Thất bại 1-5 trước Barca ở trận El Clasico càng khiến Real chìm sâu trong khủng hoảng và nó cho thấy rằng họ đã không có đủ sự chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với việc Ronaldo ra đi, như cách MU đã từng làm 9 năm về trước.
Chứng kiến Real thi đấu ở mùa giải này và đặc biệt là trận thua nặng nề ở Nou Camp đêm chủ nhật, có lẽ người ta không còn nhận ra hình bóng của 1 đội bóng thống trị châu Âu 3 năm qua.
MU vẫn là 1 thế lực sau khi Ronaldo ra đi (trước khi Sir Alex giải nghệ)
Rõ ràng, Real đã quá dễ dàng sụp đổ khi đánh mất Cristiano Ronaldo. Phải chăng vì quá phụ thuộc vào anh nên khi CR7 quyết định đoạn tuyệt, đội bóng thành Madrid gần như điêu đứng. Không ai phủ nhận siêu sao người Bồ là một cầu thủ xuất sắc nhưng không phải là không thể thay thế.
Trong quá khứ, một câu lạc bộ cũ khác của Ronaldo là MU đã từng chứng minh rằng, họ vẫn sống tốt và duy trì đế chế thành công dù siêu sao người BĐN không còn hiện diện ở sân Old Trafford.
Năm 2009, Ronaldo từng tạo ra thương vụ chuyển nhượng đình đám nhất thời điểm bấy giờ khi chia tay MU để chuyến sang đầu quân cho Real Madrid. Trước đó một năm, sau chức vô địch Champions League 2007/2008 cùng Quỷ đỏ, siêu sao người Bồ cũng từng úp mở khả năng tìm cho mình một bến đỗ mới. Nhưng nhờ sự níu kéo từ phía Sir Alex, CR7 đã quyết định ở lại với nửa đỏ Manchester thêm 1 năm nữa.
Nhưng cứ đặt giả thiết là giả sử Ronaldo có đi ngay trong mùa hè 2008 thì với những ai yêu mến đội bóng này, đó cũng chưa phải là một vấn đề để lại sự lo ngại quá lớn. Bởi lẽ, Manchester United và ngài Alex Ferguson đã luôn sẵn sàng cho một tương lai không Ronaldo.
Thành tích của MU sau khi Ronaldo chuyển sang Real Madrid
Ronaldo ra đi nhưng nhưng bộ khung của MU vẫn được giữ nguyên. Rooney, Ryan Giggs, Paul Scholes,…, những công thần chính trong thành công của "Quỷ đỏ" trong nhiều năm trước đó đều ở lại và cam kết gắn bó lâu dài với Nhà hát của những giấc mơ. Chưa kể, HLV Ferguson còn có thêm một số sự bổ sung chất lượng từ những cái tên như Javier Hernandez (năm 2010), Van Persie (năm 2012).
Thế nên, sau thời hậu CR7, với dàn hùng binh có chiều sâu, không quá khó hiểu khi MU vẫn bỏ túi 2 chức vô địch Premier League và thêm 1 lần vào chung kết Champions League (năm 2011 thua Barca) trước thời điểm Sir Alex tuyên bố giải nghệ vào năm 2013.
Ronaldo có phải là tác nhân cho việc Real sa sút?
Thực tế, chỉ đến khi Sir Alex về hưu, MU mới thật sự bắt đầu có dấu hiệu tụt dốc và suy yếu. Từ đó, có thể đặt ra một giả thiết là MU không CR7 vẫn đứng trên đỉnh cao trong một quãng thời gian dài đến 4 năm sau đó còn ngược lại, Real Madrid, họ đã nhanh chóng sụp đổ. Do đâu mà có sự trái ngược nhau hoàn toàn đến thế?
Thứ nhất, nó nằm ở vị trí HLV trưởng. Còn nhớ, sau khi Ronaldo đi khỏi MU, "Quỷ đỏ" vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi một tượng đài của câu lạc bộ là Sir Alex Ferguson. Điều đó có nghĩa là MU không phải thay đổi quá nhiều trong việc thích nghi với cuộc sống không CR7 khi hầu hết các cầu thủ áo đỏ đều đã thấm nhuần triết lý và tư tưởng chơi bóng mà vị HLV người Scotland đã xây dựng ở Old Trafford.
Real Madrid thì không được như vậy khi trước khi Ronaldo dứt áo ra đi, HLV Zidane cũng rời bỏ màu áo trắng không lâu sau chức vô địch Champions League lần thứ 3 liên tiếp. Vì thế đội bóng ít nhiều bị xáo trộn còn HLV mới bị Real sa thải, Lopetegui, ông đơn giản là còn quá non và chưa có những trải nghiệm cần thiết tại bất cứ 1 câu lạc bộ lớn nào ở châu Âu.
Thêm nữa, không như MU ngày trước, đội bóng áo trắng chưa bao giờ thật sự nghiêm túc cho một viễn cảnh vắng Ronaldo. Ban lãnh đạo Real như thường lệ gần như không cho thấy họ sẽ móc hầu bao để mang về sân Bernabeu ít nhất một cầu thủ cỡ như Ronaldo. Họ vẫn tuyệt đối tin tưởng và trao niềm tin trên vai của những ngôi sao cũ như Kroos, Modric, Bale,… nhưng đó có vẻ như là một quyết định sai lầm của đội bóng Hoàng Gia Tây Ban Nha.