Bundesliga, giải đấu luôn bị Ngoại hạng Anh coi thường, đang tạo dấu ấn mãnh liệt trên băng ghế chỉ đạo khi với sự xuất hiện của Rangnick, quá trình Đức hóa Premier League tiến thêm một bước mạnh mẽ.
Quyết định rút lui của Michael Carrick đã nhường toàn bộ sân khấu Old Trafford cho Rangnick. Ngoài những lý do khác, Carrick có vẻ cũng lường trước được rằng ông không phù hợp với một triết lý hoàn toàn khác xa với những gì mình biết trước đây.
Thực tế là trong 15 năm của Carrick tại MU, ông đã chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của bóng đá. Nhưng sự chứng kiến ở đây chỉ với tư cách khán giả, Carrick hay MU không thực sự chuyển mình theo thời đại nếu chỉ thay mỗi mình HLV. Quỷ đỏ cần một cuộc cách mạng toàn diện và vì thế họ mới cậy nhờ Rangnick.
Rangnick đến và người hâm mộ chợt nhận ra có một điểm trùng hợp thú vị. Cả 4 HLV của 4 CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh đều có liên quan tới Bundesliga. Trong đó, 3 người là người Đức, còn Pep Guardiola thì có tới 3 năm dẫn dắt Bayern.
Rangnick đến muộn nhất trong số này nhưng có lẽ là người tiên phong của bóng đá Đức hiện đại. Chính ông chứ không ai khác thay đổi toàn bộ cách xem bóng đá của người Đức khi thể hiện ý tưởng chiến thuật của mình bằng một tấm bảng trắng và những viên nam châm đại diện cho cầu thủ.
"Thu hẹp không gian", "tạo ra quá tải"... - những thuật ngữ của bóng đá hiện đại nhưng xa lạ ở Đức vào cuối thập niên 90, đã được Rangnick chia sẻ trên sóng truyền hình.
Khoảng cách giữa thiên tài và "gã hâm" rất mong manh với Rangnick
Đa số mọi người không hiểu, hoặc không muốn hiểu những gì Rangnick nói vào thời điểm đó nên mới đặt biệt danh cho ông là "giáo sư bóng đá", với ý nghĩa châm biếm nhiều hơn là ca tụng. Nhưng thời gian chứng minh ai mới là người đúng ở đây.
Khác xa bóng đá truyền thống, phong cách của Rangnick là giải thích rõ ràng, chi tiết về kế hoạch và cách thi đấu, giúp rất nhiều cầu thủ đạt tới phong độ đỉnh cao và thậm chí, phát huy hết tiềm năng của mình.
Triết lý Rangnick tác động trực tiếp tới Thomas Tuchel, người mà chính ông đã kéo ra từ một quán bar ở Stuttgart để dẫn dắt theo nghiệp HLV.
Hay như Jurgen Klopp, chưa bao giờ là học trò của Rangnick nhưng thừa nhận chịu nhiều ảnh hưởng từ "Bố già".
Klopp và Tuchel chịu ảnh hưởng lớn của Rangnick
Và cuối cùng là Pep Guardiola. Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng Pep mang tiki-taka tới "khai sáng" Bayern và Bundesliga. Ngược lại hoàn toàn, Pep chưa bao giờ muốn Hùm xám bắt chước Barca, đồng thời thừa nhận mình học được nhiều từ bóng đá Đức hơn là đóng góp. Nói cách khác, Bundesliga là bước đệm hoàn hảo để Pep đi từ bóng đá Tây Ban Nha sang môi trường nước Anh.
Niềm tin của Rangnick trong nghiệp huấn luyện là "30% đào tạo và 70% giao tiếp xã hội". Nói cách khác, thay vì lối chơi hay phong cách tiếp cận trận đấu bề nổi, cái Rangnick đeo đuổi trong sự nghiệp chính là tìm ra cách để đả thông tư tưởng của cầu thủ. Tăng cường sự tương tác cũng chính là thứ mà người hâm mộ chứng kiến nhiều ở Tuchel, Klopp hay Pep.
Ý tưởng của người Đức, thông qua hầu hết các triết lý, là quá trình dẫn tới kết quả - một niềm tin thường bị phủ nhận ở bóng đá Anh. Khác với Ole Solskjaer khi dù cùng đề cao khẩu hiệu "quá trình là tất cả", Rangnick hay những đồng nghiệp đến từ Bundesliga của mình biết rõ sẽ phải đi đến đâu, và bằng cách nào?
Giờ đây, những người Đức đang lấy lại vị thế và đi tiên phong trong việc khai phá những vùng đất mới trong tư duy bóng đá. Đây rõ ràng đang là xu thế thống trị thế giới, và MU không còn cách nào khác ngoài nhập cuộc chơi. Vào 21h00 tối nay, mọi thứ sẽ bắt đầu từ cuộc chiến với Crystal Palace.