Mùa giải duy nhất khoác áo Barcelona, Zlatan Ibrahimovic ra sân 45 trận, ghi 21 bàn thắng, thực hiện 13 pha kiến tạo và giành 5 danh hiệu. Vậy Ibra là thương vụ thành công hay thất bại của Barca?
Lautaro Martinez, chân sút được ra giá 111 triệu euro Barca đang theo đuổi, là tiền đạo giỏi, một tay săn bàn đầy hứa hẹn của bóng đá thế giới. Đó là điều không thể chối cãi. Mùa này chân sút 22 tuổi người Argentina đã đóng góp cho Inter Milan 12 bàn tại Serie A, 5 ở Champions League, những con số vô cùng ấn tượng.
Nhưng Nou Camp không phải là nơi để chinh phục bằng số liệu và tài năng cũng không đủ đảm bảo để thành công. Ibra, cầu thủ Inter gần nhất gia nhập Barca, là bằng chứng nhãn tiền. Tài nghệ của chân sút người Thụy Điển khỏi cần bàn cãi. Những số liệu như đã đề cập ở trên cũng cực kỳ thuyết phục.
Tuy nhiên, dữ kiện quan trọng nhất là Ibra chỉ khoác áo Barca đúng một mùa. Tiền đạo người Thụy Điển tiêu tốn của đội bóng xứ Catalan 69 triệu euro (tính cả tiền cáp Eto'o), và sau đó rời Nou Camp chỉ với giá 24 triệu euro, tức chỉ bằng 1/3.
Thế nên, Ibra không thể xem là hợp đồng thành công của Barca, nếu không muốn nói là thất bại. Nhưng tại sao Ibra lại thất bại, bất chấp là thương vụ đúng quy trình tiền đạo xuất sắc nhất đầu quân cho đội bóng mạnh nhất lúc bấy giờ? Câu trả lời là sự khác biệt văn hóa, từ tính cách đến lối chơi.
Nếu như những Messi, Xavi hay Iniesta được miêu tả là những học sinh ngoan ngoãn trong lớp thì Ibra là cậu học sinh cá biệt ngông nghênh kiêu ngạo. Nếu như Barca đề cao tính tập thể và những pha phối hợp bóng ngắn mềm mại thì Ibra lại là kiểu tiền đạo độc lập tác chiến và ưa thích va đập.
Tóm lại, Ibra không hiểu và không chấp nhận thay đổi để hòa nhập vào văn hóa bóng đá của Barca. Do đó anh lạc loài tại Nou Camp và nhanh chóng bị thải loại.
Gia nhập Barca sau Ibra một năm, Mascherano lại có thể tồn tại và thành công, dù theo cái cách không ai có thể hình dung. Tuy không đình đám bằng, nhưng nếu xét trên khía cạnh vị thế, Mascherano không kém cạnh Ibra. Nếu Ibra là chân sút hàng đầu thế giới thì Mascherano là tiền vệ phòng ngự hàng đầu thế giới, nếu không muốn nói là số một.
Nhưng bất chấp vị thế số một ấy, Mascherano không thể cạnh tranh vị trí với Busquets. Lại nói chuyện thống kê, nếu so sánh các dữ liệu mang tính chiến đấu, chẳng hạn tắc bóng, tranh chấp tay đôi v.v., những thông số thường được sử dụng để đánh giá một tiền vệ phòng ngự, Mascherano ăn đứt Busquets.
Dù vậy, Busquets lại vượt trội Mascherano ở khía cạnh quan trọng nhất đối với Barca, là kỹ năng phân phối bóng. Pep Guardiola cần một tiền vệ lùi sâu giỏi chuyền bóng, qua đó triển khai ý đồ phát triển bóng từ sân nhà. Về khoản này, Busquets là “vô đối”. Xavi từng nói Busquets là cầu thủ chơi bóng một chạm hay nhất thế giới và giới chuyên môn ca ngợi tiền vệ này chơi bóng “nửa chạm”.
Trước Mascherano, Yaya Toure, một tiền vệ thuộc dạng toàn năng, cũng không cạnh tranh được với Busquets ở khoản này. Rốt cuộc, Yaya Toure tìm đường sang Man City để vươn tới vinh quang, còn Mascherano chọn cách tự diễn biến và chuyển hóa thành trung vệ để tồn tại ở Nou Camp gần 10 năm.
Lịch sử là tấm gương soi và lịch sử phát triển theo hình xoắn ốc. Có những điều xảy ra ở hiện tại liên hệ mật thiết và tương tự những điều xảy ra trong quá khứ. Yaya Toure, Mascherano hay Ibrahimovic, là những thương vụ Barca thực hiện 10 năm trước, quãng thời gian vàng son của đội bóng, nhưng cho đến ngày nay, Barca vẫn có những Yaya Toure, Mascherano hay Ibrahimovic.
