Bóng đá phòng ngự có thể là một nghệ thuật, nhưng không bao giờ là thứ nghệ thuật có thể đẩy bóng đá đến giới hạn. Jose Mourinho có thể là một bậc thầy của bóng đá phòng ngự, nhưng có lẽ ông không bao giờ là bậc thầy của bóng đá hiện đại.
Không thể chỉ trích bóng đá phòng ngự
Hãy nhớ lại buổi họp báo của Carlo Ancelotti trước trận bán kết lượt về với Real Madrid. Với hầu hết công chúng, catenaccio là một thứ xấu xa. Đây là hệ thống phòng ngự hai tầng (ngoài lớp phòng ngự cổ điển còn có lớp phòng ngự bọc lót) được phát triển tại Thụy Sĩ vào thập niên 1930 và cực kỳ phổ biến ở Italia những năm 1980. Với người Ý, đó là niềm tự hào: “Tôi là người Ý, và chúng tôi đã giành rất nhiều thắng lợi với catenaccio” – Ancelotti phát biểu. “Catenaccio không phải một từ bẩn thỉu”.
Thuật ngữ này đã thay đổi. Chúng ta sẽ không gọi lối chơi mà Ancelotti và Jose Mourinho đã triển khai ở vòng bán kết Champions League vừa qua là catenaccio nữa, nhưng tinh thần của lối chơi ấy không khác là bao so với những gì Karl Rappan và Nereo Rocco đã đặt nền móng. Và giờ, lối chơi ấy đôi khi vẫn bị chỉ trích: Mourinho đã bị gọi là một người “phản bóng đá” sau những gì thể hiện ở mùa này (và trong suốt sự nghiệp của ông), còn Ancelotti bị cho là đã “tế thần” danh dự của Real Madrid để đi tìm chiến thắng.
Mourinho đã bị gọi là một người “phản bóng đá” |
Thật ra, tranh cãi xem bóng đá nên đẹp hay thực dụng không phải một vấn đề mới. Chúng ta luôn có những người ưu tiên phong cách làm đối trọng cho những người ưu tiên kết quả. Ví dụ rõ ràng nhất hiện tại là Pep Guardiola và Jose Mourinho. Tại Argentina, cuộc chiến này được đặt tên là Bilardistas đối đầu với Menottistas, theo tên hai HLV tôn thờ hai trường phái trái ngược: Carlos Bilardo thực dụng và Cesar Luis Menotti, một “Guardiola nghiện thuốc lá”.
Đây là vấn đề về quan điểm, và không có gì là đúng hay sai ở đây cả. Nếu đứng từ góc nhìn rằng bóng đá là để giải trí, thì cách mà Chelsea hay Real Madrid chơi bóng là phản lại môn thể thao này. Nhưng nếu coi bóng đá là để chiến thắng, thì họ đáng được khen ngợi, và Guardiola, Menotti hay Arsene Wenger đều đáng bị quở trách vì tư tưởng đôi khi rất ngây thơ của mình.
Nhưng những đội bóng vĩ đại nhất đều tấn công
Trong một cuốn sách về các HLV, phóng viên Diego Torres từng tiết lộ trong những nguyên tắc chiến thuật của Mourinho trong các trận đấu lớn, đặc biệt là các chuyến làm khách, cụ thể như sau:
1) Chiến thắng sẽ được dành cho ai ít mắc lỗi hơn.
2) Cơ hội sẽ dành cho ai làm cho đối phương mắc lỗi nhiều hơn.
3) Khi làm khách, thay vì cố chơi tốt hơn đối phương, hãy cố khuyến khích mọi sai lầm của họ.
4) Ai có nhiều bóng, người đó có nhiều khả năng sai lầm.
5) Ai từ bỏ quyền cầm bóng, người đó giảm thiểu khả năng sai lầm.
6) Ai có bóng đều phải sợ hãi.
7) Ai không có bóng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn.
Đó là yếu quyết của các đội chơi phòng ngự: Nhường bóng cho đối phương để tăng khả năng mắc sai lầm của đối phương. Vì thế, chính các đội chơi phòng ngự cũng mặc nhiên thừa nhận: Tấn công là khó hơn nhiều so với phòng ngự.
HLV huyền thoại Arrigo Sacchi đã chứng minh điều này bằng một thực nghiệm nhỏ: “Tôi đã thuyết phục Ruud Gullit và Marco van Basten rằng 5 người phòng ngự có tổ chức có thể đánh bại được 10 người vô tổ chức”. Ông chọn ra một hàng phòng ngự gồm có thủ môn Giovanni Galli trong khung gỗ, các hậu vệ là Mauro Tassotti, Paolo Maldini, Alessandro Costacurta và Franco Baresi, còn phe kia là 10 cầu thủ tấn công xuất sắc, gồm Gullit, van Basten, Frank Rijkaard, Pietro Paolo Virdis, Alberigo Evani, Carlo Ancelotti, Angelo Colombo, Roberto Donadoi , Christian Lantignotti và Graziano Mannari.
Luật chơi là các cầu thủ tấn công có 15 phút để ghi bàn vào lưới phe phòng ngự, và nếu phe phòng ngự cướp được bóng, thì các cầu thủ tấn công phải quay về phần sân của mình và công phá lại từ đầu. Kết quả: “Tôi đã thử thí nghiệm chuyện này suốt và họ KHÔNG BAO GIỜ ghi được bàn. Một bàn cũng không” – Sacchi nhấn mạnh.
Cái bẫy của chính mình
Vấn đề của Mourinho mùa này có lẽ là như thế: Chelsea thường xuyên chiến thắng các đối thủ lớn ở Premier League mùa này, nhưng chính họ lại hay mất điểm trước các đội bóng nhỏ vì không thể khoan phá bức tường bê tông của đối phương. Trận lượt về bán kết Champions League thua Atletico Madrid vừa qua cũng cho thấy một điều: Chelsea không biết cách chơi thế nào khi bị một đối thủ không thua kém về đẳng cấp dẫn bàn. Họ không biết dồn ép đối phương.
Chelsea của Mourinho đã thắng 8, hòa 3 và chỉ thua một trong 12 lần đối đầu với các đối thủ trong Top 7, kiếm được 27 điểm, trung bình 2.25 điểm/ trận. Trong khi ở 24 lần đối đầu với các CLB ngoài Top 7, họ chỉ thu được 51 điểm, tương đương 2.125 điểm/ trận.
Mourinho đã không thể hiện được chất thực dụng trước Simeone "quái kiệt" |
Duy trì một đội bóng tấn công bao giờ cũng khó khăn hơn, và các Đế chế bóng đá được thừa nhận rộng rãi trong lịch sử thường là những đội bóng tấn công: Ajax của Johan Cruyff, AC Milan của Arrigo Sacchi, Barcelona “Dream Team 1.0” và Barca của Pep Guardiola.v.v Đại diện của bóng đá phòng ngự chỉ có một: Inter của Helenio Herrera. Nhưng catenaccio thuần khiết đã “tuyệt chủng” từ lâu, dù tinh thần của nó là kim chỉ nam cho rất nhiều đội bóng phòng ngự hiện tại.
Nói lối chơi phòng ngự là phản bóng đá là một nhận xét thiển cận. Jose Mourinho rõ ràng là một thiên tài của lối chơi này, nhưng nói rằng ông sẽ không bao giờ tạo ra được một đội bóng vĩ đại thì cũng chẳng sai, vì thực tế là tấn công luôn khó hơn phòng ngự và tấn công là con đường thúc đẩy sự phát triển của bóng đá.