Ba trận đã trôi qua và Mkhitaryan vẫn chưa một lần đá chính cho MU. Tại sao vậy? Để tốt cho tân binh 26,3 triệu bảng, Jose Mourinho đang tiến hành cái gọi là “liệu pháp tâm lý”.
Tất cả đều mong chờ những màn trình diễn của Henrikh Mkhitaryan, nhất là sau 2 màn dạo đầu ấn tượng trước Wigan và Dortmund. Tuy nhiên, đáp lại chỉ là sự thờ ơ của Jose Mourinho.
Sự thật đằng sau lời giải thích của Mou
Hoàn toàn có thể hiểu được sự bực bội (nếu có) của cầu thủ được mua về với giá 26,3 triệu bảng. Cách khởi đầu này giống một kẻ sắp bị tống ra đường hơn là ngôi sao được kỳ vọng. Anh không di chuyển một quãng đường dài, từ Signal Iduna Park đến Old Trafford chỉ để ngồi dự bị.
Cách lý giải của Mourinho sau đó cũng không hợp lý. Ông nói, để đối phó với Leicester cần tốc độ của Jesse Lingard. Còn trước Bournemouth và Southampton, những đội chơi áp sát và đẩy cao tuyến phòng ngự, mẫu cầu thủ như Mata thích hợp để khai thác không gian phía sau hàng thủ của họ.
Thật ra, nói như thế thì vô cùng. Sắp tới gặp Hull, Man City hay Watford sẽ lại có những lý do khác. Nên nhớ rằng Mkhitaryan có đầy đủ tốc độ, kỹ thuật và rất giỏi đột nhập xuống phía dưới hậu vệ, bởi thấm nhuần phong cách phản công tổng lực ở Dortmund. Dĩ nhiên Mourinho cũng biết rõ các phẩm chất của tiền vệ này nên mới đưa anh về dưới trướng.
Vậy thì lý do nào khiến Mkhitaryan bị giam giữ quá lâu trên bằng ghế dự bị? Chúng ta cần biết, Mourinho là nhà tâm lý bậc thầy. Ông từng nói: “Một HLV chỉ biết mỗi bóng đá không bao giờ là HLV giỏi. Đã là HLV, ai chả biết về bóng đá. Sự khác biệt nằm ở những lĩnh vực khác”. Ở đây là về tâm lý học.
Tâm lý con người là một trong những nguồn tài nguyên chưa được khai thác đầy đủ trong bóng đá, điều gây ngạc nhiên với một môn thể thao mà ở đó, mọi lợi thế được khai thác triệt để.
Bài học Shevchenko
Mourinho rất chú trọng yếu tố này. Ông có thể biến các cầu thủ thành những chiến binh chỉ với một câu nói và khiến anh ta sẵn sàng chết vì mình chỉ với một sự quan tâm rất nhỏ. Mou có biệt tài khơi dậy sự khát khao, truyền cảm hứng, thổi vào cầu thủ động lực hoặc vực dậy một người vừa rơi vào trạng thái suy giảm.
Ở trường hợp của Mkhitaryan, HLV người Bồ nhận thấy anh ta đang ở tình trạng “phát triển nóng”. Tân binh người Armenia muốn nhanh chóng gây ấn tượng và đã làm được điều đó ở trận giao hữu đầu tiên gặp Wigan, sau đó là bàn thắng vào lưới đội bóng cũ Dortmund. Điều này dĩ nhiên là tốt, nhưng nó có thể khiến Mkhitaryan tự tin thái quá và đánh giá sai môi trường Premier League.
Mou đã có bài học xương máu với Andriy Shevchenko. Hè 2006, tiền đạo người Ukraine đến Chelsea với mức giá kỷ lục 30,8 triệu bảng. Shevchenko ghi bàn ngay trận ra mắt gặp Liverpool ở Community Shield. 10 ngày sau, ở trận Premier League thứ 2, anh tiếp tục nổ súng. Tất cả đều nghĩ rằng, với tốc độ này, Sheva có thể kết thúc mùa giải với 30 bàn thắng.
Vậy nhưng con số này chỉ là 4. Bản hợp đồng đắt giá nhất xứ sương mù thời điểm đó là nỗi thất vọng tràn trề. Sự choáng ngợp ban đầu đã giết chết Shevchenko và nếu được làm lại, hẳn Mourinho sẽ sử dụng một cách dè dặt hơn, giúp anh ta làm quen dần với nhịp độ điên cuồng, sự khốc liệt và cả sự thô bạo của các hậu vệ Premier League.
Vì vậy, giữ Mkhitaryan trên ghế dự bị được hiểu là cách để Mourinho bảo vệ cầu thủ này. Đừng ngạc nhiên nếu một vài vòng đấu nữa, tiền vệ người Armenia sẽ trở thành trụ cột không thể thiếu trên hàng công MU.
Bạn thắc mắc tại sao Bailly, Ibrahimovic và Pogba đều được sử dụng ngay? Rất dễ hiểu. Mou không có nhiều lựa chọn ở vị trí trung vệ và Bailly đương nhiên đá chính. Ông cũng quá hiểu Ibra, người có khả năng thích ứng với mọi môi trường. Còn Pogba, cầu thủ này không xa lạ với Premier League và MU. Hơn nữa, là một chuyên gia tâm lý, với mỗi học trò Mourinho lại có những thủ thuật khác nhau. Nhưng chắc chắn đều rất hiệu quả.
Gặp Leicester, Mkhitaryan vào sân phút... 90+2, chỉ kịp chạm bóng đúng 2 lần trước khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc. Trước Bournemouth và Southampton, tiền vệ người Armenia xuất hiện tổng cộng 29 phút, đủ để anh chạm bóng 20 lần, thực hiện 3 pha rê dắt và 12 đường chuyền.