theo lí trí, họ dựa phần nhiều vào mối quan hệ mật thiết giữa vai trò cá nhân và tập thể. Nói như nhà báo Paolo Condo (Italia) “cá nhân dù có nổi trội tới đâu mà không mang tới thành công cho tập thể thì cũng là cá nhân xoàng xĩnh”. Và ông đã bỏ lá phiếu số 1 cho Ribery!
Kết quả chung cuộc không mang tới sự lòng cho cá nhân Paolo Condo và rất nhiều “cử tri” khác bởi Ribery chỉ về thứ 3. Nó cho thấy cuộc đua QBV FIFA 2013 không hề có 1 cá nhân thực sự nổi trội như định nghĩa của FIFA về giải thưởng này.
Ở cuộc bình chọn năm trước cũng vậy, Lionel Messi đã về nhất bởi anh đã ghi tới 91 bàn, thành tích mà chưa huyền thoại nào lập được trong quá khứ. Nhưng xét mặt thành tích ở mùa giải 2011-12, tiền đạo người Argentina chỉ sở hữu danh hiệu cúp Nhà Vua cùng Barca. Thế nên, danh hiệu QBV thứ 4 của El Pulga vẫn gây ra những tranh cãi vô tận.
Duy chỉ có ở mùa giải 2008-09, Messi xứng đáng giành danh hiệu QBV khi là nhân tố quan trọng giúp Barca giành cú ăn 6. Năm đó, El Pulga cũng có tới 38 bàn thắng trên mọi đấu trường cùng đội bóng xứ Catalan. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, cuộc đua QBV lại gây ra những tranh cãi khi Wesley Sneijder, người vừa giành cú ăn 3 cùng Inter và đưa Hà Lan vào CK World Cup 2010, bị loại khỏi vòng chung khảo. Một lần nữa, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể lại tạo nên những xung đột ở cuộc đua QBV.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng QBV chỉ thực sự không tranh cãi khi người thắng cuộc vươn tới sự hoàn hảo cả về thành tích cá nhân lẫn danh hiệu tập thể. Đây là điều không hề đơn giản với bóng đá hiện đại.
Bởi vậy, giải thưởng QBV vẫn sẽ là cuộc đua theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ” nếu FIFA không tìm ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho người thắng cuộc. Không thể nói Messi, Ronaldo không xứng đáng nhưng người ta vẫn sẽ tiếc nuối và khóc cho những cá thể như Sneijder hay Ribery… Khi FIFA chưa thay đổi, QBV vẫn còn là cuộc đua của những tranh cãi vô tận
…