Tiền đạo Danny Welbeck là đề tài đinh của trận cầu giữa Arsenal và Man City cuối tuần này, nhất là sau khi anh ghi 2 bàn giúp tuyển Anh đánh bại Thụy Sỹ trên sân đối phương ở vòng loại EURO 2016.
Tiền đạo Danny Welbeck trong màu áo ĐT Anh
Công bằng mà nói, một cầu thủ ở đẳng cấp Welbeck hiện nay thậm chí không đủ sức được Man City tuyển mộ. Nhưng với Arsenal, Welbeck lại là niềm hy vọng cực lớn trong bối cảnh họ không có tiền đạo giỏi, còn HLV Arsene Wenger cứ làm như giới hâm mộ là trẻ con khi ca ngợi Welbeck như thể Pháo thủ đã tìm được Thierry Henry mới.
Henry là tiền đạo số một trong lịch sử Arsenal và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Henry ghi rất nhiều bàn thắng cho Arsenal nhưng đây không phải là chân sút hiệu quả hàng đầu nếu xét về số cơ hội tạo ra và số bàn thắng ghi được. Welbeck cũng tương tự. Cựu cầu thủ M.U đạt hiệu suất 1 bàn/4,5 trận ở M.U và Sunderland, 1 bàn/4 trận ở Preston North End. Ở tuyển Anh, Welbeck khá nhất (xấp xỉ 1 bàn/3 trận) nhưng vẫn chưa có được vị trí đá chính.
Nếu so sánh với Henry (từng 4 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới Premier League), Welbeck còn cách xa một trời một vực. Chưa bao giờ cầu thủ này ghi 10 bàn/mùa ở Premier League, dù cũng phải nhắc đến chi tiết trong 90 lần thi đấu cho M.U có đến 52 lần Welbeck vào sân từ ghế dự bị. Ngoài ra anh thường được bố trí đá cánh thay vì là trung phong cắm như vai trò yêu thích của Henry ở Arsenal.
Welbeck giờ đây lại trở thành niềm hy vọng của Arsenal
Tuy nhiên, cũng đừng quên Henry chỉ là cầu thủ cánh ở tuyển Pháp và Juventus trước khi được Wenger biến thành tiền đạo cắm xuất sắc ở Arsenal. Giới hâm mộ kỳ vọng Wenger cũng có thể làm điều tương tự với Welbeck. Cựu cầu thủ M.U có tốc độ và sức mạnh giống Henry, nhưng theo cựu danh thủ Arsenal - Martin Keown thì sự khác biệt lớn nhất là Henry có cảm giác bóng và kỹ thuật chạm bóng vô cùng tinh tế và hiệu quả. Trong khi đó, kỹ năng chạm và xử lý bóng của Welbeck còn nhiều hạn chế. Đây là điểm yếu chung của các tiền đạo Anh nếu so với tiền đạo của các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan…
Tiền đạo Hà Lan thường chạm bóng theo kiểu “hai trong một”, nghĩa là vừa khống chế đồng thời quả bóng sẽ nảy ra ở khoảng cách và vị trí thích hợp để tiền đạo ấy hoặc dứt điểm ngay hoặc ít nhất cũng loại được một hậu vệ kèm cặp, như Dennis Bergkamp. Tiền đạo TBN khi chạm bóng luôn có khả năng dứt điểm một chạm cực nhanh, hiểm hóc và chính xác tuy không cần lực sút quá mạnh, như Raul Gonzalez. Còn tiền đạo Pháp khi chạm bóng sẽ tạo độ xoáy cho bóng kết hợp với những pha xoay người, bứt tốc chớp nhoáng dễ dàng vượt qua sự truy cản của một, hai hậu vệ và thế là cơ hội ghi bàn mở ra, như Henry.
Theo Henry thì một cú chạm bóng (touch) có giá trị lớn trong bóng đá tương tự phát kiến chạm (cũng là touch) làm thay đổi hẳn bộ mặt công nghệ vi tính, điện thoại, điện tử, viễn thông thời đại kỹ thuật số. “Chạm” vừa là kỹ thuật đến từ rèn luyện, vừa là cảm giác, cũng vừa là bản năng hoặc sự thính nhạy tạo nên khác biệt ở những tiền đạo hàng đầu và những cây săn bàn bẩm sinh.
Welbeck sẽ tập dần kỹ năng “chạm” ở Arsenal, đội bóng cần một tiền đạo cắm thượng thặng để trở thành nhà vô địch Anh. Nếu “chạm” thuần thục, Welbeck sẽ chạm vào hiện tại và tương lai tươi sáng của Arsenal, nhưng đây thật sự là thử thách rất lớn và khó cho cả Welbeck, Wenger cũng như Pháo thủ.