Neymar là một dạng Yaya Toure. Tiền đạo người Brazil khẳng định được tài năng ở Barca, nhưng với khao khát vươn tới vị thế ông vua, thay vì làm trợ thủ cho Messi, anh chọn ra đi. Luis Suarez là một dạng Mascherano, chấp nhận giảm phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng, để sắm tròn trịa vai “số 9 của Barca”. Trước cả Mascherano có Thierry Henry và David Villa, những người chấp nhận bỏ vị trí trung phong để dạt biên.
“Số 9 của Barca” ở đây mang nghĩa vị trí trung phong trong hệ thống 4-3-3, với những đặc trưng riêng của đội bóng xứ Catalan. Ở đây là mẫu trung phong không chỉ giỏi săn bàn mà còn đóng góp nhiều vào lối chơi tập thể, chẳng hạn phối hợp, di chuyển không bóng và kể cả pressing.
Cũng là “số 9”, nhưng trung phong của Real Madrid, Man City, Bayern Munich hay bất cứ đội bóng nào khác sẽ có từng đặc thù riêng. Tương tự là các vị trí “số 6” (Xavi), “số 8” (Iniesta) hay “số 11” (Henry, Villa, Neymar). Một góc nhìn khác, dễ nhận thấy, vị trí dạt biên như số 11 dễ “chấp nhận” tân binh hơn các vị trí trung lộ.
Trở lại câu chuyện “xoắn ốc”, trớ trêu, tại Nou Camp đầy rẫy những Ibra. Coutinho, Dembele, Griezmann là minh chứng. 3 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Barca, với tổng số tiền chuyển nhượng lên tới 390 triệu euro kể biến phí, đều chưa hoặc không thể hòa nhập với Barca. Tất nhiên, mỗi bom xịt lại có lại có vấn đề riêng chứ không cứ phải rập khuôn Ibra.
Coutinho là bi kịch lớn nhất. Những tưởng sở hữu bộ gen Barca, chẳng ngờ tiền vệ tấn công người Brazil này mắc kẹt giữa tiền tuyến và trung tuyến. Coutinho không đủ điềm đạm và tư duy chuyền bóng kiểu Iniesta để chơi ở vị trí “số 8”. Anh càng thiếu tốc độ, sự bùng nổ, để trám vào vị trí “số 11”. Dembele lại là vấn đề ý thức và thể chất.
Trong khi đó, Griezmann lại là kiểu “Đả áp tử thượng giá”, diễn nôm hơi phản cảm đối với nhiều người là “Không trâu bắt chó đi cày”. Vị trí sở trường của tiền đạo người Pháp là tiền đạo lùi trong sơ đồ 2 tiền đạo, càng bùng nổ hơn nếu anh được tự do di chuyển và hơi lệch sang phải.
120 triệu euro Barca bỏ ra là để chiêu mộ Griezmann này, nhưng thực tế trên sân cỏ, họ sử dụng một Griezmann khác. Đó là Griezmann của vị trí tiền đạo cánh trái, vị trí đòi hỏi tốc độ, khả năng rê dắt trong khi tiền đạo người Pháp mạnh về phối hợp 1 chạm và khai thác không gian.
Nhưng lật ngược vấn đề, trong hệ thống chiến thuật của Barca, cũng không có chỗ cho vị trí sở trường của Griezmann và Griezmann cũng không thể chuyển hóa để thích ứng như Mascherano hay một ví dụ gần hơn là David Villa (từ “số 9” thành “số 11”). Bi kịch cho Griezmann và cho cả Barca (thực tế là HLV của Barca) là ở chỗ đó.
Trở lại câu chuyện Barca muốn chiêu mộ Lautaro Martinez, tiền đạo này không chỉ tài năng mà còn có những nét tương đồng với Suarez, hay rộng hơn là mẫu “số 9 của Barca”. Vâng, đấy chỉ là trên lý thuyết. Không khó để tìm ra điểm tương đồng giữa Coutinho và Iniesta, Dembele và Neymar, hay Arthur với Xavi. Đó đều là sự lặp lại của những phiên bản tồi hơn.
Một khía cạnh khác, Martinez đang thành công tại Inter với vị trí sở trường là trung phong trong sơ đồ 2 tiền đạo (4-4-2 hoặc 3-5-2), với một cộng sự to khỏe làm tường kề bên. Hơn nữa, lối chơi của Inter dưới thời Conte, và cũng đặc trưng xuyên suốt lịch sử, là lối chơi phòng ngự phản công. Trong khi đó, Barca thiên về kiểm soát bóng và phối hợp nhỏ.
Tất nhiên, chưa thể đánh giá Martinez thành công hay thất bại nếu chưa có kết quả thực nghiệm. Nhất là khi tiền đạo người Argentina cũng có thể chuyển hóa như Mascherano, hoặc xác suất thấp hơn là Barca tự điều chỉnh để chấp nhận Paulinho hay Arturo Vidal (Setien sẽ sử dụng sơ đồ 4-4-2 như Valverde?!)
Dù vậy, với chừng ấy dữ kiện cùng bài học từ lịch sử, việc chi ra 111 triệu euro thực quá ư mạo hiểm, cả khía cạnh chuyên môn lẫn kinh tế.