Trong hành trình “học ăn, học nói, học gói, học mở” những ngày mới đặt chân đến xứ Sương mù, hầu hết những cầu thủ ngoại tại Premier League đều mắc ở khâu học tiếng Anh. Nhân chuyện tân binh Erik Lamela của Tottenham vừa bị HLV Andre Villas-Boas chê dốt tiếng Anh, thử xem các triệu phú đá bóng đánh vật với tiếng Anh thế nào.
Những ngày đầu sang Anh, Torres đã có rất nhiều bí quyết để cải thiện tiếng Anh của mình
NÓI CHƯA THÔNG, ĐÁ SAO THẠO?
Lý giải việc bản hợp đồng kỷ lục của Tottenham, Erik Lamela mãi chưa chịu hòa nhập được với đội chủ sân White Hart Lane, HLV Andre-Villas Boas cho rằng tân binh trị giá 30 triệu bảng này đang “hóc xương” tiếng Anh. Nghĩa là chỉ cần vượt qua rào cản ngôn ngữ, ngôi sao người Argentina này sẽ chứng tỏ được giá trị của mình.
Đội bóng có biệt danh Gà trống quả là hay mắc tóc bởi vấn đề “những chú gà nhập ngoại không biết gáy tiếng Anh”. Hồi năm 2010, chân sút người Nga Roman Pavlyuchenko từng bị HLV đang dẫn dắt Tottenham khi đó là Harry Redknapp “chửi” té tát, vì cái tội đã dốt lại lười học tiếng Anh. Sau 1 năm rưỡi gia nhập Tottenham, Pavlyuchenko vẫn chỉ quanh quẩn tiếp xúc với mấy người bạn nói tiếng Nga của anh ở London. Pavlyuchenko liên tục “bùng” các buổi học tiếng Anh. Tiền đạo từng rất được kỳ vọng khi Tottenham chiêu mộ anh về từ Spartak Moscow hồi Hè 2008 này chỉ còn nước hồi hương để cứu vãn sự nghiệp.
Nhưng nói gì thì nói, đánh vật nhất với cái món tiếng Anh vẫn phải kể đến những cầu thủ Nam Mỹ, mà Carlos Tevez là điển hình. Ai đời sau khi có kinh nghiệm 5 năm thi đấu tại Premier League cho 3 CLB West Ham, M.U và Man City mà Tevez vẫn “nửa câu tiếng Anh cũng không nói cho ra hồn”. Hệ quả là Tevez giao lưu với HLV và các đồng đội bằng ngôn ngữ nói hết sức hạn chế. Hồi Tevez bị lãnh đội Man City phạt nội bộ vì từ chối ra sân ở trận gặp Bayern tại Champions League cách đây 2 năm, người đại diện Kia Joorabchian của anh phân bua tất cả chỉ là sự hiểu lầm vì Tevez không nói được tiếng Anh!
Tiếng Anh lùn dẫn tới hòa nhập kém trên sân tập và sân đấu đã đành. Tevez còn từng bị treo bằng lái 6 tháng cũng vì chuyện dốt tiếng Anh này. Số là cảnh sát gửi thư đến Tevez sau vụ anh bị phát hiện chạy xe quá tốc độ nhưng anh không hồi âm. Khi Tevez ra tòa hồi tháng 1/2013, luật sư của anh thanh minh rằng thân chủ của mình chỉ biết từ “police” có nghĩa là cảnh sát, chứ không biết từ “constabulary” (từ dùng trong thư cảnh sát vùng Cheshire gửi cho anh) cũng có nghĩa là cảnh sát.
Chẳng phải vô cớ mà những cầu thủ nước ngoài không thuộc EU muốn gia nhập Premier League từng phải vượt qua bài sát hạch tiếng Anh, trước khi được cấp giấy phép lao động tại đây. Tiền đạo quá cố người Ecuador, Christian Benitez từng mấy lần không xin được giấy phép lao động trên xứ Sương mù, chỉ vì không vượt qua được bài sát hạch tiếng Anh này.
CÓ CHÍ THÌ NÊN
May mà không phải lính đánh thuê nào cũng dốt hoặc lười như Lamela, Pavlyuchenko hay Tevez. Mọi thứ sẽ ngon lành nếu cánh sao ngoại ở Premier League chịu khó học hành.
Khi mới chuyển từ Atletico sang Man City, Sergio Aguero được Zabaletta tư vấn tránh vết xe đổ dốt tiếng Anh của Tevez. Aguero đăng ký ngay khóa học tiếng Anh 3 buổi mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng. Giờ thì Aguero là linh hồn của Man City, trong khi Tevez đã bị đem bán cho Juventus.
Fernando Torres hồi mới sang Anh có bí quyết cải thiện khả năng nghe nói tiếng Anh bằng việc… gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty để hỏi đủ thứ chuyện trên đời. Tiền đạo Lukaku khoe anh chịu khó tự học và đã nói được 6 thứ tiếng gồm tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Anh và tiếng Ghana.
Vậy quan trọng là thái độ của các cầu thủ ngoại. Chứ cứ đá dở mà lại lôi tại... tiếng Anh khó học ra mà đổ lỗi thì “oan” cho tiếng Anh quá!
Tevez đã dốt còn nói chữ
Tevez từng mỉa mai rằng: “Ferguson cứ làm ra vẻ như ông ta là Tổng thống Anh không bằng!”. Tevez dùng từ “President” để mỉa mai Sir Alex trong khi nước Anh không hề có Tổng thống. Đáng ra anh phải dùng từ “Prime Minister” (Thủ tướng) mới đúng.