Trong không khí sục sôi của World Cup, hãy giành một chút thời gian để tìm hiểu xem chính sách chuyển nhượng của một số đội bóng lớn như thế nào. Rõ ràng, bên cạnh World Cup, câu chuyện mua bán của các ông lớn cũng được quan tâm sát sao vào thời điểm này.
Real Madird
Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha có chính sách đã thành thương thiệu suốt hơn 1 thập kỷ qua. Đó là mua những ngôi sao sáng nhất của các đội bóng trên toàn thế giới. Chính nhờ chính sách đó mà Real mới được mệnh danh là Dải thiên hà. Có lẽ, chính sách mua siêu sao của Real sẽ còn được tiếp tục dài dài, ít nhất là ở mùa hè năm nay.
Ronaldo và Gareth Bale là 2 thương vụ đình đám nhất làng túc cầu mà đội bóng Hoàng gia đã thực hiện. Ảnh: Internet |
Barcelona
Khôn nhà dại chợ chính là câu không thể hợp lí hơn khi nói về chính sách chuyển nhượng của Barca. Họ đào tạo ra các tài năng giỏi bao nhiêu thì lại mua bán thất bại bấy nhiêu. Ibra, Song là những ví dụ điển hình. Ngay cả Neymar, cũng không thể nói là đã có một mùa giải thành công ở Barca. Barca có lẽ là điển hình cho mô hình tự cung tự cấp trong làng bóng đá thế giới.
Manchester United
Man Utd có lẽ nên đổi tên thành FC Tin đồn khi TTCN mở cửa. Không lúc nào là những tin đồn liên quan đến đội bóng này không xuất hiện trên mặt báo. Tin đồn về MU nhiều đến nỗi có thể viết thành một cuốn sách. Đặc điểm nổi bật của MU là thích rất nhiều cầu thủ, nhưng chả mua được ai. Hoặc là định mua ai thì người đó lập tức về đội khác. Tuy nhiên, MU cũng nổi tiếng nhờ luôn trình làng các cầu thủ trẻ tài năng.
Dù có một kết quả bi đát ở mùa giải vừa qua nhưng "Quỷ đỏ" thành Manchester vẫn tự hào vì đang có trong tay dàn tinh binh trẻ tuổi và tài năng. Ảnh: Internet |
Chelsea, Man City, PSG, Moncao
Điển hình của trường phái mạnh vì gạo bạo vì tiền. Nhờ hầu bao gần như không đáy của các ông chủ, những đại gia này liên tiếp tạo bom tấn trên TTCN. Họ có thể trả đến 40 triệu bảng cho một tài năng trẻ nhưng bị thổi phồng quá mức, mua xong rồi cho dự bị dài kiếp. Có cảm giác như nhiều lúc những đội bóng này là mồ chôn của các sao mai vậy.
AC Milan
Những năm gần đây, AC Milan rất hay tậu được những món hàng miễn phí. "Ai miễn phí là anh mua" là slogan của đội bóng này. Và của rẻ thường là của ôi, Milan đã phải hứng chịu hậu quả của chính sách mua hàng cho không khi thi đấu thảm hại ở giải quốc nội, còn các cầu thủ miễn phí thì rất ít người để lại dấu ấn đậm nét, trừ Kaka.
Porto, Atletico Madrid
Mua rẻ bán đắt chính là thương hiệu của các đội bóng này. Bằng một cách nào đó, họ khiến những cầu thủ tiềm năng trở thành siêu sao, và bán cho các ông lớn thừa tiền thiếu danh hiệu. Không ngạc nhiên khi những cầu thủ của Porto, Atletico dù giá cắt cổ nhưng các đại gia vẫn phải xếp hàng từ sáng sớm để mua được.
Bayern Munich
Chính sách của Bayern thực ra rất đơn giản. Mua siêu sao của các đối thủ. Đây là một chính sách cực kì khôn ngoan của Hùm xám. Nó vừa giúp Bayern mạnh lên lại vừa làm suy yếu các đối thủ quốc nội. Họ bá chủ trong nước cũng nhờ chính sách này.
Mario Goetze được Bayern Munich chiêu mộ từ đối thủ Borussia Dortmund là một minh chứng. Ảnh: Internet |
Arsenal
Nhắc đến Arsenal chính là nhắc đến đội bóng chuyên bán ngôi sao sáng nhất của đội bóng mình cho người khác. Trừ năm 2013, năm nào Arsenal cũng bán ít nhất 1 ngôi sao trong đội bóng của mình. Cũng giống như Porto hay Atletico Madrid, Arsenal mua những cầu thủ trẻ, rồi được Wenger đào tạo trở thành những siêu sao. Nhưng khác với 2 đội bóng kia, Arsenal suy yếu rất nhiều khi bán các ngôi sao của mình, trong khi Porto và Atletico liên tục gặt hái thành công.