Tốc độ ào ạt của Premier League không chỉ thể hiện ở cách “chạy và sút” kiểu cũ trên quê hương bóng đá. Có vẻ như mọi chuyện đều trôi qua rất nhanh ở Premier League.
Bây giờ, khi M.U chuẩn bị so giày với West Ham ở trận lượt về, thật khó có thể liệt kê cho hết những khác biệt lớn nơi đội bóng của HLV Jose Mourinho, so với chính họ trong trận lượt đi, cách đây mới 5 tuần.
Bây giờ, M.U là đội duy nhất sánh được với đội đầu bảng Chelsea về thành tích toàn thắng trong 5 vòng đấu gần nhất. Chuỗi trận thắng liên tục của M.U được duy trì nhờ 2 bàn liên tiếp trong 5 phút chót ở trận gặp Middlesbrough. Khi chỉ hòa West Ham 1-1 tại sân nhà cách đây 5 tuần, M.U thủng lưới ngay phút thứ 2.
Trước vòng ấy, M.U thủng lưới ở phút 89, đành chia điểm sau kết quả hòa 1-1 với Arsenal. Còn sau đó, họ lại chỉ hòa 1-1 với Everton, cũng vì thủng lưới ở phút 89. Đấy chính là đỉnh điểm của cả một giai đoạn thất vọng, khi đội bóng của Mourinho chỉ thắng 2 trong 11 vòng đấu liên tiếp ở Premier League.
Đấy là lúc mà M.U dù chơi với sơ đồ nào, theo chiến thuật nào, có ai đứng trong đội hình, thì rút cuộc họ vẫn dường như không thể thắng. Họ không thể đưa được quả bóng vào lưới Burnley sau 37 lần tung cú dứt điểm, trong một trận đấu mà gần như chỉ có một đội tấn công, đội kia khổ sở chịu đòn suốt 90 phút.
Giờ thì ngược lại: M.U rút cuộc cũng đã thắng trong những trận đấu mà họ có thể chỉ hòa hoặc thua. Họ thắng Crystal Palace bằng bàn quyết định ở phút 88. Họ thắng ngược Middlesbrough, như đã nêu. Họ thắng cả Tottenham - đối thủ mạnh đầu tiên mà họ chiến thắng ở Premier League mùa này.
Người ta cho rằng M.U khởi sắc nhờ Mourinho đã tìm ra cặp tiền vệ trung tâm lý tưởng Ander Herrera - Michael Carrick, từ đó giải phóng cho Paul Pogba thoải mái tấn công. Nhưng dù không có Carrick, thậm chí dù Marouane Fellaini - vốn là... nỗi ám ảnh đối với không ít fan Quỷ đỏ - ra sân ngay từ đầu trận, M.U vẫn thắng!
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác mà giới chuyên môn đã chỉ ra để lý giải cho sự khởi sắc của M.U trong vài tuần lễ gần đây, là sự “hồi sinh” của Phil Jones, dẫn đến việc hình thành cặp trung vệ chắc chắn Phil Jones - Marcos Rojo. Ở vòng đấu vừa qua, M.U dùng cặp trung vệ Chris Smalling - Eric Bailly, và Smalling chơi như một thảm họa. Nhưng M.U... vẫn thắng!
Trớ trêu ở chỗ, có vẻ như trận thắng trước M’brough càng mang dáng vẻ khó khăn, cực nhọc, thì M.U nói chung hoặc Mourinho nói riêng lại càng... được khen. Nào là bản lĩnh, tinh thần quyết thắng của các cầu thủ trên sân. Nào là quyết định thay người hợp lý và kịp thời của Mourinho.
Bây giờ, M.U thắng vào phút chót, sau khi tung đến 32 cú dứt điểm, nhiều lần trúng ngay khung gỗ. Họ thắng sau những quyết định phủ nhận bàn thắng hoặc không công nhận phạt đền. Tóm lại, họ thắng trong hình hài của một đội bóng... xui xẻo. Trước đây, khi liên tục mất điểm, Jose Mourinho cũng thường ca thán về sự rủi ro kỳ lạ mà M.U phải chịu đựng. Người ta không nghe đã đành. Lại có vẻ hợp lý khi bàn: nếu cứ “xui” mãi thì hóa ra, “vận xui” cũng phải có một lý do nào đấy, chứ đâu thể là sự tình cờ!
Bóng đá chính là như vậy. Bóng đá Anh càng luôn như vậy. Mọi chuyện - gồm cả vấn đề “vận hạn” - cứ thay đổi xoành xoạch. Từng khởi đầu với 10 trận toàn thắng trên mọi đấu trường, trong đó có 6 trận thắng tuyệt đối ở Premier League, bây giờ Man City của Pep Guardiola chỉ còn đứng cách M.U 3 điểm. Lại thắng West Ham lần nữa để thật sự đe dọa Man City, được không ngài Mourinho?