Vị Phó chủ tịch 47 tuổi đang là người nắm giữ vận mệnh của Quỷ đỏ thay vì các chiến lược gia trên cabin huấn luyện như nhiều người lầm tưởng.
Trong một bài nói chuyện mới đây trên kênh BeIN Sports, cựu HLV Man United Jose Mourinho đã chia sẻ những góc khuất đằng sau hậu trường đội bóng. Đặc biệt là mối quan hệ "cơm không lành canh không ngọt" giữa ông và Phó chủ tịch câu lạc bộ nước Anh, Ed Woodward.
Thuyền trưởng người Bồ Đào Nha từng công khai "tán tỉnh" gã nhà giàu nước Pháp, PSG vào thời điểm bản hợp đồng còn thời hạn 2 năm với Quỷ đỏ. Ngoài ra, Mourinho cũng gửi đi thông điệp gây sốc trong chuyến lưu diễn của đội nhà ở mùa hè năm ngoái trên đất Hoa Kỳ rằng: "Các bạn không nên đến thưởng thức những trận đấu, vì đơn giản chúng vô nghĩa.".
Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa cựu HLV Chelsea với Ban liên đoàn đội chủ sân Old Trafford xảy ra vào những ngày tháng cuối cùng của Mourinho tại Man United. Ông liên tục than phiền về công tác chuyển nhượng khi đội bóng không chiêu mộ các tân binh chất lượng cần thiết nhằm đủ sức chinh phục danh hiệu.
Đó rõ ràng là những lời chê bai, đả kích mà chiến lược gia 56 tuổi hướng về Phó chủ tịch điều hành câu lạc bộ. Ed Woodward thường được gắn liền với hình ảnh các hội nghị hàng quý cùng những nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán New York; thay vì xuất hiện thường xuyên tại Man United.
Đồng ý kiến với Mourinho là những người chỉ trích Ed Woodward. Phần đông cho rằng cựu nhân viên cao cấp tại JP Morgan quan tâm nhiều về doanh số bán áo đấu, các vấn đề truyền thông xã hội hơn là việc đến theo dõi buổi tập của đội nhà tại trung tâm huấn luyện Carrington.
Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng quên đi rằng; các bản hợp đồng được kí kết, doanh thu hằng năm, số tiền lãi từ kinh doanh mới là điều khiến những cổ đông đội bóng quan tâm.
Có thể người hâm mộ Quỷ đỏ đang đòi hỏi Ed Woodward nhiều hơn những gì hiện tại. Giám đốc bóng đá phải là người kết nối, bắc cầu giữa huấn luyện viên trưởng và ban lãnh đạo hay với những cổ động viên trung thành đội nhà.
Dù thế nào chăng nữa, Man United cần nhanh chóng xác định vai trò, giải quyết một loạt vấn đề về các vị trí như thuyền trưởng chính thức, Giám đốc bóng đá và Giám đốc kĩ thuật.
Vậy hướng đi cho đội bóng nước Anh trong tương lai là gì? Họ sẽ lùng sục khắp châu Âu để "săn tìm" một chiến lược gia tài năng hay quyết định giữ lại "người nhà" Ole Gunnar Solskjær? Tuy nhiên lựa chọn vị trí Giám đốc bóng đá cũng không kém phần quan trọng đối với Man United.
Đội bóng cùng thành phố, Man City là ví dụ điển hình. Chính sự thân quen, hiểu biết lẫn nhau giữa Txiki Begiristain và Pep Guardiola đã thu hút và khiến chiến lược gia tài năng người Tây Ban Nha nhận lời dẫn dắt đội chủ sân Etihad vào năm 2016.
Câu hỏi cần đặt ra là ai là người phù hợp cho vị trí đó tại nửa đỏ thành Manchester? Andrea Berta (Giám đốc bóng đá Atletico Madrid) trở thành ứng cử viên hàng đầu vào thời điểm hiện tại. Fabio Paratici (Giám đốc thể thao Juventus), Monchi (AS Roma) hay Paul Mitchell (phụ trách công tác chuyển nhượng của Tottenham Hotspur) là các gương mặt tiềm năng tiếp theo.
Bổ nhiệm đồng thời 3 vị trí then chốt là HLV trưởng, Giám đốc bóng đá, Giám đốc kĩ thuật hứa hẹn giúp Man United kết thúc giai đoạn 5 năm hỗn loạn về mặt chuyển nhượng lẫn hướng đi cho đội nhà thời kì hậu Sir Alex Ferguson.