Được so sánh là cặp đối đầu “Ronaldo-Messi” mới, Martin Odegaard và Alen Halilovic đều đang được rèn giũa ở những môi trường bóng đá tốt nhất vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để thành công, họ sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố khách quan khác.
Odegaard và Halilovic sẽ tạo nên một cuộc ganh đua mới
Trạm trung chuyển Real
Nếu Barca đã có Halilovic, thì không ngoại trừ khả năng Real mua Odegaard để ganh đua với đối thủ, như cái cách 2 đội từng làm trong mùa Hè vừa qua trên TTCN. Thêm nữa, việc sở hữu thành công một trong những tài năng trẻ đáng chú ý nhất thế giới thời điểm hiện tại cũng là một sách lược liên quan đến chính trị của ngài chủ tịch Florentino Perez. Đây có thể được coi là một bản hợp đồng mang tính thương mại của Real, hơn là mang tính “bổ sung” hay “cải thiện” cho đội ngũ nhân sự đã quá thừa về chất của họ.
Rất khó nói về khả năng thăng tiến của Odegaard, khi mà vốn Real không phải là “thiên đường” cho những cầu thủ trẻ, đặc biệt là những người chơi ở mặt trận tấn công. Jese Rodriguez là tiền đạo trẻ hiếm hoi chen chân được vào đội 1 Real, còn lại những Dani Carvajal và Raphael Varane đều là các cầu thủ phòng ngự. Chính sách nổi tiếng “Zidanes y Pavones” (Những Zidane và những Pavon, tạm hiểu là sự kết hợp giữa siêu sao và “gà nòi”), cũng nói lên thực tế này ở Real: Phòng ngự thì chỉ cần hàng “nhái”, chứ tấn công thì phải hàng “xịn”. Thực tế là Odegaard chưa đạt đến tầm “xịn” như vậy.
Chính vì việc rất khó cạnh tranh một suất đá chính ở đội 1, các cầu thủ trẻ của Real được đem đi cho mượn rất nhiều, và không ít trong số họ cũng đã tự khẳng định được bản thân. Alvaro Negredo, Juan Mata, Roberto Soldado đều từng là người của lò Castilla. Xét về khả năng hòa nhập, họ hơn những người đồng nghiệp đến từ La Masia của Barca, bởi cách thức đào tạo của người Real không quá chuyên sâu về một hình thái, qua đó các cầu thủ trẻ được tiếp xúc với nhiều trường phái và chiến thuật bóng đá khác nhau.
Sẽ không bất ngờ nếu Odegaard chỉ gắn bó với Real trong một thời gian ngắn trước khi chuyển đi, trừ khi cầu thủ này thể hiện được những tiềm năng như... Cristiano Ronaldo. Real sẽ chưa thể dừng việc chiêu mộ “sao” vào mỗi mùa, và chừng nào điều đó còn xảy ra, những tài năng trẻ như Odegaard, hay mới đây là Lucas Silva, sẽ chỉ coi Bernabeu là chốn dừng chân tạm thời của họ, chỉ để đánh bóng bản thân và... kiếm tiền.
Cơ hội làm “Messi đệ nhị”
Với triết lí làm bóng đá dựa vào nguồn lực trẻ của người Barca, tương lai của Halilovic rõ ràng là chắc chắn hơn so với Odegaard. Quy trình đào tạo cầu thủ trẻ của lò La Masia là cực kỳ chuyên nghiệp và đồng nhất, khi tất cả những cầu thủ từ đội “nhi đồng” lên đội 1 đều được trải nghiệm những bài học bóng đá và phong cách chơi bóng hoàn toàn giống nhau. Người có lợi ở đây là HLV Luis Enrique, khi ông sẽ có cái nhìn xuyên suốt hơn và có thể chọn ra những tài năng trẻ triển vọng và hợp với đội bóng nhất.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lối đào tạo có phần “nội bộ” này khiến những các cầu thủ của họ gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi bước chân ra chơi bóng ở bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha. Câu chuyện của Bojan Krkic là điển hình hơn cả, khi anh là một trong những sản phẩm xuất sắc nhất của lò La Masia phải “ra đường” vì không thể cạnh tranh được một suất đá chính. Như đã biết, Bojan chơi vật vờ ở AS Roma, AC Milan và Ajax, trước khi tìm thấy đôi chút “ánh sáng cuối đường hầm” khi gia nhập Stoke City.
Cái chân trái rất dẻo, thuộc dạng “hàng hiếm” của Halilovic chắc chắn sẽ là tài sản mà người Barca trân trọng, bởi cầu thủ này hoàn toàn có thể thay thế hình ảnh của đàn anh Lionel Messi tại sân Nou Camp, một khi siêu sao người Argentina giã từ sự nghiệp. Thêm vào đó, lối chơi bóng đầu óc và kỹ thuật được thừa hưởng của người Đông Âu sẽ giúp chàng trai 18 tuổi này có những bước phát triển mau lẹ trong tương lai.
Tạm kết
Con đường phía trước của Halilovic có vẻ đang bằng phẳng hơn so với Odegaard, và lịch sử phán rằng cầu thủ trẻ người Na Uy đang chọn sai. Nhưng bóng đá vẫn hấp dẫn bởi sự bất ngờ của nó, và dù thế nào thì đây sẽ là cặp đối đầu rất đáng xem trong tương lai.