Để chiến thắng trong thể thao thì ngoài tài năng bẩm sinh, sự khổ luyện thì ai cũng cần cả sự may mắn! Nhưng trong thể thao, sự may mắn đến theo kiểu từ trên trời rơi xuống dành cho người này thì sẽ là sự bất công khủng khiếp đối với người khác.
Loay hoay cải thiện
Trước sức ép của dư luận về những sai lầm chết người của trọng tài tại những giải đấu lớn, FIFA đã có những cải tiến luật nhằm nâng cao tính chính xác và công bằng cho các trận bóng đá. Nhưng thay vì dùng công nghệ cao như môn quần vợt, FIFA lại tiếp tục dựa vào con người bằng cách tăng thêm hai trọng tài bám sát hai đường biên cuối sân, giám sát khu vực vạch cầu môn nhằm xác định những tình huống ghi bàn gây tranh cãi. Kết quả là trong những trận cầu quan trọng, có tính quyết định của cả mùa giải thì các trọng tài vẫn đưa ra những quyết định không chính xác làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu!
Bàn thắng không được công nhận của Mats Hummels trong trận chung kết Cúp Quốc gia Đức 2013-2014. Nguồn: Internet |
Gần đây nhất chính là trận chung kết Cúp nước Đức 2013-2014 giữa Bayern Munich và Borussia Dortmund. Dù là fan của “Hùm Xám” nhưng tôi không thể vui khi thấy các trọng tài từ chối bàn thắng ghi bằng đánh đầu của Mats Hummels. Khi Dante phá bóng thì bóng đã vượt qua vạch khung thành của Bayern khá sâu. Nếu bàn thắng đó được công nhận thì đội bóng tôi yêu thích sẽ thua, nhưng đó là sự công bằng, là sự thật không thể chối cãi!
Và ngược lại, khi một đội bóng nhận được sự may mắn “từ trên trời rơi xuống” như vậy thì đó sẽ là kết quả hết sức bất công dành cho đối thủ của họ! Có rất nhiều trường hợp “học tài thi phận” đầy nước mắt như vậy tại các giải đấu bóng đá từ cấp độ quốc gia đến các vòng chung kết World Cup! Bàn thắng bị từ chối của Frank Lampard tại Nam Phi 4 năm trước trong trận Anh gặp Đức (tôi yêu đội tuyển Đức!) là đáng nhớ nhất vì nó gợi lại tình huống tương tự trong trận chung kết World Cup 1966 trên đất Anh giữa chính hai đội tuyển này.
Biết bao nước mắt và uất ức đã hiện diện trong suốt lịch sử bóng đá thế giới… Điều đó thật không công bằng!
Công nghệ cao vào cuộc
Nếu ai đã xem qua trận chung kết bóng chuyền nam World League 2013 giữa hai đội tuyển Nga và Brazil hẳn đều sẽ rất hài lòng về chất lượng chuyên môn lẫn sự hào hứng, kịch tính của trận đấu này. Ngay trong hiệp 1, đội tuyển Nga đã giành chiến thắng 25-23 dù bị Brazil dẫn trước 5-0. Và Nga đã chơi bốc lửa để giành cúp với chiến thắng chung cuộc là 3-0.
Nhưng điều quan trọng trong cuộc lội ngược dòng này là ngoài tài năng của các tuyển thủ Nga thì tổ trọng tài Denny Cespedes (Dominica) và Juraj Morky (Slovakia) đã điều hành trận đấu rất chính xác. Ngay trong hiệp 1, đã 3 lần trọng tài số 2 Juraj Morky phải vào hội ý với bộ phận kỹ thuật, xem lại băng ghi hình trước khi quyết định điểm thắng dành cho đội nào, trong đó có tình huống chắn bóng chạm lưới của tuyển thủ Brazil khi tỷ số hiệp 1 đang là 22-22.
Trận chung kết bóng chuyền nam World League 2013 giữa Nga và Brazil. Nguồn: Internet |
Sự chính xác và công bằng của Luật (bóng chuyền) và người thực thi luật đã góp phần đem lại thành công cho giải đấu và mang lại niềm tin cho người hâm mộ thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng, bất kể họ ủng hộ đội nào!
Quần vợt làm được, điền kinh, bơi lội và nhiều môn khác làm được, tại sao bóng đá lại không?
Đáng mừng là cuối cùng thì FIFA đã không còn bảo thủ nữa! Quyết định sử dụng công nghệ “Vạch vôi điện tử” (Goal-line) tại Vòng chung kết World Cup 2014 tại Brazil là hết sức đúng đắn tuy hơi muộn, mở ra một chương mới cho bóng đá thế giới hướng tới sự công bằng thật sự trong môn bóng đá!
Sự may rủi chủ quan sẽ phải biến mất vĩnh viễn, nhường chỗ cho sự phân định thắng thua bằng tài năng mà kẻ thắng – người thua đều thanh thản, tâm phục khẩu phục! Đó chính là nét đẹp, là tinh thần của thể thao!
Giữa nỗi lo cho công tác tổ chức của nước chủ nhà (thi công chậm tiến độ, dân chúng biểu tình chống đói nghèo…) thì việc FIFA thật tâm muốn mang lại sự công bằng cho môn thể thao vua là điểm sáng rất đáng ghi nhận tại Brazil 2014!