Tưởng chừng như dự án European Super League đã “chết yểu” khi 6 đội bóng Anh ly khai, 12 đội tham dự chỉ còn lại Barcelona, Juventus và Real Madrid. Nhưng cuộc chơi này hoàn toàn không đơn giản như vậy.
Super League chưa bị khai tử?
Khi ra đời, dự án European Super League thực sự đã tạo ra vụ nổ với cả nền bóng đá châu Âu. Những giá trị tồn tại hàng thế kỷ của môn thể thao vua trên lục địa già có nguy cơ bị “xóa sổ”, khi mà 12 CLB lớn ở châu Âu bắt tay nhau hòng thao túng nền tảng tài chính thông qua một giải đấu chỉ dành cho các đại gia.
Nhưng dự án này mau chóng “chết yểu”. Chỉ 24 giờ sau khi tuyên bố tham dự, 6 đội bóng lớn của giải Ngoại hạng Anh là MU, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Man City và Tottenham đồng loạt tuyên bố rút khỏi giải. Điều này dẫn đến cuộc tan rã của Super League, khi những Inter Milan, AC Milan, Atletico Madrid cũng lần lượt rút theo.
Sau đó, UEFA từng ra những án phạt hà khắc với nhóm nổi loạn Super League. Theo đó, 9 CLB rút lui phải đóng góp chung 15 triệu euro cho bóng đá trẻ, bị trừ 5% doanh thu trên đấu trường châu Âu mùa tiếp theo, và phải nộp phạt 120 triệu nếu tái phạm. Với 3 CLB cứng đầu, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu mở thủ tục kỷ luật có thể dẫn tới án cấm thi đấu 2 năm.
Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn không đơn giản như vậy. Sự ngang bướng của Barcelona, Real Madrid và Juventus đã đẩy LĐBĐ châu Âu (UEFA) vào một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài với phần còn lại của Super League. Và thật không may, các phán quyết của tòa án khẳng định, Super League được phép tồn tạo dựa trên các tiêu chí của nó.
Cú lội ngược dòng của Super League
Mới nhất, Tòa án châu Âu yêu cầu UEFA dỡ mọi hình thức kỷ luật đối với các CLB tham gia European Super League. Theo phán quyết hôm 30/7 của Tòa án thương mại Mercantile, UEFA phải chấm dứt thủ tục kỷ luật đối với Real Madrid, Barca và Juventus.
Nhóm 6 đại gia Anh vẫn chưa hề ly khai khỏi Super League, ít nhất là về mặt pháp lý
Bên cạnh đó, Tòa án châu Âu cũng yêu cầu dỡ bỏ mọi hình phạt và hạn chế đối với 9 CLB sáng lập còn lại. Đây không phải lần đầu tiên nhóm Super League thắng kiện UEFA. Hồi cuối tháng 6, một tòa án Tây Ban Nha cũng tuyên chiến thắng thuộc về “những kẻ nổi loạn”.
Nhờ vậy, dự án Super League manh nha tái sinh. Theo tiết lộ từ Thẩm phán Ruiz de Lara của Tòa án thương mại Mercantile, bên cạnh Real Madrid, Barcelona và Juventus, 9 CLB còn lại gồm MU, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Man City, Tottenham (Anh), AC Milan, Inter Milan (Italia) và Atletico Madrid (Tây Ban Nha) đều chưa rút khỏi liên minh này, ít nhất là theo pháp lý, trái ngược với những tuyên bố chung của họ trên website CLB.
Hóa ra, 9 CLB kia - đặc biệt là 6 đại gia của giải Ngoại hạng Anh chỉ ra thông báo không mang tính pháp lý lên trang chủ như một cách để trấn an dư luận. Nôm na, họ chỉ ra một thông báo giả. Còn ràng buộc về hợp đồng mà họ đã ký kết với nhóm Barcelona, Real Madrid và Juventus vẫn còn nguyên vẹn hiệu lực.
Vậy nên, ở thời điểm hiện tại chưa thể đi đến kết luận rằng dự án European Super League đã chấm dứt hay chưa. Và chắc chắn sau những tiết lộ này của giới chức trách, 9 CLB từng tuyên bố ly khai khỏi Super League sẽ có rất nhiều việc phải làm với người hâm mộ của mình - những người đang bị họ lừa dối một cách trắng trợn.