30 năm trước, Louis van Gaal tiếp quản Ajax, trong đầu của vị chiến lược gia xuất chúng này là suy nghĩ “vượt qua Johan Cruyff”. Ông tạo nên một tập thể tuổi teen là những Van der Sar, Kluivert, anh em De Boer, Bergkamp, Marc Overmars, Michael Reiziger và Seedorf, Edgar Davids… Một thế hệ đã tiêu diệt bóng đá châu Âu vào những năm 1995-1996.
Van Gaal và Johan Cruyff vốn không ưa nhau. Thực tế chúng ta không nhìn rõ sự khác biệt trong lối chơi giữa Van Basten với Kluivert, giữa Dennis Bergkamp với Gullit, hay giữa Koeman với anh em De Boer. Họ đều chia sẻ với nhau triết lý kiểm soát bóng, nhưng họ có một điểm khác biệt quan trọng.
Điều đã vô tình tạo nên mối thâm thù giữa 2 con người này: cách sử dụng con người. Với Cruyff, con người là hạt nhân, còn với Van Gaal, con người là của tập thể. Van Gaal không chấp nhận “cái tôi” (một phần lý do ông đẩy Rivaldo rời khỏi Barcelona). Điều khiến Johan Cruyff ghét Van Gaal còn vì cái việc “Hình như Van Gaal cứ luôn thay thế ông”. Cruyff rời Ajax, Van Gaal thành HLV Ajax, Cruyff rời Barca, Van Gaal thành HLV Barca. Đáng ghét ở chỗ, Van Gaal vẫn luôn có những thành công ở Ajax và Barca.
Từ va chạm triết lý ban đầu, giữa Cruyff và Van Gaal đã thành cảm giác khó ở, rồi thành kẻ thù khi nào không hay. Người Hà Lan có quan tâm điều đó không? Họ quan tâm nhưng họ cần hai người ấy như vậy. Sự cạnh tranh tạo nên thành công của Cruyff - Van Gaal, và chúng đồng nghĩa với việc tạo nên tính kế thừa cho nền bóng đá này.
Thế thì tại sao tài năng gần như ngang ngửa nhau, mà triết lý của Van Gaal lại không có đệ tử chân truyền như Johan Cruyff? Bởi vì Van Gaal không gặp thời mà cũng chẳng gặp người. Van Gaal không gặp thời đến 2 lần. Vào năm 1995, sau khi đưa Ajax đến chức vô địch Champions League mùa 1994/95, thì đạo luật Bosman có hiệu lực. Ajax tan rã vì không có tiền giữ các ngôi sao.
Nhưng bạn hãy tưởng tượng cái đội Ajax với độ tuổi trung bình 23 ấy mà không tan rã thì sao? Nó sẽ càn quét cả thế giới bóng đá trong ít nhất 5 năm nữa. Thời đại chối từ Van Gaal lần thứ 2 là khi ông huấn luyện vào lúc vị trí các cầu thủ đã trở nên quyền lực hơn hẳn thời đại của Johan Cruyff. Sự quyền lực ấy đối chọi với kiểu quân phiệt của Van Gaal.
Và Van Gaal cũng không gặp người. Với 30 năm đứng trong khu huấn luyện, cầm trong tay đủ cả Ajax Amsterdam, Barcelona, Bayern Munich hay Manchester United. Triết lý có thừa, tài năng có đủ, nhưng đệ tử thì chẳng có ai. Van Gaal, ta nói không quá, thì ông là bi kịch trong sự bội phản của bóng đá hiện đại.